Mô hình đặc thù, chính sách nhân văn
- Ông đánh giá thế nào về vai trò, vị trí của NHCSXH đối với việc phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương?
- Tín dụng chính sách do NHCSXH triển khai, thực hiện trong thời gian qua được đánh giá là một điểm sáng trong các chính sách giảm nghèo; một giải pháp sáng tạo, có tính nhân văn sâu sắc và phù hợp với thực tiễn, góp phần quan trọng thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước đã đề ra về giảm nghèo, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội.
Sau 21 năm triển khai, hoạt động của NHCSXH đã góp phần cải thiện, nâng cao đời sống người dân trên địa bàn huyện Phú Vang. Các chương trình tín dụng chính sách đã khẳng định là công cụ hữu hiệu của cấp ủy và chính quyền địa phương trong thực hiện chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững, đưa tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2003 - 2016 từ 25,74% xuống còn 6,94%; giai đoạn 2017 - 2023 theo chuẩn nghèo đa chiều giảm từ 10,38% xuống còn 2,27%.
Tín dụng chính sách xã hội đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác đến nay đã thực sự đi vào cuộc sống, được Nhân dân đồng tình ủng hộ, đạt hiệu quả tích cực, phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, của người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn huyện nói riêng và phạm vi cả nước nói chung.
Thời gian tới, hoạt động tín dụng chính sách sẽ tiếp tục đồng hành cùng với cấp ủy, chính quyền các cấp và các ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội thực hiện thành công các mục tiêu theo tinh thần Nghị quyết Đảng bộ huyện lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra.
Chuyển dịch mọi lĩnh vực đời sống
- Nguồn vốn đã tác động đến đời sống người nghèo, người khó khăn, gia đình chính sách tại Phú Vang ra sao, thưa ông?
- Trong những năm gần đây, tình hình kinh tế, xã hội trên huyện Phú Vang ngày càng phát triển, đời sống Nhân dân từng bước được cải thiện. Tỷ lệ các đối tượng chính sách đã chuyển dịch theo hướng giảm dần đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo và kéo theo sự thay đổi về cơ cấu dư nợ các chương trình tín dụng chính sách. Các chương trình cho vay ưu đãi được mở rộng, phù hợp với thực tiễn tình hình kinh tế - xã hội và nhu cầu của người dân, đặc biệt là các chương trình cho vay phục hồi sản xuất, khắc phục thiệt hại do sự cố môi trường Formosa, dịch Covid-19.
Trong hơn 21 năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã được giải ngân đến 100% xã, thị trấn trên địa bàn huyện để người nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu, đủ điều kiện đều được tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ do NHCSXH cung cấp, từ đó góp phần tích cực trong việc cải thiện và nâng cao đời sống của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn huyện.
Đến nay, đã có 113.068 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn, với doanh số cho vay đạt 2.214.589 triệu đồng. Nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã phát huy hiệu quả kinh tế - xã hội, góp phần giúp 14.908 lượt hộ vượt qua ngưỡng nghèo; 14.225 vượt ngưỡng cận nghèo; thu hút, tạo việc làm cho hơn 9.080 lao động; hỗ trợ kinh phí cho 653 lao động đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài; trang trải chi phí học tập cho 5.418 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; xây dựng được 44.280 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường; hỗ trợ xây dựng 689 ngôi nhà cho các đối tượng hộ nghèo, bao gồm: nhà ở cho người nghèo 453 nhà, nhà ở phòng tránh bão lụt 236 nhà; hỗ trợ xây dựng và sửa chữa 56 nhà ở xã hội; tạo lập nguồn vốn sản xuất kinh doanh cho hơn 28.500 hộ gia đình để đầu tư phát triển kinh doanh, sản xuất.
Đặc biệt, trong giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhất, NHCSXH huyện đã bám sát các nội dung chỉ đạo của Chi nhánh NHCSXH tỉnh để tham mưu cho cấp ủy, chính quyền trong việc tiếp tục triển khai thực hiện tốt các nội dung nhiệm vụ được giao, bảo đảm đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của các đối tượng chính sách.
