Không được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc hiệu quả
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ước tính cứ 8 người thì có 1 người đang sống chung với rối loạn tâm thần, trong đó rối loạn lo âu và trầm cảm là phổ biến nhất. Đặc biệt, đại dịch Covid-19 đã gây ra một cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần toàn cầu, làm trầm trọng thêm tình trạng căng thẳng cấp tính, mạn tính và tăng tỷ lệ bệnh nhân có vấn đề về sức khỏe tâm thần của hàng triệu người.
Tại Việt Nam, theo báo cáo của Bộ Y tế, tỷ lệ mắc rối loạn tâm thần thường gặp là 14,9% dân số, nghĩa là có khoảng 15 triệu người. Tuy nhiên, đa số người dân vẫn còn quan niệm rối loạn tâm thần chỉ là tâm thần phân liệt. Thực tế, tỷ lệ tâm thần phân liệt là 0,47% dân số; trầm cảm, lo âu chiếm tỷ lệ cao, tới 5 - 6% dân số, còn lại là các rối loạn tâm thần khác như: rối loạn cảm xúc lưỡng cực, rối loạn tâm thần liên quan tới sử dụng rượu bia, ma túy và các chất gây nghiện khác… Ở trẻ em, các vấn đề sức khỏe tâm thần vào khoảng 12%, tương đương hơn 3 triệu trẻ em có nhu cầu về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần.
Chia sẻ tại Hội nghị Tăng cường Hệ thống Chăm sóc Sức khỏe Tâm thần mới đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, đại dịch Covid-19 đã gây ra một cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần toàn cầu, làm trầm trọng thêm tình trạng căng thẳng cấp tính, mạn tính và phá hủy sức khỏe tâm thần của hàng triệu người. Vào năm 2020, số người bị rối loạn lo âu và trầm cảm đã tăng lên đáng kể vì đại dịch. Đáng nói hơn, một thực trạng đang diễn ra là nhiều người bị rối loạn tâm thần không được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc hiệu quả, làm gia tăng khoảng trống điều trị cho các vấn đề sức khỏe tâm thần. Chỉ khoảng 29% số người bị rối loạn tâm thần và chỉ 1/3 số người bị trầm cảm được chăm sóc sức khỏe tâm thần chính thức.
Theo Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2, hoạt động phục hồi chức năng tâm thần đóng vai trò quan trọng đối với người bệnh tâm thần. Bởi lẽ, thông qua các liệu pháp như liệu pháp tâm lý nhóm, liệu pháp văn hóa, liệu pháp nghệ thuật, liệu pháp lao động…sẽ giúp người bệnh tái tạo lại sức khỏe và khả năng làm việc, giúp họ hòa nhập với cộng đồng.
Cần hoàn thiện hành lang pháp lý
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã quan tâm ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật về an sinh xã hội đối với người tâm thần. Trong đó, phải kể đến Quyết định số 1215/QĐ-TTg ngày 22.7.2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2011-2020. Đến nay, đã có 45 cơ sở bảo trợ xã hội có chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần; trong đó, có 27 cơ sở chăm sóc chuyên biệt, 19 cơ sở tổng hợp. Một số tỉnh, thành phố đã xây dựng mô hình tốt về lao động trị liệu và phục hồi chức năng luân phiên cho người tâm thần nặng như Trung tâm Bảo trợ xã hội các tỉnh: Sơn La, Thừa Thiên Huế, Hải Dương, Thái Nguyên, Trung tâm Điều dưỡng và Phục hồi chức năng người tâm thần Việt Trì.
Trước những kết quả đạt được, ngày 25.11.2020, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Quyết định số 1929/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chương trình trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2021-2030. Chương trình do Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) làm đầu mối triển khai có ý nghĩa quan trọng đối với người khuyết tật nói chung và người tâm thần nói riêng.
Cụ thể, mục tiêu giai đoạn 2021-2025 như sau: Hàng năm ít nhất 80% người tâm thần tiếp cận các dịch vụ y tế dưới các hình thức khác nhau; Ít nhất 20.000 người tâm thần được hỗ trợ hướng nghiệp, lao động trị liệu tại cơ sở trợ giúp xã hội; 80% người tâm thần có khó khăn về tài chính được cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý khi có nhu cầu; ít nhất 80% người tâm thần nặng có hành vi nguy hiểm đến gia đình, cộng đồng và 100% người tâm thần lang thang được tiếp nhận, chăm sóc, phục hồi chức năng luân phiên tại các cơ sở trợ giúp xã hội…. Giai đoạn 2026-2030: Hàng năm khoảng 90% người tâm thần tiếp cận các dịch vụ y tế dưới các hình thức khác nhau; Ít nhất 30.000 người tâm thần, được hỗ trợ hướng nghiệp, lao động trị liệu tại cơ sở trợ giúp xã hội; 90% người tâm thần có khó khăn về tài chính được cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý khi có nhu cầu; Ít nhất 60% gia đình có người tâm thần được nâng cao nhận thức, kỹ năng về chăm sóc, trợ giúp và phục hồi chức năng cho người tâm thần….
Các chuyên gia cho rằng, để làm tốt công tác trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần cần hoàn thiện hành lang pháp lý, chính sách pháp luật về trợ giúp xã hội, phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí. Hoàn thiện các chính sách về bảo hiểm y tế, điều trị trị liệu phục hồi chức năng cũng như nghiên cứu, đánh giá, đề xuất, sửa đổi, ban hành các chính sách pháp luật như Luật Người khuyết tật, Nghị định về công tác xã hội và nhiều chính sách pháp luật về trợ giúp xã hội có liên quan.
Bên cạnh đó, cũng cần thực hiện tốt các dịch vụ phát hiện sớm người mắc bệnh tâm thần và rối nhiễu tâm trí; tổ chức tập huấn cho các cán bộ, đội ngũ nhân viên hỗ trợ là những người làm việc trực tiếp với người tâm thần. Cùng với đó, cần phát triển mạng lưới các cơ sở làm nhiệm vụ chăm sóc, phục hồi chức năng cho người tâm thần, quan tâm đầu tư trang thiết bị cho các cơ sở trợ giúp. Và hơn hết, công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật, văn bản có liên quan cũng phải được đẩy mạnh để cả xã hội cùng quan tâm, chăm sóc người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí.