Nhiều ngành nghề mới cần lao động
Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc vừa công bố kế hoạch cấp giấy phép lao động cho người lao động (NLĐ) nước ngoài trong 4 ngành mới gồm: nhà hàng, khách sạn và căn hộ, lâm nghiệp, khai thác mỏ. Theo đó, 2 ngành nhà hàng, khách sạn và căn hộ sẽ được phép tuyển dụng lao động nước ngoài bắt đầu từ tháng 4 năm nay. Kế hoạch tuyển dụng này sẽ ưu tiên cho công việc trợ lý trong các nhà hàng đã hoạt động từ hơn 5-7 năm.
Trong khi đó, giấy phép lao động trong ngành lâm nghiệp và khai thác mỏ sẽ bắt đầu được chấp nhận vào tháng 7 tới. Ngành lâm nghiệp chỉ giới hạn ở các hoạt động trồng rừng, khai thác gỗ và cây giống; giấy phép cho lao động ngành khai thác mỏ sẽ chủ yếu làm công việc khai thác tại những mỏ có sản lượng lớn. NLĐ nước ngoài cũng có thể xin visa đến Hàn Quốc làm công việc dọn dẹp hoặc phụ bếp trong các khách sạn và căn hộ ở 4 khu vực gồm Seoul, Busan, đảo Jeju và tỉnh Gangwon trong tháng 11 năm nay.
Bộ Tư pháp Hàn Quốc cũng vừa vào cuộc hỗ trợ giải bài toán thiếu nhân lực khi đưa ra chương trình cho phép phụ huynh của sinh viên (SV) nước ngoài đang theo học tại các trường đại học bên ngoài khu vực Seoul từ hơn 1 năm trở lên, trừ SV học các khóa học ngôn ngữ, đến Hàn Quốc làm việc thời vụ. Cha mẹ của SV nước ngoài phải từ 55 tuổi trở xuống, có sức khỏe tốt và không có tiền án tiền sự có thể đến Hàn Quốc trong năm nay để vừa thăm con vừa trải nghiệm công việc thời vụ trong vòng 8 tháng.
Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), trong năm 2024, Chính phủ Hàn Quốc tăng thêm 120.000 chỉ tiêu tuyển dụng lao động nước ngoài theo chương trình EPS lên 165.000 người - cao nhất từ trước đến nay để ứng phó tình trạng thiếu lao động trên diện rộng.
Còn với Chính phủ Nhật Bản cũng vừa công bố kế hoạch bổ sung 4 ngành nghề cho thị thực lao động đặc định mà người nước ngoài có thể làm việc với tư cách "lao động có tay nghề", gồm: vận tải đường bộ, đường sắt, lâm nghiệp và gỗ.
Kế hoạch này nhằm giảm bớt tình trạng thiếu lao động trong các ngành nghề vừa nêu. Kế hoạch bổ sung 4 ngành nghề đã được trình lên Ủy ban Đặc biệt về lao động nước ngoài, có thể sẽ được chấp thuận vào tháng 3.2024.
Thị thực lao động kỹ năng đặc định 1 cho phép người nước ngoài có tay nghề làm việc tại Nhật Bản đến 5 năm. Thị thực lao động kỹ năng đặc định 2 cho phép người lao động có tay nghề cao được cư trú tại Nhật Bản vĩnh viễn. Bốn lĩnh vực mới đang được xem xét đều thuộc thị thực lao động loại 1.
Việc bổ sung lĩnh vực vận tải đường bộ được kỳ vọng sẽ mở ra cánh cửa cho các tài xế xe buýt, taxi và xe tải sang Nhật Bản làm việc. Trong lĩnh vực đường sắt, người nước ngoài có thể làm nghề lái tàu và chỉ huy tàu. Trong lĩnh vực lâm nghiệp, người nước ngoài đủ điều kiện sẽ làm việc trong các hoạt động trồng rừng để quản lý và phát triển rừng, cũng như khai thác, chế biến gỗ.
Tạo điều kiện làm việc lâu dài
Cuối tháng 2 vừa qua, Chính phủ Nhật Bản cũng công bố nới lỏng các quy định về thị thực để mở rộng phạm vi ngành nghề cho sinh viên nước ngoài được phép ở lại và tìm việc làm ở nước này. Đây là động thái mới nhất của Nhật Bản đáp lại lời kêu gọi từ giới doanh nghiệp về giải quyết tình trạng thiếu nhân công.
Theo đó, Nhật Bản sẽ cho phép sinh viên đã hoàn thành chương trình học tại các trường dạy nghề kỹ thuật do nhà nước chỉ định làm việc trong các lĩnh vực không nhất thiết liên quan chặt chẽ đến lĩnh vực họ học chuyên ngành. Như vậy, sinh viên nước ngoài có trình độ kỹ thuật và tiếng Nhật nhất định tại các trường kỹ thuật không phải về nước mà được khuyến khích ở lại lâu hơn để làm những công việc khác.
Theo Cơ quan Dịch vụ Di trú của Nhật Bản, nước này sẽ cấp một loại thị thực mới có thời hạn lưu trú tối đa 6 tháng cho các kỹ sư công nghệ thông tin. Đây là nhóm lao động có trình độ chuyên môn cao, làm việc tại Nhật Bản theo phương thức từ xa, tức vừa làm việc cho công ty của Nhật Bản vừa kết hợp tham gia các hoạt động du lịch dài ngày cá nhân tại nước này. Mô hình làm việc này còn được gọi là "du mục kỹ thuật số" (digital nomad).
Nhật Bản kỳ vọng thị thực mới này sẽ thu hút lao động có tay nghề đến làm việc và dành thời gian trải nghiệm ở xứ sở hoa anh đào trong thời gian tới. Đại diện Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Nhật Bản cho biết trong năm 2024, Nhật Bản sẽ thay đổi chương trình thực tập sinh để tạo điều kiện tốt hơn cho NLĐ nước ngoài.
Theo chương trình mới, lao động nước ngoài có thể cư trú lâu dài hơn cũng như có thể chuyển việc ở các doanh nghiệp cùng ngành nghề đăng ký sau 1 - 2 năm. Bên cạnh đó, thực tập sinh ban đầu sẽ có thị thực lao động 3 năm, nếu đạt tiêu chuẩn kỹ năng đặc định số 1 sẽ được phép làm việc tại Nhật Bản tối đa 5 năm; nếu đạt tiêu chuẩn kỹ năng đặc định số 2, tức lao động nước ngoài tay nghề cao, có thể ở Nhật Bản vô thời hạn và đưa gia đình sang sinh sống.