Các tin tức nổi bật về lừa đảo trực tuyến trong tuần qua

Cùng nhìn lại các tin tức nổi bật về lừa đảo trực tuyến trong tuần qua (11.3 - 18.3.2024) với series "Điểm tin tuần" của Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông

1.jpg -0

Thời gian vừa qua, số lượng người dân đi làm thủ tục cấp, đổi giấy phép lái xe tăng đột biến đã dẫn đến một số địa điểm làm thủ tục quá tải, xếp hàng dài chờ đến lượt. Do đó, nhiều người dân đã tìm đến dịch vụ cấp, đổi giấy phép lái xe online với mong muốn tiết kiệm thời gian. Tuy nhiên, việc sử dụng dịch vụ này tiềm ẩn nhiều nguy cơ lộ lọt thông tin, thậm chí có thể khiến người dân rơi vào bẫy lừa đảo.

Hiện nay, không khó để tìm kiếm dịch vụ cấp, đổi bằng lái xe trên mạng, mức phí cho dịch vụ này từ 400 đến 600 nghìn đồng, tùy nhu cầu. Thậm chí, có đối tượng còn quảng cáo, khách hàng không cần đến Sở Giao thông Vận tải để chụp ảnh và bên dịch vụ sẽ tự lo giấy khám sức khỏe, giấy phép lái xe sẽ được gửi về tận nhà sau khi hoàn thiện. Khách hàng chỉ cần cung cấp cho phía làm dịch vụ bản sao một số giấy tờ cá nhân, căn cước công dân, ảnh thẻ. Nếu không cẩn trọng, việc thuê dịch vụ này có thể khiến người dân rơi vào bẫy lừa đảo.

Thực tế, phần lớn đối tượng quảng cáo dịch vụ cấp/đổi giấy phép lái xe đều không có địa chỉ thật, không có thông tin trong hệ thống đào tạo lái xe được cơ quan có thẩm quyền cấp phép.

Đã có không ít người trở thành nạn nhân của thủ đoạn lừa đảo dịch vụ thi, cấp, đổi giấy phép lái xe online. Mới đây, một người có nhu cầu học bằng lái ô tô hạng FC ở tỉnh Bắc Kạn đã bị đối tượng Lâm Thạnh Di tại An Giang lừa đảo hơn 15 triệu đồng từ việc thuê làm bằng lái xe ô tô qua mạng. 

Bên cạnh việc có thể bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Cục An toàn thông tin cũng cho biết việc cung cấp thông tin cá nhân với người lạ - như các đối tượng đổi giấy phép lái xe online có thể khiến người dân gặp một số vấn đề như: bị đánh cắp và rao bán thông tin; bị quấy rầy bởi quảng cáo rác, thậm chí bị hack mất dữ liệu.

Để phòng ngừa các nguy cơ trên, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân đặc biệt là người có nhu cầu cấp, đổi bằng lái xe nên đến Bộ phận tiếp nhận hồ sơ của Sở Giao thông Vận tải nơi đã cấp giấy phép lái xe để được hướng dẫn làm thủ tục hoặc có thể thực hiện đổi giấy phép lái xe trực tuyến toàn trình (mức độ 4) trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Tuyệt đối không chia sẻ thông tin cá nhân thông qua bất kỳ hình thức nào để tránh bị đánh cắp dữ liệu, tiếp tay cho đối tượng thực hiện hành vi phạm tội. Khi có cuộc gọi lạ hoặc tiếp xúc với hội nhóm cung cấp dịch vụ trên mạng xã hội, tuyệt đối không thực hiện giao dịch chuyển tiền khi chưa tìm hiểu và xác minh danh tính của đối tượng đó. Nếu chẳng may trở thành nạn nhân của một vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, người dân cần hết sức bình tĩnh, khẩn trương liên hệ với cơ quan Công an gần nhất để làm các thủ tục trình báo.

