Ông Nguyễn Xuân Khánh, Phó Tổng biên tập báo Kinh tế và Đô thị cho biết tại toạ đàm “Đảm bảo chỗ ở cho công nhân - Từ thực tiễn đến chính sách" do báo Kinh tế và Đô thị phối hợp với Tổ chức ActionAid quốc tế tại Việt Nam (AAV) và Quỹ hỗ trợ chương trình, Dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV) tổ chức sáng ngày 6.8, tại Hà Nội.
Hà Nội mới đáp ứng khoảng 13% nhu cầu về nhà ở xã hội cho công nhân
Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Xuân Khánh, Phó Tổng biên tập báo Kinh tế và Đô thị cho biết, theo số liệu báo cáo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, hiện nay cả nước có 3,78 triệu công nhân lao động trực tiếp trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, trong số đó có khoảng 1,8 triệu lao động có nhu cầu về nhà ở. Tuy nhiên, kết quả phát triển nhà ở xã hội cho công nhân chưa đáp ứng được nhu cầu do hiện mới hoàn thành việc đầu tư xây dựng 126 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 62.700 căn hộ. Với tổng diện tích 3.135.000 m2 đáp ứng được gần 30% nhu cầu của công nhân lao động.
Tại Hà Nội có gần 170 nghìn công nhân nhưng thực tế mới đáp ứng được hơn 22 nghìn chỗ ở cho công nhân (khoảng 13% nhu cầu về nhà ở xã hội cho công nhân).
Thực tế hiện nay cho thấy, với mức lương (trung bình 6-9 triệu đồng/người/tháng), hầu hết các gia đình công nhân không có nhiều khả năng tích lũy tài chính để mua nhà ở xã hội. Do thiếu quỹ nhà ở dành cho công nhân, tại nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất, công nhân phải thuê nhà trọ của người dân trong khu vực lân cận, điều kiện sống tạm bợ, diện tích phòng ở chật hẹp, không có không gian vui chơi, giải trí...
Trưởng phòng Quản lý nhà ở xã hội - tái định cư (Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội) Bùi Dũng cho biết, chỗ ở cho công nhân được TP. Hà Nội quan tâm từ nhiều năm nay. Trong đó, Khu nhà ở công nhân Kim Chung (xã Kim Chung, huyện Đông Anh) là một trong những khu nhà ở thí điểm đầu tiên được xây dựng cho công nhân thuê với nguồn kinh phí của thành phố.
"Mặc dù được thiết kế, xây dựng cung cấp chỗ ở cũng như giá cho thuê phù hợp với các đối tượng: Đơn thân (phòng ở tập thể), hộ gia đình (căn hộ khép kín). Tuy nhiên, các thiết kế này mới chỉ đáp ứng được chỗ ngủ, nghỉ chứ chưa đáp ứng được các nhu cầu sinh hoạt hằng ngày như nơi vui chơi, giải trí, sinh hoạt văn hóa, hạ tầng xã hội..." ông Dũng nhấn mạnh.
Cần có chính sách thu hút doanh nghiệp tham gia phát triển nhà ở cho công nhân
Theo Chủ tịch Hội Nữ trí thức TP Hà Nội, PGS.TS Bùi Thị An, thực tế chỗ ở vẫn là nỗi đau đáu của nhiều công nhân; có an cư thì mới lạc nghiệp, có chỗ ở ổn định thì mới tập trung vào công tác. Song, nhà ở cho công nhân vẫn đang rất thiếu. Bên cạnh đó, rất nhiều công nhân chỉ có nhu cầu thuê nhà, thay vì mua nhà.
Để công nhân có nơi ăn ở ổn định, phù hợp điều kiện thu nhập (khoảng 6-8 triệu đồng/tháng, bà Bùi Thị An cho rằng, cần có quỹ để xây dựng nhà cho thuê cho công nhân. Bên cạnh đó, cần có chính sách thực tiễn, khả thi, chính sách tín dụng hợp lý... để thu hút doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia phát triển nhà ở cho công nhân thuê...
Ông Nguyễn Xuân Khánh, Phó Tổng biên tập báo Kinh tế và Đô thị nhấn mạnh, mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị Quyết số 33/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh và bền vững. Trong đó, một trong những nhiệm vụ quan trọng là triển khai gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng để đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội, nhà ở công nhân giai đoạn 2021- 2030. Đây là được xem là một trong những giải pháp giúp công nhân có cơ hội được thuê, thuê mua nhà ở xã hội với giá ưu đãi để ổn định tâm lý, toàn tâm toàn ý cho công việc lao động sản xuất.