Phát huy giá trị của hương ước trong cuộc sống hiện đại

Bài 1: “Đánh thức” giá trị văn hóa truyền thống

- Thứ Hai, 12/02/2024, 15:09 - Chia sẻ

Không trái pháp luật và đạo đức xã hội, hương ước, quy ước là các quy định về quy tắc ứng xử do cộng đồng dân cư cùng thỏa thuận đặt ra để điều chỉnh các quan hệ xã hội mang tính tự quản trong cộng đồng dân cư, nhằm gìn giữ và phát huy những phong tục tập quán, truyền thống văn hóa tốt đẹp của cộng đồng. Vì thế, hương ước chính là sự sáng tạo, là nét văn hoá truyền thống trong xây dựng cuộc sống văn minh, tiến bộ…

Xây dựng nâng tầm hương ước, quy ước...

Xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước gắn với thực hiện nếp sống văn hóa cơ sở, xây dựng nông thôn mới; góp phần quản lý xã hội tại cơ sở bảo đảm phù hợp, hài hòa, gìn giữ nét đẹp, truyền thống, phong tục, nếp sống văn hóa riêng của vùng, miền nói chung và mỗi thôn, làng nói riêng. Đây chính là sự lan toả, nâng tầm hương ước, quy ước, phát huy giá trị truyền thống trong cuộc sống hiện đại.

Ở Việt Nam, hương ước, quy ước xuất hiện từ thế kỷ XV, được quy định lần đầu tiên dưới triều vua Lê Thánh Tông; được các chế độ phong kiến Việt Nam sau đó và thực dân Pháp duy trì để quản lý làng xã, cộng đồng dân cư. Sau cách mạng tháng Tám (năm 1945), do quan niệm hương ước, quy ước không còn thích hợp với xã hội mới nên Nhà nước ta không đề cập đến việc xây dựng, thực hiện hương ước.

Bước vào thời kỳ đổi mới (năm 1986), trước yêu cầu bảo vệ, duy trì, phát triển các phong tục tập quán, giá trị văn hóa tốt đẹp đang được phục hồi, xóa bỏ các hủ tục, tệ nạn nảy sinh, nhất là trong việc cưới, việc tang nhằm xây dựng đời sống văn hóa mới, chủ trương xây dựng và thực hiện hương ước đã được khẳng định trong một số văn kiện của Đảng và thể chế hóa chủ trương của Đảng, Nhà nước đã ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật. Đến nay, việc xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước đã đi vào ổn định, rộng khắp trên cả nước.

Bài 1: “Đánh thức” giá trị văn hóa truyền thống -0
Trích hương ước của xã Đông Kết, huyện Đông Yên, phủ Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, nay thuộc huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Ảnh: Dự án số hóa kho tàng thư tịch cổ văn hiến Hán Nôm

Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, “một cách thức hiệu quả để bảo tồn sự đa dạng văn hóa đó chính là xây dựng hương ước, quy ước thành công cụ gìn giữ những nét văn hóa riêng. Việc quy định bảo vệ, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; xây dựng các giá trị văn hóa mới phù hợp với đặc điểm tình hình của cộng đồng dân cư trong xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước thành một nguyên tắc riêng nhằm nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng này của hương ước, quy ước”.

Mới đây nhất, ngày 16.8.2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 61/2023/NĐ-CP về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư. Theo đó, việc xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước phải bảo đảm 4 nguyên tắc: Phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; không quy định lại các nội dung đã được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật; xuất phát từ nhu cầu tự quản của người dân, trên cơ sở tự nguyện, thỏa thuận, thống nhất, công khai, minh bạch trong cộng đồng dân cư; phát huy đầy đủ quyền làm chủ của Nhân dân và trách nhiệm của người dân đối với cộng đồng; tôn trọng tính tự chủ, tính đa dạng văn hóa và quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của cộng đồng dân cư; phù hợp với đạo đức xã hội, phong tục, tập quán tốt đẹp; bảo vệ, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; xây dựng các giá trị văn hóa mới, quy tắc ứng xử văn minh, phù hợp với đặc điểm tình hình của cộng đồng dân cư.

Bài 1: “Đánh thức” giá trị văn hóa truyền thống -0
Hương ước, quy ước Làng

Theo Báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho thấy, tính đến ngày 20.12.2023 cả nước có 78.012 hương ước, quy ước được công nhận tại 60/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (chiếm 79,2% trên tổng số thôn, tổ dân phố). Số địa phương có tỷ lệ 100% thôn, tổ dân phố có hương ước, quy ước được công nhận là 28/63 (chiếm 44,4%).

“Việc xây dựng, duy trì thực hiện tốt hương ước, quy ước chính là góp phần trong việc bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình và dân tộc như truyền thống hiếu nghĩa, đạo làm con, truyền thống hiếu học…, bảo vệ thuần phong mỹ tục, tinh thần tương trợ, tương thân tương ái”- nhà Sử học Dương Trung Quốc nhấn mạnh.

Gắn với đời sống làng xã

Đối với xã hội truyền thống, làng xã là tế bào, là phương thức tồn tại của đất nước vì làng xã là cộng đồng dân cư, cộng đồng kinh tế khép kín và đồng thời cũng là cộng đồng văn hóa để bảo tồn văn hóa của dân tộc.

