Tọa đàm trực tuyến “Công nghệ xử lý rác - Lựa chọn nào phù hợp”

- Thứ Hai, 08/08/2022, 14:29 - Chia sẻ

Việt Nam nằm trong số 20 quốc gia có lượng rác thải lớn nhất và cao hơn mức trung bình của thế giới. Tính cuối năm 2021, trung bình mỗi năm có khoảng 1,8 triệu tấn rác thải sinh hoạt được thải ra môi trường. Con số này ngày càng phình to và gây ra những hậu quả vô cùng nghiêm trọng không chỉ ở môi trường mà còn là sức khỏe của người dân. Rác thải sinh hoạt gia tăng có thể trở thành vấn đề “khủng  hoảng” môi trường, môi sinh và đang là vấn đề gây đau đầu các nhà quản lý, đặc biệt là ở các đô thị lớn. Vậy đâu là giải pháp hiệu quả để xử lý rác thải.

Đang diễn ra Tọa đàm trực tuyến “Công nghệ xử lý rác - Lựa chọn nào phù hợp”
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại buổi tọa đàm

Quốc hội cũng đã ban hành 2 nghị quyết gồm Nghị quyết số 32/2021/QH15 về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và Nghị quyết số 16/2021/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, đều đặt mục tiêu về tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 89-90%, tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý đạt 100%.

Cùng với đó, để thực hiện các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26), cần phát triển các công nghệ xử lý chất thải rắn mới, thân thiện môi trường và giảm thải khí nhà kính.

Với chủ đề “Công nghệ xử lý rác - Lựa chọn nào phù hợp”, Tọa đàm do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức nhằm trao đổi, ghi nhận ý kiến của đại biểu Quốc hội, chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp, cử tri xung quanh vấn đề này; tạo điều kiện cho các tỉnh, thành, doanh nghiệp tiếp cận và quyết định lựa chọn công nghệ phù hợp để xử lý vấn đề bức xúc hiện nay; góp phần xây dựng nền kinh tế xanh, phát triển bền vững.

Đang diễn ra Tọa đàm trực tuyến “Công nghệ xử lý rác - Lựa chọn nào phù hợp”
Quang cảnh tọa đàm

Khách mời tham gia Tọa đàm gồm:

- Ông Nguyễn Quang Huân, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội;

- Ông Nguyễn Thượng Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường;

- Ông Nguyễn Linh Ngọc, Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường;

- Ông Nguyễn Cao Trí, Giám đốc Phát triển Dự án, Công ty WELLE Việt Nam;

- GS. VS Nguyễn Quốc Sỹ, Chủ tịch Viện Công nghệ VinIT;

- Ông Võ Tiến Dũng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Halcom Việt Nam.

Trân trọng kính mời bạn đọc theo dõi nội dung Tọa đàm tại đây:

 14:40

Nhà báo Nguyễn Quốc Thắng: Cùng với mức sống của nhân dân ngày càng nâng cao, công cuộc công nghiệp hoá phát triển mạnh, thì rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp ngày càng nhiều, với những thành phần phức tạp, đa dạng, khó xử lý bằng phương pháp truyền thống như chôn lấp, tái chế đơn thuần... Rác thải đã và đang trở thành một vấn đề nóng trong sinh hoạt đô thị, đe dọa đời sống bền vững, cân bằng và trong lành. 

Theo số liệu ước tính, hiện nay trên cả nước riêng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh khoảng 60.000 tấn/ngày, trong đó khu vực đô thị chiếm 60%. Đến năm 2025, tỷ lệ phát sinh chất thải rắn sinh hoạt dự báo tăng 10-16%/năm. Các thành phố lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, mỗi ngày có từ 7.000 - 9.000 tấn rác thải. Có thể thấy, khi kinh tế phát triển, đời sống nâng cao thì mức độ xả rác cũng tăng theo. Chính vì vậy tìm được biện pháp hay công nghệ xử lý rác thải hiệu quả đang là điểm “nóng” còn nhiều vướng mắc, băn khoăn mà chính quyền còn ngập ngừng chờ đợi, người dân mong ngóng. Quốc hội đã quyết nghị mục tiêu về tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 89 - 90%, tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý đạt 100%. Tuy nhiên, để Nghị quyết của Quốc hội không trở thành khẩu hiệu và không rõ địa chỉ, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân không hoàn thành nhiệm vụ đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, các cấp, các ngành. Và nếu không quyết liệt thực thi, lựa chọn công nghệ phù hợp, các độ thị, thành phố không thể hoàn thành mục tiêu như Nghị quyết của Quốc hội đề ra.