2.jpg -0

Thời gian gần đây, lợi dụng nhu cầu của người xuất khẩu lao động trong giải quyết các thủ tục pháp lý, tìm nhà ở, hỗ trợ việc làm, đặc biệt là làm “visa giá rẻ”, nhiều đối tượng đã tận dụng thời cơ lừa đảo chiếm đoạt tài sản với thủ đoạn hết sức tinh vi.

Các đối tượng lừa đảo tạo lập website, tài khoản Facebook giả mạo các công ty xuất khẩu lao động uy tín, đăng tải hình ảnh đưa tiễn người lao động ở sân bay, đưa ra nhiều chương trình ưu đãi với chi phí “làm visa” chỉ bằng một nửa so với công ty chính ngạch khiến nhiều nạn nhân “sập bẫy” lừa đảo.

Với kinh nghiệm 7 năm sinh sống, làm việc tại Nhật Bản, Trần Thị Kim Gương (35 tuổi, trú ấp 1, xã Thạnh Hòa, huyện Bến Lức, tỉnh Long An) đã lên các hội nhóm trên mạng xã hội về xuất khẩu lao động để tìm kiếm nạn nhân phục vụ cho chiêu trò lừa đảo của mình.

Đánh vào tâm lý ham rẻ, muốn nhanh chóng, đơn giản thủ tục, đối tượng đã dẫn dụ, thường xuyên nhắn tin tương tác tạo uy tín về chất lượng dịch vụ hỗ trợ làm visa; thậm chí còn cho người lao động mượn tiền để làm thủ tục. Bằng thủ đoạn trên, mới đây, Gương đã chiếm đoạt 272 triệu đồng của một phụ nữ nguyên quán Krông Pa, Gia Lai, hiện đang lao động tại Nhật Bản.

Để tránh bị lừa đảo, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân đặc biệt là những người lao động có nhu cầu đi nước ngoài làm việc, cần hết sức tỉnh táo và cảnh giác trước hình thức lừa đảo trên. Người dân khi có nhu cầu làm visa lao động cần tra cứu các doanh nghiệp dịch vụ được cấp giấy phép tại Cục Quản lý lao động ngoài nước – Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội thông qua địa chỉ website ww.dolab.gov.vn. Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân: CCCD, CMND, mã OTP, số thẻ ngân hàng,... cho bất kỳ ai hoặc trên bất kỳ trang web lạ nào. Khi phát hiện ra dấu hiệu hoặc đã trở thành nạn nhân của những trường hợp lừa đảo, người dân cần nhanh chóng tố giác các hành vi lừa đảo đến các cơ quan có thẩm quyền để hạn chế tối đa rủi ro, thiệt hại, đồng thời bảo đảm quyền lợi hợp pháp của mình.

3.jpg -0

Gần đây, xuất hiện liên tục các trang mạng xã hội ghi danh “Cục An ninh mạng” hoặc “Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao” để đưa thông tin khuyến cáo các thủ đoạn lừa đảo trực tuyến và biện pháp phòng chống; đồng thời cung cấp các dịch vụ pháp lý hỗ trợ công dân như tư vấn lấy lại tiền lừa đảo, hỗ trợ xử lý các vụ bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trên mạng xã hội Facebook đang xuất hiện hàng loạt các trang Fanpage và hội, nhóm tự xưng là "cán bộ Cục An ninh mạng" và Công an một số đơn vị, địa phương, đăng tải bài viết để hỗ trợ các nạn nhân lấy lại tiền bị lừa đảo do tham gia hoạt động theo lời dụ dỗ của các đối tượng tội phạm công nghệ cao. Bản chất hoạt động của các đối tượng này là lợi dụng lòng tin của nạn nhân muốn sớm lấy lại tài sản sau khi bị lừa đảo, chiếm đoạt trên mạng.

