Tham dự hội thảo có khoảng 100 đại biểu tham dự Hội thảo gồm đại diện Liên minh Châu Âu, EU, MTTQ Việt Nam, thành viên tổ hòa giải ở cơ sở, cùng đại diện đơn vị thực hiện dự án là Helvetas Việt Nam và Liên minh Đất đai LANDA.
Dự án án “Tăng cường quyền tiếp cận sử dụng đất cho đồng bào dân tộc thiểu số” do Liên minh Châu (EU) tài trợ, Helvetas và LANDA/CCRD đồng chủ trì, thực hiện trong thời gian 3 năm từ 1.6.2020 đến 31.5.2023 nhằm góp phần thúc đẩy và bảo vệ quyền tiếp cận đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số tại Hòa Bình và Cao Bằng. Trong thời gian thực hiện Dự án, các tổ chức thành viên của LANDA và các tổ hòa giải ở cơ sở đã được cung cấp những nguồn lực quan trọng để có thể hỗ trợ tốt hơn cho cộng đồng địa phương trong việc giải quyết tranh chấp đất đai và đóng góp xây dựng chính sách đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển cộng đồng nông thôn (CCRD) Nguyễn Đức Thịnh chia sẻ những kết quả đạt được của dự án: Từ khi thực hiện dự án đến hết ngày 31.5.2023, đã có hơn 36.000 người được nâng cao nhận thức về quyền đất đai và giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở; hơn 630 hòa giải viên, trưởng xóm, người có uy tín, thành viên các tổ chức đoàn thể địa phương đã được đào tạo, nâng cao năng lực về pháp pháp luật đất đai, pháp luật hoà giải ở cơ sở, kỹ năng hòa giải ở cơ sở trong lĩnh vực đất đai, kỹ năng tuyên truyền và đóng góp xây dựng chính sách đất đai. Bên cạnh đó, hơn 2.000 người dân được tư vấn về pháp luật đất đai và giải quyết tranh chấp đất đai; 22 chuyên gia của Liên minh Đất đai LANDA và các đối tác địa phương đã tham gia Chương trình Đào tạo Giảng viên nguồn và được cấp chứng chỉ, trở thành giảng viên cho các khóa đào tạo về hòa giải tranh chấp đất đai ở cơ sở; 6 sáng kiến cộng đồng được Dự án cấp vốn thực hiện nhằm thúc đẩy quyền đất đai và chất lượng công tác hòa giải ở cơ sở. Các gói tài trợ nhỏ này đã giúp cho các hòa giải viên và thành viên các tổ chức đoàn thể ở địa phương thực hành những kiến thức và kỹ năng đã được học vào việc giải quyết các vướng mắc đất đai tại địa phương, được chính quyền địa phương đánh giá cao và sẵn sàng nhân rộng mô hình.
Dự án đã xây dựng một bộ Cẩm nang về hòa giải ở cơ sở trong lĩnh vực đất đai. Đây là một tài liệu tham khảo hữu ích cho các tổ chức thành viên của Liên minh Đất đai, thành viên các tổ hòa giải ở cơ sở, các tổ chức đoàn thể cũng như các cơ quan quản lý đất đai của nhà nước. Bộ cẩm nang gồm 3 cuốn: Chính sách đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số, một số quy định về hòa giải ở cơ sở trong lĩnh vực đất đai và kỹ năng hòa giải tranh chấp đất đai ở cơ sở. Bộ cẩm nang đã được giới thiệu rộng rãi và được sử dụng trong công tác tập huấn cũng như được các hòa giải viên áp dụng vào thực tế.
Bên cạnh đó, dự án đã đưa vào hoạt động một nền tảng trực tuyến tại địa chỉ http://lafora.vn ngay từ khi bắt đầu dự án và thường xuyên cập nhật để cung cấp thông tin, kiến thức, kỹ năng về các vấn đề liên quan đến quyền đất đai và giải quyết vướng mắc đất đai cho người dân, đặc biệt là cho đồng bào dân tộc thiểu số. Chương trình phát thanh với tên gọi “Người sử dụng đất cần biết” là một trong những hoạt động của dự án và dã được phát sóng được 26 số trong vòng 1 năm trên hệ thống phát thanh của các huyện, xã và xóm thuộc địa bàn dự án với gần 500.000 lượt nghe. Những câu chuyện về giải quyết tranh chấp đất đai, đã được chuyển thể thành các tiểu phẩm và được đưa lên các mạng xã hội cũng như trình diễn tại các hội thi giao lưu sân khấu hóa, được người dân địa phương yêu thích.
Dự án cũng đã tổ chức thành công một cuộc thi trực tuyến Tìm hiểu về pháp luật đất đai và hòa giải ở cơ sở với hơn 16.410 thí sinh tham gia. Từ kết quả của cuộc thi, có thể thấy rằng người dân tại khu vực dự án đã có những kiến thức cơ bản cần thiết về quyền đất đai cũng như hiểu biết về những con đường hiệu quả để giải quyết các vấn đề liên quan tới đất đai.
Không những vậy, dự án đã triển khai 10 chiến dịch truyền thông về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất, thúc đẩy giải quyết tranh chấp đất đai thông qua con đường hòa giải ở cơ sở đã được triển khai thực hiện dưới nhiều hình thức truyền thông đa dạng và đã thu hút sự quan tâm và tham gia của hàng ngàn người dân địa phương.
Ngoài ra, Dự án cũng thực hiện một loạt các nghiên cứu trường hợp điển hình, các báo cáo khuyến nghị chính sách dựa trên thực chứng và tổ chức các hội thảo đối thoại chính sách với các địa phương nhằm cải thiện chất lượng công tác hòa giải ở cơ sở, giải quyết các vướng mắc về đất đai của người dân tại địa phương.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Mai, Mai Châu, Hòa Bình Hà Văn Hiệp đánh giá cao tính tích cực của dự án khi đã lan tỏa nhận thức cho cộng đồng về pháp luật đất đai. Dự án cũng góp phần thúc đẩy sự tham gia và phát huy vai trò làm chủ của người dân trong quản lý, sử dụng đất tại địa phương cũng như giải quyết những vướng mắc, tranh chấp về đất đai. Theo đó, ông Hiệp mong muốn dự án trong thời gian tới sẽ tiếp tục phối hợp địa phương triển khai các hoạt động để người dân và chính quyền hưởng lợi.