Độ bao phủ đã đạt khoảng 91% dân số
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh cho biết, một trong những thành tựu quan trọng trong công tác tổ chức thực hiện chính sách BHYT là tỷ lệ người dân tham gia BHYT có sự tăng trưởng vượt bậc qua các năm.
Cụ thể, nếu như năm 2009, 2015 độ bao phủ BHYT lần lượt đạt 57% và 74,7% dân số thì đến hết năm 2021, độ bao phủ đạt khoảng 91% dân số với 88,837 triệu người tham gia. Cùng với đó, trung bình hàng năm, có hơn 100 triệu lượt người khám, chữa bệnh BHYT được bảo đảm quyền lợi.
Đặc biệt, năm 2020 - 2021 do tác động của dịch Covid-19, quỹ BHYT đã cùng ngân sách nhà nước góp phần không nhỏ trong công tác khắc phục hậu Covid-19 và phòng, chống dịch hiện nay.
“Điều đó tiếp tục khẳng định vai trò trụ cột của chính sách BHYT trong hệ thống an sinh xã hội quốc gia” - Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh cho hay.
Cũng theo BHXH Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2022, toàn ngành đã chủ động, quyết tâm, phấn đấu hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, tiếp tục bảo đảm kịp thời, đầy đủ các quyền lợi an sinh cho người tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Ước đến hết tháng 6.2022, có trên 86,8 triệu người tham gia BHYT đạt tỷ lệ bao phủ gần 90% dân số (sụt giảm nhẹ so với năm 2021).
Về nguyên nhân sụt giảm số người tham gia BHYT, Phó Trưởng Ban Quản lý Thu - Sổ Thẻ, BHXH Việt Nam Trần Quốc Túy chia sẻ, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và chính sách mua thẻ BHYT cho người dân sinh sống tại các xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 theo Quyết định số 861 năm 2021 của Thủ tướng và người dân sinh sống tại huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo giai đoạn 2021 - 2025 theo Quyết định số 353 năm 2022 của Thủ tướng. Trong số đó, khoảng 3,1 triệu người (có khoảng 2,1 triệu người là đồng bào dân tộc thiểu số giảm) không được ngân sách nhà nước mua thẻ BHYT.
Một số địa phương có số người tham gia BHYT giảm sâu như Đắk Lắk giảm 225,5 nghìn người (trong đó có 194,6 nghìn đồng bào dân tộc thiểu số); Sóc Trăng giảm 309,5 nghìn người (trong đó có 200 nghìn đồng bào dân tộc thiểu số); Trà Vinh giảm 243,6 nghìn người tham gia (trong đó có 93,8 nghìn đồng bào dân tộc thiểu số)…
Duy trì chính sách BHYT bền vững
Theo đó, để 10% dân số còn lại tham gia BHYT, BHXH Việt Nam đã đề nghị tiếp tục có chính sách đóng, hỗ trợ mức đóng BHYT với người dân thoát khỏi huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển, hải đảo và người đồng bào dân tộc thiểu số thoát khỏi các xã khó khăn, đặc biệt khó khăn.
Cơ quan BHXH cũng đề xuất, kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan rà soát và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về BHYT để ban hành, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, khắc phục bất cập trong tổ chức thực hiện. Trong đó, bổ sung người tham gia BHYT bắt buộc với nhóm người lao động và người sử dụng lao động là người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương; chủ hộ kinh doanh cá thể; người lao động làm việc theo chế độ linh hoạt đồng bộ với đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.
Một đề xuất nữa là về quy định việc tham gia BHYT với nhóm người lao động đang tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không hưởng lương; nhóm đối tượng người tham gia kháng chiến, nghệ nhân, nghèo đa chiều, dân quân tự vệ thường trực; người sinh sống ở xã ATK, vùng ATK cách mạng trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ; nạn nhân bom mìn vật nổ sau chiến tranh...; trẻ em dưới 6 tuổi có bố hoặc mẹ mang quốc tịch Việt Nam sinh ra ở nước ngoài sau đó được đưa về Việt Nam sinh sống lâu dài hoặc sinh ra trên lãnh thổ Việt Nam; người nước ngoài sinh sống, làm việc, học tập… trên lãnh thổ Việt Nam.
Cùng với đó, BHXH Việt Nam cũng đề nghị nâng mức hỗ trợ đóng từ ngân sách nhà nước cho một số người tham gia như học sinh, sinh viên, hộ gia đình nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình từ 30% lên 50% mức đóng BHYT.
“Những đề xuất trên là nhằm tạo điều kiện cho người dân giảm bớt khó khăn, duy trì chính sách BHYT bền vững, hướng tới BHYT toàn dân” - ông Trần Quốc Túy nhấn mạnh.