Dấu hiệu nhận biết các trang thông tin chính thống của cơ quan Công an trên không gian mạng đều sử dụng tên miền có đuôi .vn, như: conganbacgiang.gov.vn, benhvien199.vn...

Trước thực trạng nêu trên, Bộ Công an khẳng định: hiện tại Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao không có trang thông tin chính thức (Website, Fanpage...). Ngoài ra, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đang trong quá trình xây dựng trang thông tin chính thống có xác thực để hạn chế tình trạng giả mạo.

Trước thực trạng lừa đảo trên, Cục An toàn thông tin cho biết để hạn chế được vấn nạn trên, điều quan trọng nhất là người dân tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân cho bất cứ ai thông qua bất kể hình thức nào; việc lộ lọt thông tin sẽ dẫn đến nhiều hậu quả đáng lo ngại. Khi có cuộc gọi lạ hoặc tiếp xúc với hội nhóm cung cấp dịch vụ trên mạng xã hội, tuyệt đối không thực hiện giao dịch chuyển tiền cho đối tượng khi chưa tìm hiểu và xác minh danh tính của đối tượng đó.

Người dân, đặc biệt là những ai đã từng bị lừa đảo tài chính, nên tuyệt đối cẩn trọng trước các trang web hoặc hội nhóm mạng xã hội liên tục chạy quảng cáo, mời chào để lấy lại tiền đã mất. Ngoài ra, người dân có thể kiểm tra các trang thông tin chính thống của các cơ quan Công an tại phần "Liên kết website" trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ Công an tại địa chỉ mps.gov.vn hoặc bocongan.gov.vn. Đối với các tài khoản trên mạng xã hội, ứng dụng OTT, hiện nay Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đang tiến hành rà soát và sẽ công khai danh sách các đường dẫn này để người dân nắm được.

Nếu gặp phải tình huống nghi ngờ lừa đảo, đừng ngần ngại liên hệ với cơ quan công an để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời.

4.jpg -0

Thời gian qua, Công an TP. Hà Nội liên tục cảnh báo về thủ đoạn giả danh cơ quan công an để lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhưng vẫn còn có nhiều người sập bẫy của các đối tượng. Mới đây, Công an TP Hà Nội thông tin, Công an quận Đống Đa đang điều tra, xác minh vụ giả danh cán bộ công an, lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền 150 triệu đồng.

Theo đó, ngày 7.3, Công an phường Phương Liên, quận Đống Đa tiếp nhận tin trình báo của anh D. (SN 2001, trú Đống Đa, Hà Nội) về việc anh nhận được điện thoại của một đối tượng tự xưng là cán bộ công an. Đối tượng nói anh D. có liên quan đến vụ án mua bán trái phép chất ma túy và rửa tiền. Đối tượng yêu cầu anh D. phải kê khai tài sản để chứng minh mình không liên quan. Do lo sợ nên anh D. đã chuyển 150 triệu đồng vào tài khoản của các đối tượng. Sau khi biết mình bị lừa, anh D. tới cơ quan công an trình báo.

Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác đồng thời tuyên truyền đến người thân, bạn bè về thủ đoạn trên, tránh mắc bẫy của đối tượng xấu. Tuyệt đối không nghe và làm theo những hướng dẫn của đối tượng lạ; không cung cấp thông tin cá nhân tránh bị đánh cắp thông tin phục vụ cho những hành vi phạm tội của đối tượng. Để làm việc với người dân, cơ quan công an sẽ trực tiếp gửi giấy mời, giấy triệu tập hoặc gửi qua công an địa phương; tuyệt đối không yêu cầu công dân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng. Khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo như trên, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất.

5.jpg -0

Thông qua quảng cáo trên mạng xã hội của Công ty TNHH thương mại và dịch vụ du lịch L&R ở thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh, nhiều người dân đã nộp tiền vào đây để đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc theo Chương trình lao động thời vụ E-8. Nhưng không ai biết rằng, doanh nghiệp này không hề có giấy phép để đưa người đi xuất khẩu lao động.

Chương trình lao động thời vụ E-8 là ký kết hợp tác giữa các địa phương của Việt Nam và Hàn Quốc. Đây là chương trình hợp tác phi lợi nhuận do cơ quan chức năng của địa phương tổ chức triển khai thực hiện, không có sự tham gia của bất kỳ doanh nghiệp nào.

Hiện nay, tỉnh Quảng Ninh chưa ký kết với bất cứ địa phương nào của Hàn Quốc, vì vậy người dân trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh chưa thể đi xuất khẩu lao động theo E-8. Công ty TNHH thương mại dịch vụ L&R chưa được cấp giấy phép đưa người lao động Việt Nam đi nước ngoài, vậy nên, tất cả các hoạt động tư vấn quảng cáo, thu hồ sơ và các hoạt động thực hiện đưa người lao động đi nước ngoài đều là vi phạm quy định về pháp luật lao động.

Mặc dù đã cảnh giác, tiến hành kiểm tra mã số thuế doanh nghiệp,... nhưng do hiểu biết còn hạn chế nên không biết được rằng công ty đó có được cấp phép hay không, chương trình xuất khẩu lao động có được phép hoạt động hay không nên bị mắc bẫy. Ngoài ra, người dân hiện nay dễ ảnh hưởng bởi “hiệu ứng đám đông”, thấy đông người làm cũng theo mà không tìm hiểu kỹ .

Trước tình trạng trên, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân cần xác minh tìm hiểu thật kỹ thông qua các trang web chính thức của các cơ quan quản lý, để tránh rơi vào tình cảnh "tiền mất, tật mang", dính "bẫy" các đối tượng lừa đảo. Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng thông tin, tính đến cuối năm 2023, mới chỉ có 12 địa phương của Việt Nam ký thỏa thuận với địa phương Hàn Quốc. Khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo như trên, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất để có thể giải quyết.

Đời sống

Tuyên truyền phòng cháy, chữa cháy tại khu dân cư
Đời sống

Tuyên truyền phòng cháy, chữa cháy tại khu dân cư

Ngày 18.4, quận Ba Đình tổ chức tập huấn triển khai thực hiện cao điểm tuyên truyền, hướng dẫn an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đối với cơ sở, khu dân cư trên địa bàn. Buổi tập huấn diễn ra theo phương thức trực tiếp và trực tuyến tại các điểm cầu phường trên địa bàn quận.

Hơn 22 tỷ đồng ủng hộ Quỹ hội bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam
Đời sống

Hơn 22 tỷ đồng ủng hộ Quỹ hội bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam

Ngày 18.4 hàng năm được chọn là Ngày Người khuyết tật Việt Nam, không chỉ để nhắc nhở toàn xã hội nâng cao ý thức trong việc tham gia hỗ trợ, giúp đỡ người khuyết tật (NKT) mà còn là sự thừa nhận về khả năng đóng góp cho xã hội của NKT. Tính đến ngày 17.4, Trung ương Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi (TMC) Việt Nam đã ghi nhận 22 tỷ đồng cho phong trào ý nghĩa này.

Vietcombank: Cho vay ứng trước dành cho người lao động theo quy định tại Nghị định 178/2024/NĐ-CP
Đời sống

Vietcombank: Cho vay ứng trước dành cho người lao động theo quy định tại Nghị định 178/2024/NĐ-CP

Từ ngày 16.4, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) triển khai cho vay ứng trước giai đoạn chuyển đổi dành cho người lao động theo quy định tại Nghị định 178/2024/NĐ-CP ngày 31.12.2024 của Chính phủ. Sản phẩm mang đến giải pháp tài chính thiết thực, đồng hành cùng khách hàng vững tâm bước vào giai đoạn mới và tiếp tục phát triển.

