Tích hợp, cung cấp gần 4.600 dịch vụ công trực tuyến
Cùng với việc triển khai các Trung tâm hành chính công, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả để phục vụ nhân dân theo phương thức truyền thống, thì việc thiết lập Cổng Dịch vụ công quốc gia với vai trò là “một cửa số” quốc gia trong giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp là một giải pháp quan trọng, có tính chất đột phá trong thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, đáp ứng yêu cầu của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Cổng dịch vụ công quốc gia đã tích hợp, cung cấp 4.591 dịch vụ công trực tuyến trong tổng số 6.349 TTHC (chiếm 72,3%); có hơn 3,2 tỷ lượt truy cập tìm hiểu thông tin và thực hiện dịch vụ; hơn 273 triệu hồ sơ TTHC đồng bộ, công khai quá trình giải quyết (năm 2023 tăng hơn 1,7 lần so với cùng kỳ năm 2022); 36,8 triệu hồ sơ TTHC trực tuyến và 21,2 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến từ Cổng (năm 2023 tăng hơn 2,58 lần so với cùng kỳ năm 2022). Trung bình mỗi ngày tiếp nhận hơn 106 nghìn hồ sơ trực tuyến, 50 nghìn giao dịch thanh toán trực tuyến.
Đặc biệt, việc tích hợp, cung cấp dịch vụ công trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh tái cấu trúc quy trình, giải quyết TTHC trên môi trường điện tử trên cơ sở khai thác, tái sử dụng dữ liệu để cắt giảm, đơn giản hóa TTHC, giúp việc thực hiện TTHC của người dân, doanh nghiệp được thuận lợi, đơn giản, giảm chi phí, thời gian.
Nhận định về lợi ích của Cổng Dịch vụ công quốc gia, TS. Ngô Hải Phan - Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ cho rằng, Cổng Dịch vụ công quốc gia bảo đảm khả năng giám sát, kiểm tra, đánh giá của cá nhân, tổ chức và trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước trong thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công, giúp minh bạch, cắt giảm, đơn giản hóa TTHC, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp. Việc phát triển các nền tảng, phần mềm dùng chung của Cổng Dịch vụ công quốc gia để các bộ, ngành, địa phương áp dụng thực hiện trong tiếp nhận, giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công, giúp tiết kiệm, tránh lãng phí trong đầu tư, nâng cao hiệu quả sử dụng – ông Phan cho biết thêm.
Ngoài ra, việc cung cấp dịch vụ công trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia giúp công khai, minh bạch các thông tin trong giải quyết TTHC trên cả nước; tạo thuận lợi cho người dân thực hiện theo dõi, giám sát, đánh giá chất lượng. Trong đó, Hệ thống đánh giá Bộ chỉ số phục vụ người dân và doanh nghiệp giúp kiểm soát quá trình giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công bằng dữ liệu theo thời gian thực. Qua đó, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, trách nhiệm giải trình, cá thể hóa trách nhiệm đến từng cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.
Liên thông điện tử và tái sử dụng dữ liệu
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, thì việc cắt giảm TTHC, liên thông điện tử thời gian qua vẫn còn những bất cập. Tại phiên họp của Thủ tướng Chính phủ với 63 tỉnh, thành phố, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cũng thẳng thắn chỉ rõ, việc cắt giảm TTHC, quy định kinh doanh còn mang tính đối phó, có lúc, có nơi chưa thật sự tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, chưa đáp ứng yêu cầu đề ra của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cả về chất lượng và tiến độ. Việc công bố, công khai quy định TTHC còn chưa nghiêm, một số bộ, địa phương chưa cập nhật kịp thời, đầy đủ, sát với thực tế trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC.
Tập trung số hóa, làm sạch dữ liệu, gắn việc số hóa với việc thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình tiếp nhận, giải quyết TTHC. Đẩy mạnh tái sử dụng tài liệu, kết quả giải quyết TTHC đã được số hóa giữa các bộ, ngành, địa phương thông qua kết nối, chia sẻ dữ liệu với Kho quản lý dữ liệu cá nhân, tổ chức trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Hoàn thành việc kết nối, chia sẻ, đồng bộ dữ liệu giữa các CSDL quốc gia, chuyên ngành, hệ thống thông tin cung cấp dịch vụ công tập trung do bộ, ngành quản lý với Cổng dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh phục vụ giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công.
Cùng với đó, TTHC trong nhiều lĩnh vực còn nhiều rào cản; quy trình thực hiện TTHC chưa liên thông giữa các cơ quan Nhà nước; thành phần hồ sơ còn rườm rà, phức tạp, đôi khi còn phát sinh các thủ tục, giấy phép con gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. Vẫn còn tình trạng nhũng nhiễu, xử lý hồ sơ TTHC còn chậm ở một số cơ quan.
Việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến chưa thực sự lấy người dùng làm trung tâm, chưa phát huy việc tái sử dụng thông tin, dữ liệu đã có thông qua kết nối, chia sẻ dữ liệu – Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nói.
Từ thực tế đó, Phó Thủ tướng lưu ý, không thực hiện cắt giảm TTHC một cách máy móc, mà phải đáp ứng hai yêu cầu vừa bảo đảm thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước, vừa tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Nhấn mạnh điều này, Phó Thủ tướng yêu cầu, các bộ, ngành, địa phương chú trọng đẩy mạnh phân cấp về TTHC; tăng cường nỗ lực chuyển đổi số để công khai minh bạch quy trình, thủ tục và kết quả giải quyết TTHC.
Là người gắn bó với công tác cải cách TTHC, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ Ngô Hải Phan cho rằng, để tiếp tục nâng cao chất lượng phục vụ, phát huy vai trò của Cổng Dịch vụ công quốc gia, cần tiếp tục bám sát nguyên tắc “lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm”. Tập trung rà soát, cấu trúc lại quy trình, cắt giảm, đơn giản hóa TTHC trên cơ sở liên thông điện tử và tái sử dụng dữ liệu để xây dựng, hoàn thiện, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Trong đó năm 2024, tập trung thực hiện đối với các nhóm dịch vụ công trực tuyến liên thông giữa nhiều cơ quan, đơn vị, có đối tượng, tần suất thực hiện lớn thúc đẩy tháo gỡ các “nút thắt” trong vấn đề kết nối, chia sẻ, tái sử dụng, liên thông dữ liệu phục vụ giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp, giúp giảm thực chất các thủ tục, thời gian, chi phí thực hiện.
Cùng với đó, tăng cường công khai, minh bạch, 100% hồ sơ TTHC của bộ, ngành, địa phương phải được tiếp nhận, giải quyết trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC và phải đồng bộ với Cổng dịch vụ công quốc gia để người dân, doanh nghiệp theo dõi, đánh giá quá trình thực hiện. Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị; thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính. Căn cứ kết quả đánh giá theo Bộ chỉ số phục vụ người dân và doanh nghiệp trong thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công để xem xét, đánh giá, xếp loại chất lượng và mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức.