Theo đó, Kế hoạch đặt mục tiêu đến 31.12.2023, tỷ lệ người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng nhận qua tài khoản cá nhân tại khu vực đô thị đạt trên 50%; duy trì số người hưởng BHXH 1 lần và trợ cấp thất nghiệp nhận qua tài khoản cá nhân đạt 100%.
Mục đích của kế hoạch nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ đối với hoạt động sử dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn, đưa việc sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt thành thói quen của người dân ở khu vực đô thị và từng bước phát triển ở khu vực nông thôn; nhằm giảm chi phí liên quan đến tiền mặt, giảm tỷ lệ tiền mặt trong lưu thông trên địa bàn; nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân hàng và hiệu quả quản lý, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước, minh bạch hóa các giao dịch thanh toán, góp phần tích cực vào công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Với phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, hàng tháng, người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH, bảo hiểm thất nghiệp không cần phải đến địa điểm tập trung để nhận tiền và ký danh sách chi trả. Đặc biệt, đối với người lao động hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe, phương thức thanh toán không dùng tiền mặt còn góp phần hạn chế tình trạng đơn vị sử dụng lao động chiếm dụng, chậm chi trả tiền chế độ của người lao động.
Đối với khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa chưa có trụ ATM, người nhận lương hưu, trợ cấp BHXH tại các điểm chi trả của bưu điện. Trường hợp người lớn tuổi đi lại khó khăn, người ốm đau, nằm viện không đi lại được, cơ quan BHXH ký hợp đồng với bưu điện đến tận nhà, bệnh viện để chi trả, nhằm tạo điều kiện để người hưởng chế độ kịp thời nhận được các chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước.