Hoạt động tín dụng chính sách ở Bình Định

Bài 1: Tạo mọi nguồn lực giúp dân thoát nghèo

- Thứ Năm, 24/11/2022, 06:37 - Chia sẻ

Miền “đất võ, trời văn” Bình Định nay đã đổi thay ngoạn mục. Sự đổi thay đến từ “trên dưới đồng lòng - dọc ngang thông suốt” đúng như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhấn mạnh nhiều lần trong các cuộc họp, sinh hoạt chính trị của Đảng. Sự đổi thay đến từ việc đầu tư tập trung, hiệu quả của nhiều nguồn lực, trong đó dòng vốn tín dụng chính sách…

Trên dưới đồng lòng

Một trong những điểm nổi bật của Bình Định là đã tạo được sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị trong thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP về tín dụng chính sách cho người nghèo cùng các đối tượng chính sách khác và Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách. Nhờ đó, Bình Định đã huy động mọi nguồn lực, tạo sinh kế cho người dân giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị, phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Sau khi có Nghị định số 78/2002/NĐ-CP, chi nhánh NHCSXH tỉnh Bình Định được thành lập để tổ chức triển khai nhiệm vụ phục vụ người nghèo và các đối tượng chính sách từ miền núi cao đến vùng biển xa. Qua 20 năm xây dựng và phát triển, Chi nhánh luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của ngân hàng cấp trên, lãnh đạo địa phương và sự phối hợp chặt chẽ của các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác. Cũng từ đây, hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến. Cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp đã nhận thức đầy đủ về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của tín dụng chính sách xã hội trong việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và bảo đảm an sinh xã hội. Cấp ủy, chính quyền các cấp thường xuyên quan tâm, chú trọng công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện về mọi mặt cho hoạt động tín dụng chính sách; đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát vốn tín dụng chính sách xã hội đến đúng đối tượng thụ hưởng.

Không dừng lại ở việc chỉ đạo, lôi cuốn cả hệ thống chính trị vào cuộc; các địa phương trong tỉnh còn căn cứ vào tình hình ngân sách của mình ưu tiên dành nguồn lực ủy thác sang NHCSXH để bổ sung cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, ưu tiên hỗ trợ ngân sách để mua sắm phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn. Đến nay, tổng nguồn vốn địa phương ủy thác sang chi nhánh NHCSXH tỉnh Bình Định đạt hơn 476 tỷ đồng, tăng hơn 463 tỷ đồng so với thời điểm trước khi có Chỉ thị số 40-CT/TW, trong đó nguồn ngân sách tỉnh tăng hơn 416 tỷ đồng, cấp huyện tăng hơn 46 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 9% tổng nguồn vốn; nâng tổng nguồn vốn chính sách ở Bình Định sau 20 năm lên 5.297 tỷ đồng, tăng 5.193 tỷ đồng so với năm 2002, tỷ lệ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 22,5%.

Ảnh: Bên cạnh việc giải ngân vốn tại các điểm giao dịch xã, cán bộ NHCSXH Bình Định luôn đến tận hộ vay để kiểm tra, động viên bà con. Ảnh: Trần Việt
Bên cạnh việc giải ngân vốn tại các điểm giao dịch xã, cán bộ NHCSXH Bình Định luôn đến tận hộ vay để kiểm tra, động viên bà con
Ảnh: Trần Việt

Chuyển vốn kịp thời, đúng đối tượng

Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Bình Định Đoàn Trung Thành cho biết, bảo đảm nguồn vốn, đáp ứng nhu cầu của người nghèo, cận nghèo và đối tượng chính sách là mục tiêu mà các cán bộ tín dụng chính sách luôn đau đáu thực hiện. Kể cả khi đại dịch Covid-19 bùng phát, dòng vốn tín dụng chính sách vẫn chảy đều đặn đến tận tay các đối tượng thụ hưởng.

Để chuyển tải vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng, chi nhánh NHCSXH tỉnh đã thực hiện phương thức cho vay ủy thác thông qua 4 tổ chức chính trị - xã hội, gồm: Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác là cầu nối giữa Nhà nước với nhân dân thông qua mạng lưới 2.365 Tổ tiết kiệm và vay vốn tại tất cả các thôn, xóm trong toàn tỉnh với 138.368 thành viên tự nguyện tham gia. Đến nay, tổng dư nợ ủy thác qua các tổ chức chính trị - xã hội của chi nhánh NHCSXH tỉnh chiếm tỷ lệ 99,7% tổng dư nợ, trong đó dư nợ ủy thác qua Hội Phụ nữ tỉnh là gần 2.400 tỷ đồng, chiếm 49,9% tổng dư nợ.

Qua 20 năm triển khai thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP, đặc biệt sau 8 năm đưa Chỉ thị số 40-CT/TW vào cuộc sống, đồng vốn của chi nhánh NHCSXH tỉnh Bình Định được đầu tư đúng đối tượng, có hiệu quả, đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn để người dân phát triển sản xuất kinh doanh từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững, làm giàu chính đáng. Nguồn vốn chính sách đã được hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn sử dụng mua sắm vật tư, con giống phục vụ chuyển dịch đúng hướng cơ cấu sản xuất, trồng cây ăn quả, chăn nuôi gia súc, gia cầm, đánh bắt hải sản, cải tạo vườn tạp, khôi phục mở mang ngành nghề thủ công nghiệp.

Từ đó, đã giúp hơn 116.000 hộ vượt qua ngưỡng nghèo, thu hút tạo việc làm cho gần 81.000 lao động, trong đó có hơn 2.000 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, tạo điều kiện cho gần 88.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập, xây dựng 202.000 công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn. Nguồn vốn chính sách xã hội đã trở thành công cụ hữu hiệu góp phần cho tỉnh Bình Định thực hiện thành công chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững với những con số khá ấn tượng trong giai đoạn 2016 - 2021 và tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 13,35% xuống còn 3,13%.

Đạt được những thành tích đó là do cấp ủy, chính quyền địa phương đã quán triệt sâu sắc, phổ biến sâu rộng nội dung Nghị định số 78/2002/NĐ-CP và Chỉ thị số 40-CT/TW. Đồng thời, lãnh đạo chủ chốt của Bình Định luôn quan tâm, tạo điều kiện cho hoạt động tín dụng chính sách trong cuộc hành trình vì an sinh và công bằng xã hội. “Thời gian tới, Chi nhánh sẽ tiếp tục tập trung huy động mọi nguồn lực, tận tụy, dốc sức đưa nhanh vốn ưu đãi tới người nghèo và các đối tượng chính sách, góp phần tích cực cho công tác giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội bền vững” - Giám đốc Đoàn Trung Thành chia sẻ.

Bình Nhi