Phát biểu tại Hội thảo, đại diện các doanh nghiệp Game Việt cho rằng: Trong bối cảnh hiện nay khi nhiều doanh nghiệp đang rất khó khăn, nếu chồng thêm thuế tiêu thụ đặc biệt, doanh nghiệp Việt sẽ thêm kiệt quệ, khó chồng khó, khả năng sẽ mất hoàn toàn khả năng cạnh tranh trên chính sân nhà và thị phần sẽ thuộc về game lậu.
Mở rộng đối tượng chịu thuế, tăng thuế sẽ khiến doanh nghiệp kiệt quệ
Theo Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn, dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) nhận được sự quan tâm đặc biệt của doanh nghiệp. Có những doanh nghiệp cho rằng, dự án luật này có tác động sống còn đến hoạt động của doanh nghiệp. Và trong các nhóm chính sách dự thảo luật đề xuất sửa đổi, bổ sung, đặc biệt có nhóm nước giải khát có đường, mục đích bảo vệ trẻ em và ngăn ngừa sự thừa cân béo phì đang báo động, nguy cơ cao đối với nhiều bệnh không lây nhiễm.
Dự án luật cũng đưa ra việc cần xem xét kỹ lưỡng để áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với nhóm thức uống đại mạch và nước giải khát không cồn; sản phẩm thuốc lá mới và thiết bị, bộ phận, dung dịch thuốc lá mới và nhóm kinh doanh dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng, nhóm xe ô tô (loại xe bốn bánh chở người có gắn động cơ).
Bàn về những khó khăn mà doanh nghiệp ngành nước giải khát chịu tác động nếu phải chịu áp thuế giá trị gia tăng theo dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), Trưởng Ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, CIEM, TS Nguyễn Minh Thảo nhấn mạnh: Doanh nghiệp lĩnh vực này đang gặp khó sẽ lại càng gặp khó. “Việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt từ 0% lên 10% với sản phẩm nước giải khát có đường dự báo ảnh hưởng sụt giảm sản lượng hơn 3.000 tỷ đồng. Thu nhập của người lao động, thu ngân sách qua thuế đều giảm". Như vậy vô hình chung nếu mở rộng đối tượng chịu thuế và tăng thuế ở thời điểm hiện nay sẽ tạo gánh nặng, thậm chí làm kiệt quệ doanh nghiệp trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp rất nhiều khó khăn.
Nguy cơ game lậu nếu áp thuế tiêu thụ đặc biệt
Liên quan đến việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ngành Game, nhiều doanh nghiệp lĩnh vực này đều thống nhất quan điểm: Trò chơi điện tử trực tuyến là một phần quan trọng của ngành công nghiệp nội dung số, của kinh tế số, nên có những chính sách để ưu tiên phát triển.
Giám đốc phát hành trò chơi trực tuyến của VNGGames Lã Xuân Thắng cho biết: Trên thế giới, ngành game là trụ cột trong ngành nội dung số và kinh tế số. Theo ước tính từ Newzoo, tổng doanh thu ngành game năm 2022 đạt 184 tỷ USD và dự kiến năm 2023 sẽ đạt 194 tỷ USD. Cũng theo báo cáo này, năm 2022, toàn cầu có khoảng 3,2 tỷ người chơi game. Bản chất của trò chơi điện tử trực tuyến nói chung là sáng tạo nội dung trên môi trường Internet để phục vụ cho nhu cầu giải trí của mọi người trong xã hội, vì thế nên được đối xử bình đẳng như những phần khác của ngành công nghiệp giải trí, giống như phim ảnh, ca nhạc...
Ví dụ đơn cử, ông Lã Xuân Thắng cho biết: Ở các quốc gia như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Pháp, Tây Ba Nha và nhiều nước khác, trò chơi trực tuyến không chỉ được thừa nhận như là một ngành kinh tế quan trọng, mà còn được xác định là mũi nhọn để xuất khẩu văn hoá ra thế giới. Vì vậy, những quốc gia này có rất nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển ngành công nghiệp trò chơi trực tuyến. Gần đây, một số quốc gia khác như Singapore, Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất UAE, Jordan,... cũng đã có nhiều sáng kiến, nhiều chính sách thu hút các tập đoàn, các công ty game đến đặt trụ sở và hoạt động. Họ không muốn chậm chân trong ngành công nghiệp được dự đoán sẽ sớm chạm mốc doanh thu 200 tỷ USD này.
Cũng theo ông Thắng, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trò chơi trực tuyến ở Việt Nam đang chịu sự cạnh tranh không lành mạnh từ các công ty nước ngoài. Trên thực tế, tại Việt Nam, kinh doanh trò chơi điện tử trực tuyến là 1 ngành kinh doanh có điều kiện. Tất cả các game muốn kinh doanh đều phải được thẩm định nội dung bởi cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành. Bên cạnh việc phải bảo đảm các yêu cầu về yếu tố nội dung, trò chơi trực tuyến khi đưa ra thị trường luôn có sự phân loại độ tuổi rất rõ ràng và khuyến cáo người dùng trước khi sử dụng. Hầu hết những nội dung không lành mạnh, lệch chuẩn đều đến từ các game được phát hành trái phép trên lãnh thổ Việt Nam. Những game này không bị quản lý bởi các cơ quan quản lý chuyên ngành, đồng thời cũng không đóng bất cứ khoản thuế nào cho Nhà nước.
Hiện các doanh nghiệp Việt Nam đang thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ với Nhà nước, phải cạnh tranh với những doanh nghiệp nước ngoài không phải thực hiện bất cứ nghĩa vụ nào. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc chỉ còn khoảng 15% số doanh nghiệp game Việt Nam đã đăng ký còn hoạt động. 85% đã ngừng hoặc chuyển hoạt động ra nước ngoài để được hưởng các cơ chế ưu đãi toàn diện từ thủ tục, hạ tầng cho đến thuế suất.
“Nếu chồng thêm thuế tiêu thụ đặc biệt, doanh nghiệp Việt Nam sẽ mất hoàn toàn khả năng cạnh tranh trên chính sân nhà. Thị phần sẽ thuộc về các sản phẩm lậu, không phép và dẫn đến công tác quản lý về nội dung, văn hoá, tài chính,… sẽ trở nên rất nặng nề”, ông Thắng nhấn mạnh.
Đồng tình với quan điểm trên, đại diện Soha Game, bà Nguyễn Thị Dung cho rằng: Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt ( sửa đổi) để bảo vệ trẻ em và người dùng game online vì lý do sức khỏe. Mục tiêu này đúng đắn, nhưng giải pháp không hề giải quyết được vấn đề mà luật này nhắm đến. “Nếu áp thuế với doanh nghiệp trong nước, với doanh nghiệp non trẻ thì sao những doanh nghiệp này có thể sống nổi”- bà Dung đặt câu hỏi. Bên cạnh đó, doanh nghiệp trong nước đang phải cạnh tranh với doanh nghiệp game nước ngoài. Như vậy, nếu áp thuế tiêu thụ đặc biệt thì vô hình chung thị trường game sẽ nằm trong tay nước ngoài và game lậu.
Giám đốc VTC Intecom Trần Phương Huy cũng cho rằng: Nếu đánh thuế tiêu thụ đặc biệt doanh nghiệp như VTC sẽ “chết” trên sân nhà. Và, thay vì áp thuế, Nhà nước có thể quản lý game online qua mã định danh điện tử như một số nước như Trung Quốc đang làm chứ không phải dùng chính sách thuế nhắm vào doanh nghiệp game online. Từ thực tế đó, ông Trần Phương Huy đề xuất không đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ngành Game.