59,1% số người hưởng lương hưu qua phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt
Tại Hội nghị trực tuyến đánh giá tình hình thực hiện Đề án số 06/CP 6 tháng đầu năm 2024 do Ban Chỉ đạo Đề án số 06 tỉnh Đồng Nai tổ chức từ điểm cầu cấp tỉnh xuống điểm cầu các huyện, thành phố, BHXH tỉnh Đồng Nai cho biết, tính đến cuối tháng 7, 59,1% số người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH nhận qua phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt; nếu tính riêng khu vực đô thị đạt tỷ lệ 61,5%, vượt 2,5% chỉ tiêu BHXH Việt Nam giao.
Bên cạnh đó, tỷ lệ người hưởng các chế độ BHXH một lần và hưởng trợ cấp thất nghiệp nhận qua tài khoản cá nhân là 100%. Từ kỳ chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH tháng 8, BHXH đã chi trả trực tiếp thông qua tài khoản cá nhân cho người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH ngay từ ngày 1 - 5.8, sớm hơn 5 ngày so với lịch chi trả thường kỳ.
Theo đại diện BHXH tỉnh Đồng Nai, đây là kết quả bước đầu sau gần 4 tháng triển khai Quy trình phối hợp số 2286/C06-TCKT của BHXH Việt Nam với Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) - Bộ Công an về việc triển khai phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trong công tác chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH trên nền Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Để đạt được kết quả tích cực này, theo Phó Giám đốc BHXH tỉnh Đồng Nai Nguyễn Văn Thành, BHXH tỉnh đã thực hiện đồng bộ rất nhiều giải pháp. Trước tiên là tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo, phối hợp Công an tỉnh ban hành văn bản hướng dẫn; trên cơ sở đó ngành BHXH tỉnh và ngành công an thực hiện tốt Quy trình phối hợp, cùng với sự vào cuộc của bưu điện, các ngân hàng thương mại...
Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, giải thích, vận động người hưởng nhận lương hưu, chế độ BHXH chuyển qua phương thức không dùng tiền mặt, không ép buộc người hưởng, đặc biệt người hưởng cao tuổi, ốm đau, đi lại khó khăn, người hưởng vùng sâu, vùng xa, nơi khó tiếp cận dịch vụ của ngân hàng; người hưởng không mở được tài khoản vì lý do bất khả kháng khác... để người hưởng hiểu rõ về chủ trương chung, tạo sự đồng thuận.
Bên cạnh đó, BHXH tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều phương thức với các hình thức phù hợp như: thường xuyên phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và địa phương, Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao; UBND các phường, xã trên toàn tỉnh để truyền thông về những lợi ích khi nhận lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng qua tài khoản cá nhân so với việc lĩnh lương hưu bằng tiền mặt. Thường xuyên truyền thông trên môi trường internet, mạng xã hội thông qua việc sản xuất và đăng tải các tin, bài, phóng sự… trên các kênh truyền thông mạng xã hội của BHXH tỉnh (Zalo, fanpage và Website); phát huy mỗi công chức, viên chức ngành BHXH là một tuyên truyền viên năng nổ, tích cực chia sẻ thông tin tuyên truyền trên Zalo và Facebook cá nhân...
Nâng cao chất lượng công tác phối hợp
Tuy nhiên, bên cạnh đó, đại diện BHXH tỉnh Đồng Nai cũng cho hay, trong quá trình thực hiện vẫn còn những khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, do tâm lý, thói quen sử dụng tiền mặt của người hưởng, đặc biệt người hưởng lương hưu các chế độ BHXH hàng tháng là người cao tuổi, hạn chế về sử dụng công nghệ, lo ngại về bảo mật. Cùng với đó, cơ sở hạ tầng của ngân hàng, mạng lưới cây rút tiền chưa đáp ứng được nhu cầu tiếp cận dịch vụ của người hưởng. Còn một bộ phận dữ liệu chưa trùng khớp, chưa đầy đủ các trường dữ liệu giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu do ngành BHXH quản lý.
Phó Giám đốc BHXH tỉnh Đồng Nai Nguyễn Văn Thành kiến nghị, các đơn vị có liên quan tiếp tục nâng cao chất lượng công tác phối hợp với ngành BHXH trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ, đặc biệt là đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng qua tài khoản cá nhân cho người hưởng, đảm bảo chặt chẽ, an toàn, kịp thời.
Hệ thống ngân hàng thương mại quan tâm nâng cấp cơ sở vật chất, tăng cường mạng lưới điểm rút tiền để người hưởng thuận lợi trong việc tiếp cận dịch vụ của ngân hàng; nâng cấp hệ thống công nghệ, phương thức thanh toán bảo đảm việc chuyển tiền nhanh chóng, an toàn, tạo điều kiện thuận lợi, dễ dàng cho người hưởng tiếp cận các dịch vụ; nâng cấp hệ thống công nghệ bảo đảm việc chuyển tiền nhanh chóng, an toàn. Bên cạnh đó, Sở Tư pháp, Công an tỉnh tiếp tục tăng cường sự phối hợp chia sẻ thường xuyên, liên tục dữ liệu khai tử, mất tích để xác minh kịp thời dừng hưởng các chế độ đang chi trả qua phương thức không dùng tiền mặt…