 14:45

Ông Nguyễn Cao Trí, Giám đốc Phát triển Dự án, Công ty WELLE Việt Nam

Đang diễn ra Tọa đàm trực tuyến “Công nghệ xử lý rác - Lựa chọn nào phù hợp” -0
 Giám đốc Phát triển Dự án, Công ty WELLE Việt Nam Nguyễn Cao Trí chia sẻ tại tọa đàm

Để giải quyết được vấn đề rác thải của Việt Nam hiện nay cần phải hài hòa các yếu tố về môi trường, xã hội. Ví dụ, về thành phần rác và cái tính chất rác. Yếu tố thứ hai là về tài chính, đó là cách mà chúng ta kêu gọi vốn đầu tư của tư nhân hoặc của nước ngoài để đảm bảo vốn cho dự án xử lý rác thải. Ngoài ra cũng cần phải xem xét vấn đề là khả năng chi trả hoặc khả năng thanh toán ngân sách của tỉnh tại khu vực dự án. Và cái cuối cùng là cấu trúc dự án. Những cái yếu tố này cần phải được hài hoà với nhau.

Bên cạnh đó là yếu tố về công nghệ trong xử lý rác thải là vấn đề lớn hiện nay. Chúng ta có một số công nghệ xử lý rác thải như công nghệ đốt, công nghệ ủ…, nhưng thực tế vẫn sử dụng công nghệ đốt là chính. Cuộc Tọa đàm hôm nay hy vọng có thể tìm ra được một công nghệ xử lý rác thải phù hợp với tình hình của Việt Nam hiện nay.

 14:57

Ông Võ Tiến Dũng, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Halcom Việt Nam:

Công ty CP Halcom Việt Nam đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực năng lượng xanh, cũng như đang phát triển dự án về năng lượng sạch, năng lượng bền vững như điện gió, điện mặt trời. Những năm gần đây, công ty bắt đầu mở rộng đầu tư sang dự án về xử lý rác thải, một phần là trách nhiệm doanh nghiệp với sự phát triển chung của đất nước, một phần đa dạng hóa danh mục đầu tư của công ty.

Đang diễn ra Tọa đàm trực tuyến “Công nghệ xử lý rác - Lựa chọn nào phù hợp” -0
Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Halcom Việt Nam Võ Tiến Dũng chia sẻ tại tọa đàm

Ở Việt Nam, hiện cũng có nhiều dự án nhen nhóm về phát triển công nghệ xử lý rác. Tuy nhiên, mới có 2 nhà máy chính thức đi vào hoạt động, một nhà máy ở Hà Nội, một nhà máy ở Cần Thơ. Họ cũng mới đi vào hoạt động được nửa năm nên khó đánh giá công nghệ đó có bảo đảm, phù hợp hay không, nhất là với rác ở Việt Nam không được phân loại, không có điều kiện độ ẩm giống như ở các nước khác.

Với chúng tôi, nhà đầu tư trong nước, mong muốn qua các hội thảo như thế này sẽ tìm được công nghệ hiện đại, phù hợp, bảo vệ môi trường, có thể phổ biến tới doanh nghiệp.

Trong quá trình làm việc suốt 23 năm qua, chúng tôi cũng đã có liên kết với công ty của Đức, Phần Lan, Nhật Bản, mong muốn tìm ra những công nghệ tốt nhất. Tuy nhiên, hiện tại chưa có công nghệ nào thực sự được áp dụng trực tiếp tại Việt Nam. Hiện nay, công nghệ plasma đang được thí điểm, hy vọng có thể nhân rộng trong tương lai.

Trả lời vào câu hỏi của nhà báo Nguyễn Quốc Thắng, công nghệ xử lý rác thải hiện nay là công nghệ phải bảo đảm bảo vệ môi trường đầu tiên, không gây ra sự dịch chuyển ô nhiễm từ nơi này sang nơi khác. Hiện nay, ở Việt Nam phổ biến là công nghệ san lấp, không phải là công nghệ xử lý rác thải, mà chỉ đưa rác thải từ chỗ này sang chỗ khác. Trong tương lai, nếu có vấn đề gì xảy ra với địa chất, nước mưa... có thể sẽ dẫn tới ô nhiễm về môi trường, ô nhiễm nguồn nước ngầm...

