Lao động phi chính thức tăng hơn 200.000 người
Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê, tính chung 6 tháng đầu năm 2024, lao động có việc làm là 51,4 triệu người, tăng 195.700 người so với cùng kỳ năm trước; trong đó, khu vực thành thị là 19,7 triệu người, tăng 687.900 người so với cùng kỳ năm trước; khu vực nông thôn là 31,7 triệu người, giảm 492.200 người.
Xét theo khu vực kinh tế, lao động có việc làm 6 tháng đầu năm trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 13,7 triệu người, chiếm 26,7% và giảm 112.800 người so với cùng kỳ năm trước; khu vực công nghiệp và xây dựng là 17 triệu người, chiếm 33,1% và giảm 201.200 người; khu vực dịch vụ là 20,7 triệu người, chiếm 40,2% và tăng 509.700 người.
Mặc dù lao động có việc làm có xu hướng tăng, nhưng thị trường lao động phát triển chưa bền vững khi số lao động có việc làm phi chính thức chiếm tỷ trọng lớn. Số lao động có việc làm phi chính thức chung (bao gồm cả lao động làm việc trong hộ nông, lâm nghiệp và thủy sản) quý II là 33,5 triệu người, chiếm 65,2% trong tổng số lao động có việc làm và tăng 271.700 người so với quý trước và tăng 210.300 người so với cùng kỳ năm trước.
Thu nhập bình quân của người lao động quý II là 7,5 triệu đồng/tháng, giảm 137.000 đồng so với quý I và tăng 490.000 đồng so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, thu nhập bình quân của lao động nam là 8,5 triệu đồng/tháng, lao động nữ là 6,3 triệu đồng/tháng; thu nhập bình quân của lao động ở khu vực thành thị là 9 triệu đồng/tháng, khu vực nông thôn là 6,5 triệu đồng/tháng.
Tính chung 6 tháng, thu nhập bình quân của người lao động là 7,5 triệu đồng/tháng, tăng 7,4%, tương ứng tăng 519.000 đồng so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thu nhập bình quân của lao động nam là 8,5 triệu đồng/tháng, lao động nữ là 6,4 triệu đồng; thu nhập bình quân của lao động ở khu vực thành thị là 9,1 triệu đồng/tháng, khu vực nông thôn là 6,5 triệu đồng/tháng.
Cũng trong báo cáo trên, cơ quan thống kê quốc gia cũng nêu ra một số những điểm hạn chế của thị trường lao động nước ta trong bối cảnh hiện nay. Trước hết, chất lượng cung lao động vẫn còn bất cập, hạn chế; chưa đáp ứng cho cầu lao động của thị trường lao động hiện đại, linh hoạt, bền vững và hội nhập.
Cùng với đó, tình hình doanh nghiệp khó khăn với bình quân 1 tháng có khoảng 18,4 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 6 tháng đầu năm là nguyên nhân chính dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp tăng lên trong quý này. Số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý II.2024 khoảng 1,08 triệu người, tăng 24,2 nghìn người so với quý trước và tăng 4,2 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý II năm 2024 là 2,29%, tăng 0,05 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 0,01 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
Tỷ lệ thanh niên thiếu việc làm vẫn cao
Tính chung 6 tháng đầu năm nay, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 2,27%, không đổi so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực thành thị là 2,68%; khu vực nông thôn là 2%. Tuy nhiên, tính chung tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên trong 6 tháng đầu năm là 8%, tăng 0,49 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên khu vực thành thị là 10,18%, tăng 0,65 điểm phần trăm; khu vực nông thôn là 6,87%, tăng 0,4 điểm phần trăm.
Cùng với tỷ lệ thất nghiệp tăng, số người thiếu việc làm trong độ tuổi lao động quý II cũng tăng lên 948.000 người, tăng thêm 15.000 người so với quý trước và tăng 7,3 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Họ là những người có việc làm mong muốn làm thêm giờ; sẵn sàng làm thêm giờ; thực tế làm dưới 35 giờ/tuần. Tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động quý này là 2,06%, tăng 0,03 điểm phần trăm so với quý trước và không đổi so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ này cũng tăng ở cả khu vực thành thị và nông thôn, tương ứng tăng lên 1,53% và 2,41%.
Tổng cục Thống kê đánh giá, so với tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên luôn cao và gấp hơn 3 lần, do thanh niên là lực lượng trẻ, nhu cầu có việc làm cao hơn, họ bắt buộc tìm kiếm việc làm.
Ở phần khác của bảng thống kê, trong quý II, cả nước có khoảng 1,3 triệu thanh niên (từ 15 - 24 tuổi) không có việc làm và không tham gia học tập, đào tạo, chiếm 10,2%. Tỷ lệ thanh niên không có việc làm và không tham gia học tập, đào tạo ở khu vực nông thôn là 11,3%, khu vực thành thị là 8,5%. Nữ thanh niên không có việc làm và không tham gia học tập, đào tạo là 11,5%, nam là 9%.
Theo các chuyên gia, nước ta cũng như nhiều quốc gia khác đang trải qua quá trình phát triển kinh tế và công nghiệp hóa nhanh chóng, nhu cầu về nhân lực có trình độ cao và có kỹ năng ngày càng tăng; do đó, nhận thức về sự cần thiết của việc duy trì và phát triển kỹ năng thông qua việc học tập liên tục được doanh nghiệp, người lao động chú trọng. Hiện, có khoảng hơn 70% lao động chưa qua đào tạo từ sơ cấp trở lên.
Trong khi đó, tính chung 6 tháng, tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng là 4,3%. Đa số lao động không sử dụng hết tiềm năng là những người từ 15 - 34 tuổi (chiếm 49%). Điều này cho thấy, Việt Nam vẫn còn 1 bộ phận không nhỏ lực lượng lao động tiềm năng chưa được khai thác, đặc biệt là nhóm lao động trẻ.
Con số này phản ánh một thách thức lớn mà thị trường lao động Việt Nam đang phải đối mặt. Điều này không chỉ cho thấy nhu cầu cần thiết trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực mà còn cả sự cấp thiết trong việc mở rộng cơ hội đào tạo và cấp bằng chuyên môn, nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nền kinh tế hiện đại.