Mới đây, tại hội thảo "Chiến lược lao động và việc làm trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2023 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030", các chuyên gia đã chia sẻ rất nhiều về vấn đề kỹ năng nghề của người lao động.
Kết quả khảo sát thị trường lao động tại nhiều địa phương cũng cho thấy, lao động có kỹ năng sẽ có cơ hội tìm được việc làm cao hơn và thu nhập cao hơn so với những người không được đào tạo nghề.
Lao động qua đào tạo có chỗ đứng vững vàng
Trong hơn 82.500 lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp 6 tháng đầu năm ở TP. Hồ Chí Minh, có trên 27.800 người có trình độ từ đại học trở lên, chiếm 36%. Thông tin này vừa được bà Nguyễn Văn Hạnh Thục, Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm TP. Hồ Chí Minh cho biết.
Theo đó, trong 6 tháng qua, số người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp ở thành phố tăng 7% so với cùng kỳ, tương đương 5.000 người; tỷ lệ lao động trình độ từ đại học trở lên thất nghiệp xếp thứ 2 trong tổng số người nộp hồ sơ toàn thành phố. Đứng đầu là nhóm không có bằng cấp chứng chỉ chiếm khoảng 53%...
Con số này trên cả nước cũng khá cao, cụ thể theo bản tin thị trường lao động của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, 6 tháng đầu năm, toàn quốc có hơn 562.600 lao động đăng ký trợ cấp thất nghiệp, trong đó, trình độ từ đại học trở lên chiếm 13,85%.
Theo TS. Trương Minh Huy Vũ, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển TP. Hồ Chí Minh, các kết quả nghiên cứu gần đây cho thấy, những lao động được đào tạo và giáo dục nghề nghiệp có khả năng được tuyển dụng, thu nhập và sự hài lòng trong công việc cao hơn so với những người không được đào tạo. Lao động được đào tạo và giáo dục nghề nghiệp được trang bị tốt hơn để thích ứng với các công nghệ kỹ thuật số mới, khả năng có việc làm và khả năng cạnh tranh được cải thiện, có thể đối phó với những thách thức kinh tế do đại dịch gây ra và có nhiều khả năng duy trì việc làm hơn so với những người không được đào tạo.
Ở Việt Nam, vẫn tồn tại sự chênh lệch giữa kỹ năng của lao động có và các kỹ năng mà thị trường lao động cần, dẫn đến tỷ lệ sử dụng lao động qua đào tạo còn thấp (22,3%), trong khi thị trường vẫn thiếu lao động có trình độ, kỹ năng nghề.
"Nhiều tổ chức quốc tế cũng cho rằng, kỹ năng nghề sẽ là "đơn vị tiền tệ quốc tế mới" trong thị trường lao động tương lai, bởi vì nó đem lại năng lực cạnh tranh tốt hơn, năng suất lao động cao hơn" - TS. Trương Minh Huy Vũ phân tích.
Ảnh minh hoạ
Giáo dục nghề nghiệp cần thay đổi để bắt kịp xu hướng
Ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TP. Hồ Chí Minh cho biết, xu hướng phát triển thị trường lao động Việt Nam trong những năm tới sẽ nổi lên 4 xu hướng phát triển chính.
Thứ nhất là gia tăng số lượng lao động trên các nền tảng công nghệ. Thứ 2 là chuyển dịch nghề nghiệp gắn với kỹ năng mềm. Thứ 3 là lao động giản đơn sẽ trở nên yếu thế. Thứ 4 là xu hướng lao động "khởi nghiệp, tự tạo việc làm" gia tăng.
Theo ông Trần Anh Tuấn, việc đầu tư máy móc, tự động hóa sản xuất và ứng dụng công nghệ số sẽ dần phổ biến và làm thay đổi hình thức việc làm trên thị trường lao động. Động thái trên bắt nguồn từ sự dịch chuyển sang thời kỳ chuyển đổi số của Việt Nam và sẽ trở thành xu thế chủ đạo trong thời đại số hóa.
Ông Trần Anh Tuấn cho hay, theo thống kê tại Việt Nam, 68% công việc hiện nay đòi hỏi kiến thức, kỹ năng số cơ bản, 1/5 công việc cần các kỹ năng số chuyên sâu. Sự chuyển đổi mạnh mẽ đó của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã làm thay đổi nhanh chóng những đòi hỏi từ thế giới việc làm, thị trường lao động. Sự chuyển đổi này cũng buộc cơ quan quản lý phải tăng cường cơ chế khảo sát nhu cầu nhân lực, có kế hoạch đào tạo để chuẩn bị lực lượng lao động phù hợp cho sự phát triển kinh tế thành phố.
Theo Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TP. Hồ Chí Minh, những kiến thức, kỹ năng ngày hôm nay có thể nhanh chóng lạc hậu vào ngày mai. Những ngành nghề sử dụng nhiều lao động kỹ năng thấp sẽ mất lợi thế cạnh tranh; một phần lực lượng lao động kỹ năng thấp sẽ bị thải hồi…
Cũng theo chuyên gia này, cách tiếp cận hệ thống giáo dục - đào tạo mở đã có những thay đổi rất căn bản. Từ đào tạo chuyên môn hóa sâu đã chuyển sang đào tạo đa kỹ năng cho người lao động để họ có thể đương đầu với những thách thức.
Tuy nhiên, ông Trần Anh Tuấn đánh giá những thay đổi trên vẫn chưa đủ, hệ thống giáo dục đào tạo vẫn chưa bắt kịp xu hướng của thị trường lao động, đặc biệt là ở lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Ông phân tích, chương trình đào tạo hiện nay vẫn chưa linh hoạt, nội dung chưa phù hợp với nhu cầu và xu thế thị trường lao động Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
"Việc nâng cao chất lượng đào tạo là giải pháp quan trọng để tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực" - Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh.