Thực trạng người lao động lựa chọn hưởng BHXH một lần thay vì bảo lưu, tích luỹ thời gian đóng góp sau mỗi khi chấm dứt hợp đồng lao động ở doanh nghiệp đã diễn ra trong những năm qua và để nhằm khắc phục tình trạng này, pháp luật về BHXH cũng đã có những quy định nhằm hạn chế và định hướng người lao động trong việc quyết định lựa chọn hình thức bảo lưu thời gian đóng để hướng tới chế độ hưu trí lâu dài, nhằm tối ưu hóa quyền lợi BHXH.
Tuy nhiên, trong bối cảnh thực tiễn hiện nay, khi mà điều kiện về việc làm, thu nhập còn thiếu ổn định, đời sống của người lao động còn gặp nhiều khó khăn, để được hưởng lương hưu thì điều kiện về thời gian đóng kéo dài, độ tuổi hưởng lương hưu có xu hướng gia tăng; rõ ràng sẽ là những trở ngại để người lao động có thể quyết định bảo lưu và theo đuổi việc đóng BHXH để nhận được khoản lương hưu hàng tháng.
Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đã có nhiều sửa đổi, bổ sung theo hướng gia tăng quyền lợi, tăng tính hấp dẫn, khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu, thay vì nhận BHXH một lần như điều kiện hưởng lương hưu dễ dàng hơn (giảm từ 20 năm xuống 15 năm); hưởng trợ cấp hàng tháng trong trường hợp có thời gian đóng BHXH mà không đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội; hưởng BHYT do ngân sách nhà nước bảo đảm trong thời gian hưởng trợ cấp hàng tháng. Ngoài ra, người lao động trong thời gian bị mất việc chưa có việc làm còn được hưởng chính sách hỗ trợ về tín dụng nhằm giải quyết khó khăn tài chính trước mắt của người lao động.
Tuy nhiên, để giải quyết thực trạng này cần thực hiện một cách đồng bộ các giải pháp mà Nghị quyết số 28-NQ/TW cũng đã đề cập tới:
Thứ nhất, có các giải pháp kinh tế vĩ mô nhằm tạo sự ổn định về môi trường kinh doanh, việc làm và thu nhập cho người lao động; đây có thể nói là giải pháp căn cơ nhất để giúp duy trì việc làm, ổn định thu nhập và khả năng đóng góp của người lao động.
Thứ hai, thực hiện các giải pháp nhằm khuyến khích người lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động lựa chọn việc bảo lưu thời gian tham gia BHXH thông qua sửa đổi chính sách theo hướng tăng quyền lợi nếu bảo lưu thời gian, giảm quyền lợi nếu hưởng BHXH một lần. Ví dụ, người lao động nhận BHXH một lần sẽ chỉ được nhận lại phần đóng góp của bản thân, không nhận phần do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng.
Thứ ba, kết hợp thực hiện đồng bộ các giải pháp khác. Chẳng hạn, nghiên cứu sửa đổi chính sách bảo hiểm thất nghiệp theo hướng chú trọng các giải pháp phòng ngừa, hỗ trợ doanh nghiệp duy trì sản xuất, bảo đảm việc làm thay vì chỉ tập trung các giải pháp xử lý hậu quả. Cụ thể như chi trả trợ cấp thất nghiệp, cần tính đến việc hỗ trợ một phần tiền lương, hỗ trợ đóng BHXH cho các lao động có nguy cơ bị sa thải mà khó tìm việc làm ở các doanh nghiệp thực sự khó khăn. Nhờ đó, người lao động vẫn có việc làm, vẫn nằm trong hệ thống BHXH, vẫn làm ra sản phẩm hoặc cung cấp dịch vụ, vẫn đóng góp vào tăng trưởng và năng suất lao động quốc gia. Chính sách này nhiều nước đã thực hiện từ rất lâu.
Ngoài ra, Nghị quyết 28 cũng nhấn mạnh ở công tác thông tin tuyên truyền để người lao động được biết và hiểu một cách đầy đủ về những quyền lợi của mình, để từ đó quyết định lựa chọn một cách phù hợp. Bên cạnh đó, trong tổ chức thực hiện chính sách, cũng cần nâng cao hiệu quả, chất lượng cung cấp dịch vụ BHXH nhằm củng cố niềm tin, tạo thuận lợi cho người lao động trong tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH.