Đây là những kiến nghị giải pháp được nhấn mạnh tại Diễn đàn chuyên đề số 4 về "Nâng cao chất lượng hoạt động tham gia xây dựng chính sách, pháp luật của tổ chức Công đoàn bảo đảm quyền lợi của NLĐ" trong khuôn khổ 10 diễn đàn thảo luận chuyên đề trước thềm Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam.
Tránh tình trạng đánh giá tác động xuôi chiều
Dự và phát biểu tại Diễn đàn số 4, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Chủ tịch Công đoàn Viên chức Việt Nam Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh: tham gia xây dựng chính sách, pháp luật liên quan đến quyền lợi của NLĐ được xác định là một nhiệm vụ quan trọng góp phần thiết thực chăm lo, bảo vệ từ sớm, từ xa, trên diện rộng quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ, đồng thời, khẳng định vị thế, vai trò của tổ chức Công đoàn Việt Nam.
Để huy động ĐV công đoàn tham gia xây dựng chính sách pháp luật, phát biểu tại diễn đàn, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề Xã hội của Quốc hội, TS. Bùi Sỹ Lợi cho rằng: cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin để các chủ trương, chỉ đạo và những thông tin cần thiết của tổ chức Công đoàn đến được với số đông NLĐ trong công tác xây dựng chính sách pháp luật, góp phần giảm thiểu các thủ tục hành chính. Tập trung xây dựng, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công đoàn và ĐV để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng chính sách pháp luật trong bối cảnh mới. Tập trung rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa quy định, thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân trong quy trình xây dựng pháp luật. Triển khai các giải pháp kiểm soát chặt các quy định thủ tục hành chính trong các văn bản quy phạm pháp luật ngay trong quá trình đề nghị xây dựng.
Bên cạnh đó, coi trọng giải pháp tổ chức các cuộc họp tham vấn quy định thủ tục hành chính trước hoặc sau khi tổ chức thẩm định để nâng cao chất lượng ý kiến thẩm định hay làm rõ thêm các vấn đề phức tạp, còn có ý kiến khác nhau. Đặc biệt, công đoàn, ĐV tham gia xây dựng chính sách, pháp luật cần xem xét đầy đủ, kỹ lưỡng, khách quan khi đánh giá tác động của các chính sách trong dự án, dự thảo do các cơ quan đề xuất. Tránh tình trạng đánh giá tác động xuôi chiều, hình thức đề hợp lý hóa đề xuất chính sách.
Công đoàn nên tham gia ngay vào giai đoạn lập chương trình, khi Chính phủ lấy ý kiến về chính sách cụ thể và giai đoạn soạn thảo nếu là thành viên ban soạn thảo, có trách nhiệm tham gia trực tiếp vào những nội dung liên quan đến quyền, lợi ích của NLĐ, ĐV công đoàn; trong giai đoạn thẩm tra, tập trung lấy ý kiến tham vấn các chuyên gia, nhà khoa học, quản lý, đặc biệt là đối tượng trực tiếp chịu tác động của luật là ĐV, NLĐ. Kiên trì đeo bám vấn đề đến cùng, đặc biệt là có ý kiến trao đổi lại khi cơ quan soạn thảo tiếp thu giải trình nhằm bảo vệ được quyền, lợi ích của NLĐ và ĐV.
Lấy quyền an sinh xã hội của người lao động làm tiêu chí đánh giá
Chính sách xã hội là một trong những vấn đề được công nhân, NLĐ đặc biệt quan tâm. Vì vậy khi tham gia xây dựng chính sách, pháp luật liên quan đến vấn đề này, PGS.TS. Phạm Thị Hoàng Hà, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đề xuất: các chính sách xã hội cần được thiết kế theo hướng xử lý kịp thời và hiệu quả các rủi ro, mâu thuẫn xã hội, bảo đảm tốt nhất quyền và lợi ích chính đáng của người dân, nhất là các nhóm xã hội dễ bị tổn thương, trong đó có NLĐ bị mất việc làm.
Bên cạnh đó, nghiên cứu và triển khai xây dựng quỹ dự phòng an sinh xã hội với tầm nhìn dài hạn nhằm hỗ trợ NLĐ mất việc làm ứng phó với những khó khăn, rủi ro đột ngột. Việc thiết lập quỹ dự phòng sẽ góp phần giảm tải gánh nặng cho các quỹ an sinh xã hội truyền thống như: quỹ bảo hiểm xã hội, quỹ bảo hiểm y tế… Tiếp tục thực hiện các gói cứu trợ NLĐ bị mất việc làm như đã triển khai trong đại dịch Covid-19, giúp NLĐ bị mất việc làm vượt qua khó khăn tạm thời, ổn định cuộc sống để sẵn sàng chuẩn bị cho những cơ hội trong tương lai. Cần đặt NLĐ ở vị trí trung tâm của chính sách và lấy quyền an sinh xã hội của họ làm tiêu chí đánh giá chất lượng, hiệu quả của chính sách khi đi vào thực tiễn.
Phát biểu kết luận diễn đàn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban xã hội Đỗ Thị Lan nhấn mạnh: các cơ sở pháp lý về quyền và nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn cần tiếp tục được cụ thể hóa hơn nữa, ngay cả trong luật ban hành các văn bản pháp luật cũng như các luật liên quan đến lĩnh vực xã hội, kinh tế, tư pháp… để Công đoàn có cơ sở tham gia xây dựng chính sách, pháp luật. Bên cạnh đó, thời gian tới Quốc hội sẽ tiếp tục sửa đổi các luật hiện hành, xây dựng luật mới như: Luật Bảo hiểm xã hội, luật Công đoàn… Công đoàn cần nắm bắt ngay để có các giải pháp tham gia xây dựng. Ủy ban Xã hội sẽ phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tiếp tục tập hợp các ý kiến tham gia của các cấp công đoàn, ĐV, NLĐ để tham gia tốt nhất trong thẩm tra các dự án luật liên quan.