Bài 1: “Đánh thức” giá trị văn hóa truyền thống
Nét đẹp văn hóa làng, xã

Ông Đặng Quang Lượng, năm nay đã gần 80 tuổi ở thôn Bắc Kênh Cầu (xã Đồng Than, huyện Yên Mỹ, Hưng Yên) cho biết, “từ khi thực hiện hương ước, quy ước thì đời sống văn hóa của người dân thôn chúng tôi đã thay đổi rõ rệt. Rất nhiều tệ nạn, hủ tục được bài trừ, như: Cờ bạc, rượu chè, bạo hành gia đình, nói tục… Các đám cưới, đám tang, đám giỗ tổ chức gọn nhẹ, văn minh, tiết kiệm; không mở loa đài gây ồn ào, không thả rông trâu bò phá hại cảnh quan, vườn tược.

"Đặc biệt, nhờ thực hiện hương ước, tình làng nghĩa xóm trở nên gắn kết hơn, tất cả mọi người đều cùng nâng cao tinh thần thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, chung tay xây dựng các tiêu chí nông thôn mới" - ông Lượng cho biết thêm.

Bài 1: “Đánh thức” giá trị văn hóa truyền thống
100% người dân cam kết chấp hành nội quy của hương ước

Bí thư kiêm Trưởng thôn thôn Bắc Kênh Cầu (xã Đồng Than, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên) Nguyễn Văn Trách cho biết, nhờ xây dựng thành công hương ước và áp dụng vào thực tiễn, thôn Bắc Kênh Cầu đã tích cực thực hiện quy ước kết hợp với phong trào xây dựng nông thôn mới, mang lại hiệu quả tích cực trong đời sống của thôn, góp phần hạn chế, loại bỏ các tập tục lạc hậu. Đến nay, quy ước đã mang lại hiệu quả tích cực, giúp đời sống văn hóa của địa phương ngày một tốt đẹp hơn.

Bài 1: “Đánh thức” giá trị văn hóa truyền thống
Bí thư, kiêm Trưởng thôn Bắc Kênh Cầu, xã Đồng Than, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên Nguyễn Văn Trách

Thôn Chi Long (xã Ngọc Long, huyện Yên Mỹ), với hơn 800 hộ dân/gần 3.000 nhân khẩu, 100% người dân cam kết thực hiện đúng theo nội dung quy định trong quy ước của thôn. Bí thư, kiêm Trưởng thôn Chi Long Luyện Văn Dương cho biết, trong tất cả các cuộc họp đều tiến hành lồng ghép, tuyên truyền các nội dung được quy định trong quy ước của thôn để người dân thực hiện.

Bài 1: “Đánh thức” giá trị văn hóa truyền thống
Quang cảnh buổi thảo luận, tuyên truyền quy ước thôn

Phát biểu tại Hội thảo "Phát huy vai trò hương ước, quy ước trong đời sống xã hội tỉnh Hưng Yên", Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hưng Yên Phạm Văn Hiệu khẳng định: “Với sự nỗ lực của các cấp, các ngành và toàn thể Nhân dân, đến nay hầu hết các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh đã xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của thôn, khu phố; hương ước, quy ước đã góp phần phát huy được tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, tính tự chủ, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, phát huy dân chủ tại cơ sở, hạn chế được các tệ nạn xã hội, đảm bảo trật tự, an ninh tại địa phương”.

Bài 1: “Đánh thức” giá trị văn hóa truyền thống
Hội thảo "Phát huy vai trò hương ước, quy ước trong đời sống xã hội tỉnh Hưng Yên". Ảnh: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hưng Yên

Tính đến nay, toàn tỉnh Hưng Yên có 813/832 hương ước, quy ước thôn, tổ dân phố được cấp có thẩm quyền phê duyệt; 9/10 huyện, thị xã, thành phố có 100% số thôn, tổ dân phố đã xây dựng và thực thi có hiệu quả hương ước, quy ước. Các hương ước, quy ước đã bám sát đời sống và tình hình thực tế của từng địa phương; thể hiện được trí tuệ, tinh thần đoàn kết của cộng đồng dân cư; khôi phục, phát huy được những phong tục, tập quán, truyền thống tốt đẹp của thôn, làng, dòng họ…

Nghị quyết hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 (khóa VII) ngày 10.6.1993 về tiếp tục đổi mới và phát triển nền kinh tế - xã hội đã đề ra nhiệm vụ “phát huy những truyền thống văn hóa tốt đẹp, thuần phong mỹ tục, bài trừ hủ tục, mê tín dị đoan, tệ nạn xã hội, phát huy tình làng, nghĩa xóm, khuyến khích xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước và nếp sống văn minh thôn, xã”.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội PGS.TS Bùi Hoài Sơn chia sẻ, dưới góc độ văn hóa, hương ước, quy ước góp phần bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình, dòng họ, thôn, làng và cao hơn nữa là truyền thống dân tộc, bảo vệ thuần phong mỹ tục, tinh thần tương trợ, thương thân, tương ái.

“Việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của thôn làng, tổ dân phố trong thời gian qua đã tác động tốt đến công tác quản lý xã hội tại cộng đồng dân cư, góp phần đưa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đi vào cuộc sống, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước. Thông qua đó, hình thành giá trị chuẩn mực xã hội phù hợp với truyền thống, bản sắc của địa phương, bài trừ hủ tục lạc hậu, phát huy dân chủ ở cơ sở”, ông Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh.

Thái Yến và Nhóm PV
#