Đó là nội dung được Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng Đoàn, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang nhấn mạnh khi trình bày Báo cáo tóm tắt Báo cáo của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (khóa XII) trình Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, tại phiên trọng thể Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam.
Góp phần vào sự lớn mạnh của giai cấp công nhân
Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang nhấn mạnh: trong bối cảnh nhiệm kỳ 2018 - 2023 có nhiều yếu tố tác động không thuận lợi, đặc biệt ảnh hưởng tiêu cực, trực tiếp, kéo dài của dịch bệnh Covid - 19 đối với ĐV, NLĐ và các cấp công đoàn. Song dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, ủng hộ, phối hợp của các cơ quan nhà nước, các tổ chức trong hệ thống chính trị và người sử dụng lao động, với sự năng động, nhạy bén thích ứng của đội ngũ cán bộ công đoàn, đoàn viên, người lao động (ĐV, NLĐ), hoạt động công đoàn tiếp tục có những bước chuyển quan trọng, nhất là trong thực hiện vai trò đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của ĐV, NLĐ.
Các cấp công đoàn, nhất là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã chủ động, tích cực đổi mới và nâng cao chất lượng tham gia xây dựng chính sách, pháp luật liên quan đến NLĐ; phát hiện, đề xuất nhiều kiến nghị, góp ý xây dựng pháp luật để chăm lo, bảo vệ tốt hơn quyền lợi của NLĐ, có kiến nghị xác đáng tại Hội đồng Tiền lương quốc gia, góp phần tăng lương tối thiểu vùng 25,34% so với đầu nhiệm kỳ. Tham mưu tổ chức thành công Chương trình Thủ tướng Chính phủ đối thoại với công nhân hàng năm, Diễn đàn Người lao động do Chủ tịch Quốc hội chủ trì, các cuộc đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri chuyên đề với công nhân, viên chức, lao động, góp phần giải quyết nhiều vấn đề quan tâm, bức xúc của công nhân, lao động và là kênh quan trọng hoàn thiện chính sách, pháp luật.
“Những kết quả toàn diện của hoạt động công đoàn và phong trào công nhân, viên chức, lao động cả nước nhiệm kỳ qua đã đóng góp quan trọng vào những thành tựu chung của đất nước, góp phần tăng cường sức mạnh của hệ thống chính trị và sự lớn mạnh của giai cấp công nhân, tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của tổ chức Công đoàn Việt Nam” - Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang nhấn mạnh.

Chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động
Bên cạnh những kết quả đạt được, Báo cáo của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Khóa XII đã nhìn nhận, phân tích sâu 10 nguyên nhân của những hạn chế, khuyết điểm đồng thời rút ra 5 bài học kinh nghiệm để tiếp tục phát huy những điểm mạnh, khắc phục hạn chế trong giai đoạn tới. Trong đó, có việc tập trung thực hiện tốt chức năng cơ bản, nhiệm vụ trọng tâm là đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động.
Báo cáo xác định Mục tiêu tổng quát nhiệm kỳ 2023 - 2028 là: đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn, xây dựng Công đoàn Việt Nam vững mạnh toàn diện, tập trung thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, trọng tâm là đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của ĐV, NLĐ. Xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh, góp phần hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Đến cuối nhiệm kỳ, hướng đến kỷ niệm 100 năm ngày thành lập, Công đoàn Việt Nam vững mạnh toàn diện, là chỗ dựa tin cậy của người lao động, là cơ sở chính trị - xã hội vững chắc của Đảng, Nhà nước ta.
Xác định 3 khâu đột phá của nhiệm kỳ 2023 - 2028 gồm: đẩy mạnh đối thoại, thương lượng tập thể, trọng tâm là tiền lương, tiền thưởng, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, an toàn vệ sinh lao động; tập trung phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở ở các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước; xây dựng đội ngũ Chủ tịch công đoàn cơ sở đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nhất là Chủ tịch công đoàn tại doanh nghiệp ngoài nhà nước.
Cùng với đó, Công đoàn xác định 10 nhóm chỉ tiêu phấn đấu (7 chỉ tiêu hàng năm, 3 chỉ tiêu nhiệm kỳ) và 8 nhóm nhiệm vụ giải pháp chủ yếu tập trung thực hiện. Trong đó, tập trung thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của ĐV, NLĐ. Đầu tư nguồn lực, nâng cao chất lượng hoạt động tham gia xây dựng chính sách, pháp luật của tổ chức Công đoàn. Chú trọng tổ chức đối thoại, thương lượng tập thể, mở rộng độ bao phủ gắn với nâng cao chất lượng thỏa ước lao động tập thể, trọng tâm là nâng cao tiền lương, thu nhập, cải thiện điều kiện làm việc, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động; tích cực nghiên cứu, đề xuất nâng cao phúc lợi xã hội cho NLĐ, nhất là về nhà ở, giáo dục, y tế, bảo hiểm xã hội - Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang khẳng định.