Quan tâm hậu kiểm trong phòng cháy, chữa cháy
Phát biểu thảo luận tổ tại, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn nêu rõ, 2 đồ án quy hoạch cấp Thủ đô và Luật Thủ đô (sửa đổi) đến thời điểm hiện nay đã cơ bản đồng bộ, có sự tương tác, tổng hợp, tạo ra nội dung lớn, đổi mới trong phát triển Thủ đô, như: kiểm soát không gian phát triển thành phố; thiết lập mô hình chùm đô thị; dự kiến phát triển 2 mô hình thành phố phía Bắc và thành phố phía Tây Thủ đô; kiện toàn hệ thống hạ tầng kỹ thuật, xã hội; hình thành 5 trục phát triển cơ bản…
Phó Chủ tịch UBND thành phố cũng thông tin, theo quy định của Luật Quy hoạch và Luật Quy hoạch đô thị, sau khi 2 đồ án quy hoạch Thủ đô được Quốc hội, Chính phủ thông qua, thành phố phải xác lập chương trình, kế hoạch và nguồn lực, cơ chế chính sách phát triển đô thị, khắc phục hạn chế yếu kém của thời kỳ trước. Đây là thách thức không nhỏ, đặc biệt với yêu cầu hoàn thiện trong thời gian ngắn để tạo cơ hội phát triển mới cho Thủ đô đồng bộ, toàn diện.
Góp ý vào Dự thảo Đề án “Tổng thể nâng cao năng lực, bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn Thủ đô giai đoạn đến năm 2025, định hướng năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Bí thư Huyện ủy Thường Tín Nguyễn Tiến Minh cho rằng, khi triển khai nên kết hợp với Chương trình số 03-CTr/TU ngày 17.3.2021 của Thành ủy về "Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị TP. Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025". Khuyến khích các hộ hợp khối, xây dựng để đảm bảo phương án phòng chống cháy nổ, mỗi khu vực nên thiết kế để xe ô chữa cháy vào được.
Còn đại biểu Vũ Mạnh Hải (huyện Thường Tín) cho rằng, Đề án đã quan tâm đến công tác phòng cháy chữa cháy và có chính sách tốt nhưng để giải quyết thì khâu thủ tục không quan trọng bằng khâu hậu kiểm. Cấp phép các cơ sở đảm bảo điều kiện an toàn phòng cháy chữa cháy nhưng phải hậu kiểm về thiết bị phòng cháy chữa cháy, quá trình sử dụng, vận hành... "Vì vậy, cần quan tâm hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện tốt công tác đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy với thời gian nhanh nhất, tốt nhất; đồng thời thường xuyên kiểm tra, giám sát đặc biệt tại các địa phương quản lý các công trình để kiểm đếm và tăng cường quản lý lĩnh vực này", ông Vũ Mạnh Hải nhấn mạnh.
Phát biểu thảo luận tại tổ, Trưởng Ban Pháp chế HĐND thành phố Duy Hoàng Dương nhấn mạnh, năm 2022, HĐND thành phố đã ban hành nghị quyết số 05/2022/NQ-HĐND quy định việc xử lý các cơ sở không đảm bảo yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy trên địa bàn TP. Hà Nội được đưa vào sử dụng trước khi Luật Phòng cháy và chữa cháy có hiệu lực thi hành. Đến tháng 9.2023 trước vụ hỏa hoạn xảy ra ở quận Thanh Xuân, HĐND thành phố cũng chủ động ban hành Nghị quyết số 26/NQ-HĐND về các biện pháp tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn. Tại Nghị quyết số 26/NQ-HĐND, HĐND thành phố đã giao cho UBND thành phố trình HĐND thành phố ban hành Đề án này ở kỳ họp cuối năm. Trên cơ sở các nội dung chỉ đạo của HĐND, UBND thành phố đã giao Công an thành phố và các ngành liên quan xây dựng Đề án.
"Để thực hiện tốt công tác phòng cháy chữa cháy trên địa bàn, Đề án cần quan tâm tuyên truyền, phát huy sức mạnh của người dân tham gia vào công tác phòng cháy chữa cháy, cứu hộ cứu nạn. Hiện trên địa bàn thành phố nhiều loại hình nhà ở và phân cấp quản lý ở cấp xã nhiều nhất. Vì thế Đề án cần điều chỉnh lại các nhiệm vụ đột phá từ nay đến năm 2025", ông Duy Hoàng Dương nhấn mạnh.
Định hướng phát triển đường sắt đô thị theo mô hình TOD
Trưởng Ban Đô thị HĐND thành phố Đàm Văn Huân cho biết, Ban được Thường trực HĐND giao thẩm tra đồ án Quy hoạch chung Thủ đô nên đã có sự tham gia ngay từ đầu. Sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ vào tháng 6.2023, thành phố đã quan tâm, đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Sau 6 tháng, Đồ án được hoàn thành bàn bản, công phu, thể hiện khát vọng xây dựng Thủ đô là thành phố "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại"; trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; thành phố kết nối toàn cầu, phấn đấu phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực.
Hiện các yếu tố liên quan đến 4 mốc thời gian (tới các năm 2030, 2045, 2050 và 2065) giữa đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô và đồ án Quy hoạch Thủ đô Hà Nội đã khớp nhau. Do đó, đại biểu đề nghị các thông số liên quan đồ án Quy hoạch chung được HĐND thành phố thông qua sẽ là luận cứ đưa vào đồ án Quy hoạch Thủ đô. Và ngược lại, các nội dung như dân số, diện tích, tốc độ phát triển, trình độ nhân lực… được đề cập đến trong đồ án Quy hoạch Thủ đô sẽ được bổ sung vào đồ án Điều chỉnh chung Thủ đô.
Góp ý vào nội dung quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2023, tầm nhìn đến năm 2045, Bí thư Huyện Ủy Thường Tín Nguyễn Tiến Minh đề nghị, khi quy hoạch 2 bên sông Hồng cần thiết kế theo hướng ô bàn cờ để tạo không gian tĩnh cho giao thông nhằm giảm ùn tắc giao thông. Cùng với đó là thực hiện di trụ sở các cơ quan ra ngoài để tạo không gian tĩnh cho giao thông.
Ông Nguyễn Tiến Minh cũng cho biết, Dự thảo Luật Thủ đô đã đề cập đến mô hình TOD (phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng), vì vậy khi quy hoạch Thủ đô cần bám vào Luật Thủ đô để quy hoạch mô hình này. Đối với hệ thống đường sắt đô thị, hiện Hà Nội mới có 1 tuyến đang chạy, 1 tuyến sắp chạy, số lượng như vậy là rất ít. Còn 10 tuyến đang trong kế hoạch triển khai, đề nghị trong định hướng quy hoạch đường sắt đô thị các đơn vị tư vấn cần nhấn mạnh triển khai theo mô hình TOD. Đồng thời, sẽ quy hoạch tuyến đường sắt đô thị ngầm hoặc nổi với các tầng khác nhau, điều chỉnh các hướng để đường bộ và đường sắt đô thị bổ sung cho nhau để tăng cường năng lực giao thông công cộng, tiến tới hạn chế các phương tiện cá nhân hiệu quả.