Theo Nghị định số 24/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định, mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, từ ngày 1.7 tăng từ 1,49 triệu đồng lên 1,8 triệu đồng/tháng.
Còn theo Nghị định 146 của Chính phủ, mức đóng bảo hiểm y tế (BHYT) được tính bằng 4,5% mức lương cơ sở hoặc lương hưu hay trợ cấp thất nghiệp. Nếu theo hộ gia đình, người thứ nhất đóng mức trên, người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức phí của người thứ nhất. Người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức của người thứ nhất.
Hiện, mức đóng BHYT gia đình theo tháng là: Người thứ nhất 67.050 đồng; người thứ hai 46.935 đồng; người thứ ba 40.230 đồng; người thứ tư 33.525 đồng, người thứ năm 26.820 đồng.
Từ ngày 1.7, các mức trên sẽ tăng tương ứng là 81.000 đồng, 56.700 đồng, 48.600 đồng, 40.500 đồng và 32.400 đồng. Như vậy, khi tăng lương cơ sở, mức đóng bảo hiểm y tế của người thứ nhất tăng cao nhất, thêm khoảng 14.000 đồng một tháng, người thứ năm trở đi tăng khoảng 6.000 đồng một tháng.
Nhóm người được BHYT chi trả 100% chi phí khi đi khám chữa bệnh đúng tuyến gồm: Người tham gia BHYT đi khám chữa bệnh tại tuyến xã; chi phí cho một lần khám chữa bệnh thấp hơn 15% mức lương cơ sở; thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả khám, chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở; nhóm người có công với cách mạng.
Trường hợp được xác định là đúng tuyến khám chữa bệnh BHYT khi đúng nơi đăng ký ban đầu hoặc nơi được thông tuyến; có giấy chuyển tuyến của cơ sở y tế ban đầu; cấp cứu.
Bộ Y tế đang đề xuất BHYT chi trả cho các dịch vụ sàng lọc sơ sinh, chẩn đoán sớm một số bệnh ung thư, khám sức khỏe định kỳ hoặc tại nhà, trong dự án luật Bảo hiểm y tế sửa đổi. Ngày 28.6, Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn đánh giá Luật BHYT sửa đổi là dự án luật quan trọng, tác động trực tiếp đến mọi người dân. Do đó, cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá thực trạng và tác động đầy đủ để bảo đảm tính khả thi, thống nhất, đồng bộ, phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội.
Bộ Y tế tiếp tục tiếp thu, chỉnh sửa và hoàn thiện dự thảo luật, dự kiến trình Quốc hội dự thảo Luật BHYT sửa đổi vào tháng 5.2024.
Tỷ lệ bao phủ BHYT tăng mạnh qua các năm. Tính đến tháng 12.2022, toàn quốc có trên 91 triệu người tham gia BHYT, tỷ lệ bao phủ 91% dân số. Khám chữa bệnh BHYT tại tuyến y tế cơ sở tăng, đến nay đã đạt hơn 70% lượt khám chữa bệnh. Mục tiêu bao phủ BHYT đến năm 2025 là 95% dân số.