Theo Phó Giám đốc BHXH Hà Tĩnh Đặng Thị Anh Hoa, năm 2022, BHXH Hà Tĩnh đã tham mưu đưa chỉ tiêu tỷ lệ lực lượng lao động tham gia BHXH, tỷ lệ người dân tham gia BHYT vào Nghị quyết về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 của HĐND tỉnh (Nghị quyết số 40/NQ-HĐND ngày 16.12.2021). Theo đó, tỷ lệ lao động tham gia BHXH được giao là 21%; tỷ lệ người dân tham gia BHYT là 92%.
Trên cơ sở đó, các huyện, thành phố, thị xã cũng đưa 2 chỉ tiêu này vào bộ chỉ tiêu của địa phương, tạo được sự chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị. Đây là năm đầu tiên trong Nghị quyết của HĐND tỉnh có đề cập đến các chỉ tiêu BHXH, BHYT. Với UBND tỉnh Hà Tĩnh, từ năm 2017, UBND đã ban hành các quyết định giao chỉ tiêu thực hiện BHYT cho từng địa phương; từ năm 2019 tiếp tục giao chỉ tiêu phát triển số người tham gia BHXH, BHTN giai đoạn đến từng địa bàn.
Năm 2022, trong bối cảnh nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, sụt giảm người tham gia BHXH tự nguyện do thay đổi chính sách về mức chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn, sụt giảm người tham gia BHYT do chính sách vùng đặc biệt khó khăn, sụt giảm lao động tham gia BHXH bắt buộc tại các dự án may mặc có vốn đầu tư nước ngoài và tại Tập đoàn Formosa... nhưng theo dự kiến, BHXH tỉnh Hà Tĩnh sẽ đạt các chỉ tiêu được giao...
Tuy nhiên, theo ông Lê Ngọc Châu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT tỉnh Hà Tĩnh, công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH bắt buộc năm 2022 tại Hà Tĩnh gặp nhiều khó khăn, số tăng thấp do các dự án mới chậm được triển khai. Bên cạnh đó, việc xử lý nợ kéo dài đối với những doanh nghiệp phá sản, giải thể, có chủ bỏ trốn, ngừng hoạt động… hiện vẫn chưa có văn bản hướng dẫn của các cơ quan có thẩm quyền. Do đó, Hà Tĩnh hiện còn hơn 2.000 lao động chưa đủ điều kiện chốt sổ BHXH để hưởng các chế độ.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Lê Ngọc Châu cũng chia sẻ lo ngại về việc tiềm ẩn nguy cơ sụt giảm tỷ lệ bao phủ BHYT. Theo đặc thù của Hà Tĩnh, hiện tỷ lệ người dân được ngân sách Trung ương hỗ trợ đóng BHYT chiếm tỷ lệ thấp so với tổng số người tham gia toàn tỉnh (chiếm 23%). Do vậy, hàng năm ngân sách tỉnh phải cân đối kinh phí để hỗ trợ một phần mức đóng cho các nhóm đối tượng như hộ nông - lâm - ngư - diêm nghiệp có mức sống trung bình, hộ cận nghèo, người cao tuổi. Chính sách này được thực hiện đến năm 2025, tiềm ẩn nguy cơ sụt giảm tỷ lệ bao phủ BHYT khi ngân sách tỉnh thôi hỗ trợ.
Được biết, Hà Tĩnh đang triển khai nhiều giải pháp khắc phục khó khăn thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội như tập trung tháo gỡ các vướng mắc đối với nhà đầu tư, doanh nghiệp; tăng cường cải cách hành chính để thu hút các dự án mới trên địa bàn, tăng số người tham gia BHXH bắt buộc. Đẩy mạnh tuyên truyền, tăng cường thanh tra, kiểm tra đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm đóng nộp BHXH, BHYT. Đồng thời, sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí khám chữa bệnh BHYT được Thủ tướng Chính phủ giao; khuyến khích các địa phương tiếp tục cân đối ngân sách và huy động các nguồn lực khác hỗ trợ BHXH, BHYT cho các nhóm người yếu thế.