Theo Cục trưởng Cục Công Thương Địa phương Ngô Quang Trung, các sự kiện này gồm: Hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Nghị định số 45/2012/NĐ-CP về Khuyến công (Nghị định số 45); Lễ tôn vinh, trao Giấy chứng nhận các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia và Khai mạc Hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2023. Đây là những sự kiện lớn, có tầm quan trọng với khuyến công - một trong những chính sách tác động trực tiếp tới phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn đang được quan tâm.
Ban tổ chức cho biết, Hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Nghị định số 45 sẽ được tổ chức ngày 14.12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế, do Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng chủ trì.
Hội nghị nhằm đánh giá kết quả đạt được sau 10 năm thực hiện Nghị định số 45; đồng thời xác định nhiệm vụ, định hướng giải pháp tăng cường các hoạt động khuyến công, tạo động lực mới cho phát triển công nghiệp nông thôn, góp phần đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong giai đoạn mới.
Lễ tôn vinh, trao Giấy chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia và Khai mạc Hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn năm 2023, tổ chức ngày 15.12, tại Cung triển lãm Kiến trúc, Quy hoạch xây dựng Quốc gia, với sự tham gia của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ban, Bộ, ngành Trung ương; Lãnh đạo UBND một số tỉnh, thành phố…
Hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2023 diễn ra từ ngày 15 -19.12 với quy mô 250 gian hàng tiêu chuẩn và 1 khu triển lãm rộng gần 500m2 giới thiệu sản phẩm tiêu biểu cấp quốc gia năm 2023 và sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu các cấp.
Tại Hội chợ triển lãm sẽ có sự tham gia của các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn của gần 60 tỉnh, thành phố trên cả nước. Ngoài ra, Ban tổ chức cũng đã xây dựng gian hàng hội chợ triển lãm trên không gian ảo. Tính đến ngày 1.12.2023 đã tạo dựng được 255 gian hàng; hoàn thiện được 70 gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm trên nền tảng số.
Trao đổi tại cuộc gặp gỡ báo chí, Trưởng phòng Quản lý Khuyến công, Cục Công Thương địa phương Đinh Thị Huyền Linh cho biết, sau 10 năm thực hiện Nghị định số 45, hoạt động khuyến công được triển khai sâu rộng, bám sát mục tiêu; động viên được các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư vào sản xuất công nghiệp nông thôn; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng gia tăng công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động…
Tổng nguồn vốn ngân sách Nhà nước đầu tư cho khuyến công là hơn 2.500 tỷ đồng, trong đó Ngân sách Trung ương khoảng 41%, ngân sách của địa phương 59%, vốn đối ứng của doanh nghiệp khoảng 10.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, vẫn còn một số nội dung chưa tổ chức thực hiện được nhiều, khó khăn liên quan đến kiện toàn tổ chức bộ máy của đơn vị triển khai công tác khuyến công thuộc các Sở Công Thương. Ngoài ra, tại địa bàn khó khăn, vùng sâu vùng xa do nhiều hạn chế vẫn tồn tại số ít đề án nhỏ lẻ…