Triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ việc làm bền vững
Để thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững nói chung và tiểu dự án 3.4 về Hỗ trợ việc làm bền vững nói riêng, tháng 7.2022, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 164/KH-UBND thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Hướng dẫn số 1837/HD-SLĐTBXH hướng dẫn khai thực hiện tiểu dự án 3 hỗ trợ "Hỗ trợ việc làm bền vững" thuộc Dự án 4 Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021 -2025.
Năm 2023, để thực hiện mục tiêu này, tỉnh đầu tư 1 hệ thống mạng, đường truyền, hệ thống máy chủ, máy tính, hệ thống trang thiết bị phục vụ lưu trữ, hệ thống an ninh bảo mật… (phục vụ thu thập, xử lý, phân tích thông tin và dự báo thị trường lao động) cho Trung tâm Dịch vụ việc làm thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, bảo đảm đồng bộ, hiện đại, kết nối toàn quốc.
Dự án cũng hỗ trợ giao dịch việc làm, kết nối cung - cầu lao động; tổ chức các phiên giao dịch việc làm, sàn giao dịch việc làm, tạo cơ hội cho hơn 2000 người lao động, nhất là lao động phi chính thức, lao động nghèo, vùng sâu, vùng xa, lao động đang hưởng BHTN tiếp cận được thông tin về chính sách lao động, việc làm và tìm kiếm các cơ hội việc làm phù hợp khả năng, nguyện vọng của bản thân. Tiểu dự án cũng triển khai quản lý lao động gắn với cơ sở dữ liệu về dân cư, bảo đảm hệ thống trang thiết bị máy chủ, đường truyền, thiết bị để nhập tin, lưu trữ, cập nhật dữ liệu; quản trị, vận hành hệ thống phần mềm.
Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm Lạng Sơn, để thích ứng với biến động thị trường trong tình hình mới, khi các doanh nghiệp đều đang số hóa, dần chuyển mình về ứng dụng công nghệ hiện đại thì các ngành chức năng và người lao động càng phải bắt nhịp kịp thời để không ai bị bỏ lại phía sau.
Nhằm tạo cơ hội cho người lao động trong tỉnh có thể tìm kiếm việc làm phù hợp với nhu cầu tuyển dụng thực tế của các doanh nghiệp, Trung tâm Dịch vụ việc làm Lạng Sơn đã tập trung đẩy mạnh tổ chức các phiên giao dịch việc làm, ngày hội việc làm và các cụm, điểm tư vấn việc.
Dù ở thời điểm mới bước sang 2024 nhưng Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Lạng Sơn cũng tiếp tục thu thập, phân tích, dự báo thị trường lao động; phổ biến các ấn phẩm phân tích, dự báo thị trường lao động. Đồng thời, hỗ trợ kết nối việc làm, đầu tư cơ sở vật chất, bố trí nguồn nhân lực và tài chính để tổ chức vận hành có hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, nhằm kết nối việc làm cho lao động đang thất nghiệp thuộc huyện nghèo, hộ nghèo, hộ mới thoát nghèo.
Chuyển đổi số là yếu tố tiên quyết
Chia sẻ về việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết trợ cấp thất nghiệp, bà Hoàng Thị Bích Loan - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Lạng Sơn cho biết, Trung tâm đã tập trung, chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong mọi hoạt động; chủ động, kịp thời cập nhật thông tin thị trường lao động, theo dõi, đăng tải thông tin lên website: www.vieclamlangson.gov.vn; thu thập thông tin của các tổ chức, cá nhân đến đăng ký tuyển lao động và người lao động tìm việc làm.
Cụ thể, số lượt truy cập vào trang web của Trung tâm là 61.445 lượt, số bài viết đăng tải là 274 tin, bài tại các trang truyền thông của đơn vị; Cổng thông tin điện tử của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội. Đặc biệt, trong quý II.2023, với sự chủ động, sáng tạo, đơn vị đã đưa vào khai thác và sử dụng quét mã QR code trên nền tảng công nghệ số để phục vụ người dân và các nhà tuyển dụng trong kết nối việc làm. Kết quả, số lượt doanh nghiệp tuyển dụng truy cập là 485 lượt, trong đó có 39 lượt quét mã. Số lượt ứng viên tìm việc làm truy cập là 6.691 lượt, trong đó có 769 người quét mã.
Việc ứng dụng quét mã QR code cho đơn vị tuyển dụng và ứng viên tham gia tìm kiếm việc làm là một trong những cách triển khai thực hiện rất có hiệu quả, có sức lan tỏa sâu rộng và phù hợp với xu thế hiện nay - xu thế về chuyển đổi số xanh. Thông qua quét mã QR, doanh nghiệp và người lao động không cần trực tiếp đến Trung tâm Dịch vụ việc làm mà ở bất cứ nơi đâu cũng có thể quét mã QR; khi đó, Trung tâm Dịch vụ việc làm lập tức có dữ liệu để phân tích và lựa chọn giúp cho các nhà tuyển dụng có thể kết nối với người tìm việc và ngược lại. Trên cơ sở đó, Trung tâm Dịch vụ việc làm có thể kết nối được với các doanh nghiệp ngoài tỉnh để khai thác được nhiều vị trí việc làm trống hơn, giúp cho người lao động có thêm cơ hội lựa chọn việc làm phù hợp.
Năm qua, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã đăng ký với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thực hiện Mô hình “Ứng dụng phần mềm quản lý về bảo hiểm thất nghiệp” - mô hình điểm của Đề án 6. Mô hình đã được đưa vào sử dụng trong thực hiện nhiệm vụ về chính sách bảo hiểm thất nghiệp.
Cũng theo bà Loan, Trung tâm đã tích cực phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội tỉnh và các cơ quan có liên quan thực hiện thông tin tuyên truyền chính sách pháp luật BHTN cũng như phối hợp trao đổi nghiệp vụ giải quyết hồ sơ và chi trả trợ cấp thất nghiệp; cung cấp thông tin về người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng đã có việc làm mới hoặc hưởng lương hưu... để kịp thời chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp cũng như các quyết định có liên quan.
Năm 2024, Trung tâm Dịch vụ việc làm Lạng Sơn sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, tư vấn việc làm cho lao động đi làm việc ở nước ngoài bằng nhiều hình thức cho các đối tượng trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, tiếp tục duy trì hoạt động tiếp nhận hồ sơ, tư vấn giới thiệu việc làm, học nghề cho người lao động đến nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp tại văn phòng Trung tâm và 3 văn phòng tiếp nhận hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp tại các huyện; giải quyết tốt chính sách bảo hiểm thất nghiệp; hỗ trợ người lao động thất nghiệp trong việc tìm kiếm việc làm, đào tạo nghề để duy trì vị trí việc làm.
Đồng thời, phấn đấu trong năm 2024, tổ chức 40 phiên giao dịch việc làm tại Trung tâm vào thứ 2 hoặc thứ 5 hàng tuần; phối hợp với các tỉnh/thành phố phía Bắc tổ chức ít nhất 6 phiên giao dịch việc làm kết nối trực tuyến cho người lao động; tổng số người được tư vấn, giới thiệu việc làm, chính sách pháp luật về lao động, việc làm, dạy nghề là trên 15.000 lượt người. Mặt khác, số lượt người lao động đăng ký tìm việc làm qua Trung tâm Dịch vụ việc làm là 2.500 lượt người; số lượt người lao động được giới thiệu việc làm là 2.500 lượt người; số người lao động được giới thiệu việc làm nhận được việc làm là 1.200 người.