Ngân hàng tận tâm
Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện A Lưới Lê Quang Thắng cho biết, với đặc thù là huyện 30a, có 77% dân số là đồng bào thiểu số và hơn 90% trong số đó là hộ nghèo nên mọi hoạt động của Phòng giao dịch đều tập trung cho các đối tượng này. Đồng thời, vốn tín dụng chính sách đã được triển khai kịp thời tới 18/18 xã, thị trấn.
Năm 2023, NHCSXH huyện đã cho vay 183,587 tỷ đồng với 3.908 lượt khách hàng được vay vốn, tập trung chủ yếu vào chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, cho vay hộ gia đình sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn; cho vay theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP; cho vay xuất khẩu lao động. Doanh số thu nợ đạt 98.497 triệu đồng, chiếm 53,65% trong tổng doanh số cho vay từ đầu năm 2023.
Đến nay, tổng dư nợ của NHCSXH huyện đạt 524,485 tỷ đồng, với 16 chương trình tín dụng; tăng 85,091 tỷ đồng so cuối năm 2022, tỷ lệ tăng trưởng 19,37%. Nguồn vốn đã giúp hộ nghèo được vay vốn, thu hút tạo việc làm cho hàng trăm lao động; hỗ trợ hàng trăm học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập. Đặc biệt, nguồn vốn góp phần xóa nhà dột, nhà tạm cho đồng bào, giúp đồng bào có nơi an cư, lập nghiệp.
Nguồn vốn cũng góp phần nâng mức thu nhập bình quân đầu người lên hơn 30 triệu đồng/người/năm; giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện cuối năm 2023 còn 3.485 hộ, tương đương 24,4%. Không chỉ đưa vốn đến với đồng bào, cán bộ tín dụng khi xuống cơ sở giải ngân, thu lãi suất còn tư vấn, hướng dẫn người dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất hiệu quả. Đây cũng là yếu tố giúp A Lưới không có nợ quá hạn phát sinh, tỷ lệ nợ quá hạn là 0,041%, thấp hơn so với bình quân chung toàn tỉnh.
Ông Lê Quang Thắng cũng chia sẻ thêm, nhìn vào bức tranh tổng thể, tuy kinh tế - xã hội của huyện có nhiều khởi sắc và đã ra khỏi danh sách 74 huyện nghèo của cả nước nhưng A Lưới chưa phát huy được hết tiềm năng, lợi thế; tỷ lệ giảm nghèo hàng năm cao nhưng chưa thật sự bền vững... Do đó, với trách nhiệm và sứ mệnh vì người nghèo của những người làm tín dụng chính sách, NHCSXH huyện A Lưới sẽ tận tâm, tận lực bám sát kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững; chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện... nhằm góp phần cùng tỉnh Thừa Thiên Huế sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Người dân hưởng lợi
Nhìn khuôn mặt tràn đầy tự tin, khí thế của chàng trai Pa Cô Nguyễn Hải Teo - một trong những nông dân làm kinh tế giỏi của A Lưới năm 2023 mới thấy nguồn vốn tín dụng chính sách quan trọng thế nào trong hành trình giảm nghèo của người dân A Lưới. Sự tự tin và đầy khát vọng của Nguyễn Hải Teo đã truyền cho chúng tôi sức mạnh và niềm tin: Không gì là không thể! Cái nghèo rồi sẽ phải biến mất trước quyết tâm, chung sức chung lòng của cấp ủy chính quyền và Nhân dân.
Nguyễn Hải Teo kể, năm 2019 hai vợ chồng Teo bắt đầu được vay 50 triệu đồng vốn sản xuất kinh doanh vùng khó khăn để chăn nuôi lợn và trồng rừng theo công nghệ của Tập đoàn Quế Lâm. "Tham gia chăn nuôi với Tập đoàn, Teo chỉ bỏ công chăm sóc, vốn có Ngân hàng, thức ăn, kỹ thuật, giống và cả đầu ra có Tập đoàn lo. Teo thấy, cơ hội này thật tuyệt, nếu bỏ qua, chắc sẽ không có cơ hội nào tốt hơn…" - Nguyễn Hải Teo chia sẻ.
Đến nay, Teo được NHCSXH A Lưới cho vay thêm 80 triệu đồng vốn giải quyết việc làm để trồng rừng; tổng thu nhập của 2 vợ chồng đạt hơn 500 triệu/năm. Cuộc sống bắt đầu có của ăn, của để nhưng với Teo "chưa cần đi xe SH, chưa sắm đồ xa xỉ, chỉ cần đủ phục vụ cho sinh hoạt thiết yếu. Teo ưu tiên làm kinh tế trước đã. Mình mạnh rồi thì mới yên tâm hưởng thụ" - Nguyễn Hải Teo quả quyết nói.
Hiện, trên địa bàn huyện A Lưới đang có 4 mô hình chăn nuôi - trồng rừng giống như Nguyễn Hải Teo. Mỗi tháng, cả 4 hộ và Tập đoàn Quế Lâm sẽ cùng gặp gỡ, trao đổi nhằm tháo gỡ ngay các vấn đề phát sinh. Tập đoàn Quế Lâm cũng đã cam kết với địa phương đưa công nghệ mới vào để chăn nuôi nhằm bảo vệ môi trường; đồng thời theo đuổi kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh; tất cả chất thải từ chăn nuôi sẽ được ủ và dùng làm phân bón cho cây trồng; việc phòng, chống dịch bệnh được sử dụng bằng các loại cây lá có sẵn như lá tràm để đốt, xông khử khuẩn, bảo đảm không dùng hóa chất cho vật nuôi; các mô hình hiện đang phát triển tốt, hứa hẹn là những điển hình, nòng cốt phát triển kinh tế của huyện.
Bên cạnh cung cấp vốn để tạo việc làm cho bà con, xuất khẩu lao động cũng là hướng đi A Lưới đang lựa chọn nhằm giúp dân thoát nghèo; bám sát chủ trương này, NHCSXH A Lưới cũng chủ động nguồn lực để cho vay xuất khẩu lao động. Trường hợp của Hồ Vạn Lực, sinh năm 1991, ở thôn A Lưới, xã Quảng Nhâm được vay 80 triệu đồng để đi làm tại Nhật là một ví dụ. Đến nay, sau 1 năm đi làm việc ở xứ người, Lực đã hỗ trợ được cho bố mẹ và trả dần tiền cho NHCSXH. Trước đó, gia đình của Lực còn được vay 50 triệu đồng để trồng 4ha keo, nuôi thêm bò. "Chúng tôi đặt quyết tâm, cuối năm 2024 sẽ thoát nghèo" - bà Căn Vạn Lực - mẹ của Hồ Vạn Lực cho biết.
Quyết tâm này cũng là mong mỏi của Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và vay vốn Hồ Thị Lộc. Bà Lộc chia sẻ, hiện tổ có 45 thành viên, trong đó có 5 hộ nghèo; nhưng các hộ đang bắt đầu phát triển ổn định, tin tưởng cuối năm 2024 sẽ ra khỏi hộ nghèo.