Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, quá trình tổng kết thi hành Luật Công đoàn 2012 (giai đoạn 2013 - 2024), đã có nhiều ý kiến đề xuất, nghiên cứu đề nghị sửa đổi Điều 1 của Luật theo hướng cần diễn đạt bảo đảm thống nhất với Điều 9, Điều 10 Hiến pháp năm 2013; đồng thời, sắp xếp lại các nhóm chủ thể để thể hiện rõ hơn vai trò, vị trí, địa vị pháp lý của tổ chức công đoàn trong tình hình mới.
Quy định đặc biệt quan trọng
Điều 1, Luật Công đoàn 2012 quy định về địa vị pháp lý của Công đoàn Việt Nam: “Công đoàn là tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và của người lao động, được thành lập trên cơ sở tự nguyện, là thành viên trong hệ thống chính trị của xã hội Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; đại diện cho cán bộ, công chức, viên chức, công nhân và những người lao động khác (sau đây gọi chung là người lao động), cùng với cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội, tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp; tuyên truyền, vận động người lao động học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.
Đây là quy định đặc biệt quan trọng trong Luật Công đoàn 2012, tạo cơ sở cho việc quy định cụ thể các quyền, trách nhiệm theo lĩnh vực hoạt động của Công đoàn tại các chương tiếp theo, tạo hành lang pháp lý cho Công đoàn thực hiện tốt các chức năng luật định. Về cơ bản, quy định trên đã tương thích và khá thống nhất với các quy định của Hiến pháp, đặc biệt là Điều 9, Điều 10 Hiến pháp năm 2013.
Bảo đảm thống nhất, rõ hơn địa vị pháp lý
Tuy nhiên, do quy định này được ban hành trước Hiến pháp năm 2013 nên vẫn còn có nội dung, câu chữ chưa hoàn toàn thống nhất với quy định của Hiến pháp năm 2013, như: (1) Luật Công đoàn 2012 quy định công đoàn “tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát”, còn Hiến pháp 2013 ghi nhận công đoàn “tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát”; (2) quy định công đoàn “cùng với cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động” đã ít nhiều làm mờ nhạt vai trò của tổ chức công đoàn, gây khó khăn cho việc xác định chủ thể chịu trách nhiệm chính trong chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; (3) thứ tự sắp xếp các đối tượng được công đoàn đại diện (cán bộ, công chức, viên chức, công nhân và những người lao động khác) liệu có còn phù hợp với bối cảnh mới, khi mà công nhân, lao động đang ngày một chiếm tỷ lệ lớn trong tổng số đoàn viên công đoàn.
Từ thực tế trên, quá trình tổng kết đã có nhiều ý kiến đề xuất, nghiên cứu đề nghị sửa đổi Điều 1 Luật Công đoàn 2012 theo hướng cần diễn đạt bảo đảm thống nhất với Điều 9, Điều 10 Hiến pháp năm 2013; đồng thời, sắp xếp lại các nhóm chủ thể để thể hiện rõ hơn vai trò, vị trí, địa vị pháp lý của tổ chức công đoàn trong tình hình mới.