Cần mở rộng đối tượng thụ hưởng
- Theo ông, việc phân bổ nguồn lực như hiện nay cho các chương trình tín dụng chính sách đã đáp ứng được yêu cầu vay vốn của các đối tượng chính sách trên địa bàn haychưa? Cần thiết phải mở rộng đối tượng thụ hưởng là những người có mức sống trung bình hay không, thưa ông?
- Bên cạnh những kết quả đã đạt được, quá trình triển khai thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP trên địa bàn huyện Phú Vang còn gặp phải một số khó khăn, hạn chế. Cụ thể, hoạt động tín dụng chính sách thực hiện trên toàn huyện chưa đồng đều; một số địa bàn xã có dư nợ quản lý còn thấp so với mặt bằng chung trên toàn huyện.
Cùng với đó, công tác huy động vốn trên địa bàn chưa tương xứng với sự phát triển kinh tế, xã hội của huyện. Vì vậy, doanh số huy động hàng năm từ tiền gửi tiết kiệm của tổ chức, cá nhân chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng nguồn vốn tín dụng chính sách đang quản lý tại Phòng Giao dịch NHCSXH huyện. Nguồn vốn tín dụng chính sách tăng trưởng hàng năm chủ yếu từ nguồn vốn cân đối của Trung ương. Nguồn vốn ủy thác tại địa phương còn thấp so với bình quân chung của tỉnh, chưa đáp ứng được nhu cầu vay vốn ngày càng tăng của hộ nghèo và các đối tượng khác tại địa phương.
Đặc biệt, trong bối cảnh tình hình kinh tế biến động, đời sống Nhân dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhiều hộ gia đình không phải hộ nghèo cũng có cuộc sống vô cùng khó khăn. Để giải quyết vấn đề này, huyện đã có nhiều giải pháp. Tuy nhiên, trước mắt chúng tôi rất cần bổ sung nguồn vốn để khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh cho bà con là các đối tượng của NHCSXH. Đồng thời, về lâu dài, chúng tôi cho rằng, nên mở rộng đối tượng thụ hưởng là những người có mức sống trung bình để giúp bà con có thêm động lực vươn lên. Song song với đó, tăng mức cho vay đối với một số chương trình như nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn, nhà ở xã hội…
- Với tư cách là Trưởng Ban Đại diện của NHCSXH và lãnh đạo của UBND huyện, theo ông, cần làm gì để tăng cường nguồn lực và phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn?
- Từ những kết quả đạt được trong quá trình thực hiện hơn 20 năm qua, tôi cho rằng, để phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách thì trước hết phải giữ vững sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách. Nghiêm túc triển khai các chủ trương, cơ chếQuốc hội và Chính phủ đã ban hành. Đồng thời, luôn chủ động tham mưu, bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện cơ chế chính sách phù hợp thực tiễn và phù hợp với lòng dân, để Nhân dân tin tưởng, đồng tình ủng hộ. Xác định, sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, sự phối hợp chặt chẽ của các tổ chức chính trị - xã hội với NHCSXH là yếu tố then chốt hàng đầu tạo nên sự thành công trong tổ chức triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội.
Tiếp tục tăng cường vai trò chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của Ban Đại diện HĐQT các cấp, nhất là vai trò của các thành viên Ban Đại diện HĐQT NHCSXH huyện là Chủ tịch UBND các xã, thị trấn, đưa công tác quản trị NHCSXH của Ban Đại diện ngày càng sát với thực tiễn hoạt động, đáp ứng được nhu cầu về giảm nghèo, giải quyết việc làm và bảo đảm an sinh xã hội.
Đặc biệt, cần chú trọng, quan tâm đến công tác kiện toàn, phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động của các Tổ Tiết kiệm và vay vốn thông qua việc tăng cường công tác đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ quản lý tín dụng chính sách đối với các tổ chức chính trị - xã hội, Ban quản lý Tổ Tiết kiệm và vay vốn. Đây là nhân tố quan trọng trong việc thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách ưu đãi của Chính phủ đến các đối tượng thụ hưởng một cách kịp thời, chính xác. Đồng thời, góp phần quan trọng vào công tác củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng tại cơ sở, phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng ưu đãi, tránh gây thất thoát, lãng phí vốn...
- Trân trọng cảm ơn ông!