Bài 1: Tiếng vọng từ quá khứ đến hiện tại
Đời sống

Bài 1: Tiếng vọng từ quá khứ đến hiện tại

Nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ ngày chiến tranh lùi xa, nhưng những vết thương âm ỉ vẫn còn đó, lặng lẽ ăn sâu vào ký ức của hàng nghìn gia đình thân nhân liệt sĩ chưa xác định danh tính tại tỉnh Hà Nam. Trong những ngày tháng Tư lịch sử của đất nước, công an tỉnh Hà Nam tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng triển khai thu nhận mẫu sinh phẩm ADN để xác định danh tính liệt sĩ.

Lễ chào cờ trên đảo Trường Sa Lớn.
Xã hội

50 năm Giải phóng Trường Sa - Thành trì bất khuất giữa biển Đông

Cùng với 5 cánh quân trên bộ thần tốc tiến về Sài Gòn thì một cánh quân âm thầm vượt biển giải phóng các quần đảo ở Trường Sa. Ngày lá cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay trên các đảo Nam Yết, Sinh Tồn, Sơn Ca... cũng là ngày đất nước thống nhất, giang sơn, biển trời thu về một mối. 50 năm trôi qua, không khí oai hùng của những ngày tháng 4 lịch sử dội về trên những con sóng, vỗ về bờ cõi phía Đông của tổ quốc. Nối tiếp thế hệ cha anh, những người lính Trường Sa hôm nay vẫn kiên cường bám đảo, giữ vững từng tấc đất, biển trời thiêng liêng của Tổ quốc. Họ như những cây phong ba vững vàng trước sóng, gió, bão bùng.

Tuổi trẻ Công an Đắk Nông chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát
Đời sống

Tuổi trẻ Công an Đắk Nông chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát

Với tinh thần "Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên", tuổi trẻ Công an tỉnh Đắk Nông đã không quản ngại nắng, mưa tích cực phối hợp chính quyền địa phương hỗ trợ ngày công, đồng hành cùng người dân xây dựng, sửa chữa, cải tạo nhà, góp phần chung tay cùng cả nước thực hiện hiệu quả chủ trương xóa nhà tạm, nhà dột nát.

Phát huy vai trò xung kích của thanh niên trong xây dựng nông thôn mới
Xã hội

Phát huy vai trò xung kích của thanh niên trong xây dựng nông thôn mới

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, thanh niên cả nước đã tổ chức tập huấn về nông thôn mới cho gần 60 nghìn lượt cán bộ Đoàn và bạn trẻ; trồng mới hơn 82 triệu cây xanh, sửa chữa hơn 80.000km đường giao thông nông thôn, triển khai gần 9.000km tuyến “thắp sáng đường quê”, xây mới gần 1.500 cầu; hỗ trợ vốn vay, kỹ thuật hơn 6.200 mô hình kinh tế cho thanh niên...

Hà Tĩnh: Thực hiện tốt công tác giới thiệu việc làm cho người lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp
Đời sống

Hà Tĩnh: Thực hiện tốt công tác giới thiệu việc làm cho người lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp

Thông tin từ Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Tĩnh cho biết, nhờ thực hiện tốt công tác tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp nên đã góp phần duy trì việc làm, ổn định sản xuất, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua.

Tuổi trẻ Thái Bình với phong trào "Bình dân học vụ số"
Xã hội

Tuổi trẻ Thái Bình với phong trào "Bình dân học vụ số"

Phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện của thanh niên trong thực hiện mục tiêu chuyển đổi số quốc gia, thời gian qua, tuổi trẻ tỉnh Thái Bình đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả như: ra mắt, tập huấn cho 686 đội hình thanh niên xung kích “Bình dân học vụ số” để hỗ trợ người dân tiếp cận, tận dụng công nghệ, nâng cao năng suất lao động, tạo cơ hội việc làm mới và hình thành cộng đồng thích ứng với chuyển đổi số...