Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch VIESARD Hà Công Tuấn khẳng định: Trên cơ sở nghiên cứu thực tiễn thực hiện Luât Đất đai hiện hành và Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được Chính phủ tổ chức lấy ý kiến Nhân dân, VIESARD thấy rằng Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã thể chế các định hướng, chủ trương của Đảng, mà trực tiếp là tại Văn kiện Đại hội Đảng khóa XIII, các Nghị quyết, kết luận của Trung ương Đảng, đặc biệt là Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16.6.2022 và giải quyết các vấn đề đặt ra từ thực tiễn, phù hợp với xu thế phát triển đất nước.
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung vào các nhóm vấn đề chính như phân loại nhóm đất nông nghiệp; quy hoạch sử dụng đất; thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng; đất có nguồn gốc nông, lâm trường, và tập trung, tích tụ đất nông nghiệp.
Các đại biểu cũng đóng góp ý kiến vào các nội dung về quy định, chế định pháp lý có liên quan về đất sản xuất nông nghiệp, đất lâm nghiệp, đất nuôi trồng thuỷ sản, đất chăn nuôi, đất xây dựng các công trình thuỷ lợi, phòng chống thiên tai, đất làm muối; Về thu hồi đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; Phát triển quỹ đất; Giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; Đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận và các thủ tục hành chính, dữ liệu, thông tin đất đai; Cơ chế, chính sách tài chính, giá đất; Chế độ quản lý, sử dụng các loại đất; (8) Phân cấp, giám sát, kiểm soát quyền lực; Hộ gia đình sử dụng đất.
Hiệu trưởng trường Đại học Lâm nghiệp, GS.TS Phạm Văn Điển cho biết, với mục đích tập hợp ý kiến tham vấn của các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý cấp quốc gia để góp ý xây dựng cơ chế, chính sách luật đất đai trọng tâm trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp, phục vụ xây dựng Báo cáo góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), hội thảo đã hoàn thành 100% nội dung công việc.
Các tham luận đều bảo đảm tính khoa học, khách quan, thể chế hóa các chủ trương của Đảng, phù hợp với thực tiễn đổi mới đất nước, đảm bảo các quy định của Luật khả thi.
Các ý kiến tại hội thảo sẽ được ban tổ chức tổng hợp đầy đủ và chuyển nguyên trạng đến cơ quan soạn sớm nhất nhằm giúp góp phần tạo hành lang pháp luật ổn định nhằm thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn giai đoạn đến 2030, định hướng đến năm 2045.