KTS. TRẦN NGỌC CHÍNH, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam: Tránh chồng chéo và mâu thuẫn trong thực hiện
Quy hoạch tổng thể quốc gia là cơ sở, căn cứ để lập quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn cả nước.
Việc lập Quy hoạch tổng thể quốc gia theo Luật Quy hoạch năm 2017 là nhiệm vụ rất mới, lần đầu tiên được thực hiện ở nước ta. Đây cũng là công việc hết sức khó khăn. Quy hoạch tổng thể quốc gia như “kim chỉ nam” cho toàn bộ công tác quy hoạch, được xã hội, trong đó có các chuyên gia hết sức quan tâm.
Quốc hội thông qua Nghị quyết về Quy hoạch tổng thể quốc gia tại Kỳ họp bất thường lần thứ Hai thể hiện sự quan tâm rất lớn với sự phát triển của đất nước. Quốc hội đã nêu rõ quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu phát triển, các định hướng cùng những nhiệm vụ rất toàn diện. Vấn đề bây giờ là Chính phủ cần sớm triển khai thực hiện.
Có thể nói, nhiệm vụ của Chính phủ rất lớn và khó khăn, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, các bộ ngành, địa phương cũng như sự tham gia của đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học. Điều quan trọng nhất là phải bảo đảm Quy hoạch tổng thể quốc gia mang tính thống nhất, tránh chồng chéo và mâu thuẫn trong thực hiện. Làm được điều này không đơn giản và Chính phủ cần đề ra được những giải pháp triển khai cụ thể, có kiểm tra, giám sát.
TS. TRẦN HỮU HIỆP, chuyên gia kinh tế: Số liệu chính xác tạo sức sống cho quy hoạch
Nghị quyết của Quốc hội về Quy hoạch tổng thể quốc gia vừa thông qua đã đề ra rất rõ về mục tiêu, định hướng phát triển cùng các giải pháp thực hiện. Các giải pháp đề ra hết sức toàn diện.
Một trong những định hướng quan trọng của Quy hoạch là phát triển các vùng động lực, cực tăng trưởng quốc gia (phía Bắc, phía Nam, miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long) để ưu tiên về thể chế, nguồn lực phát triển, qua đó giúp các vùng này có đóng góp lớn hơn, tạo sự lan tỏa. Điều đáng lưu ý, Nghị quyết không “đóng khung”, bó hẹp theo 4 vùng cố định mà tạo cơ chế linh hoạt cho sự bổ sung, từng bước xây dựng, hình thành vùng động lực tại vùng trung du và miền núi phía Bắc; khu vực Bắc Trung Bộ (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh) kết nối giữa miền Trung và đồng bằng sông Hồng; vùng Tây Nguyên; khu vực duyên hải Nam Trung Bộ (khu vực Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận và phụ cận). Đây là cách làm rất hợp lý.
Riêng tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long được xác định trở thành trung tâm dịch vụ, du lịch, logistics, công nghiệp phục vụ nông nghiệp; phát triển công nghiệp chế biến nông sản, cơ khí, hóa chất phục vụ nông nghiệp; hình thành các trung tâm đầu mối về nông nghiệp gắn với các vùng chuyên canh; phát triển kinh tế biển… là những định hướng hoàn toàn phù hợp, tận dụng được tiềm năng, lợi thế của vùng. Tới đây, cần chú ý tới phát triển năng lượng tái tạo của vùng này, có chính sách mới để thúc đẩy, đặc biệt là điện gió, điện mặt trời và điện sinh khối.
Vấn đề bây giờ là Chính phủ cần sớm triển khai Nghị quyết của Quốc hội. Một trong những nhiệm vụ được Quốc hội giao Chính phủ là phải chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu, tài liệu, hệ thống sơ đồ, bản đồ và cơ sở dữ liệu trong Hồ sơ Quy hoạch tổng thể quốc gia, bảo đảm thống nhất với nội dung của Nghị quyết này. Đây là yêu cầu hoàn toàn cần thiết, rất đúng và trúng, không chỉ với Quy hoạch tổng thể quốc gia. Hiện, cơ sở dữ liệu của chúng ta vẫn chưa hoàn chỉnh và còn thiếu tính liên thông, cần sớm khắc phục điều này. Chỉ khi có số liệu, tài liệu chính xác, có cơ sở dữ liệu đầy đủ mới có được quyết định đúng đắn, tạo được sức sống cho các quy hoạch.
KTS. ĐÀO NGỌC NGHIÊM, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội: Tuyên truyền sâu rộng về nghị quyết
Qua giám sát việc thực hiện Luật Quy hoạch cho thấy, thực tiễn triển khai rất khó khăn khi mới đạt trên 10% tổng số hệ thống quy hoạch của quốc gia. Trong đó, Quy hoạch tổng thể quốc gia là gốc, do chậm ban hành khiến quy hoạch vùng, ngành, tỉnh đều chậm. Thậm chí, một số tỉnh mặc dù đã thông qua quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội nhưng vẫn còn lúng túng trong việc xác định “cửa ngõ” với Quy hoạch tổng thể quốc gia.
Trong bối cảnh đó, việc Quốc hội thông qua Nghị quyết về Quy hoạch tổng thể quốc gia, với trên 90% đại biểu tán thành, theo tôi là đột phá mới cho công tác quy hoạch chung của cả nước. Đây cũng sẽ là động lực để thúc đẩy hoàn thành các quy hoạch vùng, quy hoạch ngành và đặc biệt là các quy hoạch tỉnh.
Tới đây, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Nghị quyết này; đồng thời Chính phủ phải nhanh chóng triển khai Nghị quyết.
Đặc biệt, theo Nghị quyết, lần đầu tiên chúng ta lập quy hoạch không gian biển quốc gia - việc rất mới và khó. Việc lập quy hoạch không gian biển không chỉ để theo xu thế chung của thế giới là phát triển kinh tế biển mà còn là an ninh quốc phòng, đặc biệt là để phát huy lợi thế đường bờ biển dài hơn 3.000km của nước ta - điều mà không phải nước nào cũng có được. Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được thông qua tại Nghị quyết này là cơ sở, căn cứ để lập quy hoạch không gian biển quốc gia.
Để lập quy hoạch không gian biển, điều cần lưu ý là không chỉ mang tính định hướng chung cho quốc gia mà các tỉnh ven biển phải phối hợp các cơ quan lập quy hoạch để xác định đặc thù, lợi thế từng vùng. Bởi sẽ có những tỉnh có lợi thế phát triển giao thông, có nơi lợi thế phát triển kinh tế biển… và phải tạo kết nối với không gian đất liền, gắn kết với quy hoạch chung của quốc gia. Như tôi đã nói, việc làm này rất mới và khó, cần sự quyết tâm, đồng lòng trong thực hiện mới mong có Quy hoạch không gian biển quốc gia chất lượng, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong thời gian tới.