Công nghệ thứ hai đang được áp dụng ở Việt Nam là công nghệ ủ phân, nhưng cũng có vẻ chưa phù hợp lắm, vì quá trình này gây ra mùi, quá trình vận tải phân tới nơi cần có phù hợp hay không?

Do đó, chúng tôi mong muốn sẽ cùng tổ chức nhiều hơn nữa những hội thảo như thế này, trao đổi kinh nghiệm với các nước như Thái Lan, Trung Quốc, Ấn Độ - nơi có rác thải tương tự như Việt Nam- nhằm tìm ra công nghệ xử lý rác phù hợp với nước ta, từ đó, công ty sớm có những dự án về xử lý rác thải phù hợp nhất với thực tế.

 15:16

Ông Nguyễn Thượng Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường:

Tôi đồng tình với quan điểm của các đại biểu đã phát biểu tại Tọa đàm. Tuy nhiên, tôi cũng có quan điểm khác. Hiện nay, về mặt công nghệ, chúng ta cần quan tâm đến hai mặt, đó là những ưu điểm, nhược điểm của từng công nghệ cụ thể, bởi không có công nghệ nào đều là ưu điểm. Chúng ta phải khẳng định, mỗi một công nghệ đều có ưu và nhược điểm khác nhau. Tùy vào thành phần, tính chất của chất thải để chúng ta lựa chọn công nghệ phù hợp.

Đang diễn ra Tọa đàm trực tuyến “Công nghệ xử lý rác - Lựa chọn nào phù hợp” -0
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thượng Hiền chia sẻ tại tọa đàm

Thứ hai, liên quan đến áp lực về tốc độ đô thị hóa. Khi đời sống người dân được nâng cao, tốc độ phát triển kinh tế, xã hội nhanh tạo áp lực cho việc phân loại, xử lý rác thải từ các đô thị. Trong khi đó, việc phân loại chất thải sinh hoạt, chất thải ngầm tại nguồn chưa tốt. Đây là vấn đề khó tháo gỡ bậc nhất hiện nay ở các đô thị.

Tôi cho rằng, vấn đề về hạ tầng kỹ thuật và việc bố trí các địa điểm lưu giữ, thu gom rác thải phải phù hợp với các khu dân cư. Tiếp đó là việc lựa chọn công nghệ xử lý như thế nào cho phù hợp cũng đang là vấn đề cấp bách. Chúng ta nên lựa chọn các công nghệ xử lý khác nhau để phù hợp với tính chất, thành phần và điều kiện tự nhiên của các địa phương.

Các đại biểu cũng đã đề cập đến công nghệ đốt rác để phát điện. Tôi cho rằng, đốt rác và tạo điện một cách hiệu quả thì tối thiểu phải thực hiện phân loại rác một cách phù hợp trước. Phân loại rác có thể cháy được thì chắc chắn công nghệ chúng ta sử dụng đốt rác để thu hồi phát điện sẽ tốt hơn khi rác không phân loại.

Một thực trạng nữa mà cả khu vực đô thị và vùng nông thôn đang phải đối mặt là nhiều người dân đang xả rác bừa bãi và lượng rác xả ra không tỷ lệ thuận với lượng rác các nhà máy, đô thị, hộ gia đình xả ra. Hiện nay, chúng ta chỉ phải chi trả một khoản tiền nhất định theo hộ gia đình. Mặt khác, Luật Bảo vệ môi trường cũng đã có quy định rất rõ chúng ta không thực hiện việc phân loại rác tại nguồn hoặc xả rác quá nhiều thì chúng ta phải trả tiền nhiều hơn.

Tôi hy vọng rằng, đến 11.1.2025 việc phân loại rác tại nguồn được áp dụng trên phạm vi toàn quốc sẽ giảm được áp lực về vấn đề xử lý rác thải. Và chúng ta cần có lộ trình dài hơi cho các địa phương chuẩn bị các hạ tầng kỹ thuật liên quan đến thiết kế các điểm thu gom, lưu giữ, vận chuyển và trang bị các phương tiện như 3 loại thùng đựng chất thải theo đúng quy định của Luật Bảo vệ môi trường.

Đặc biệt, đối với chất thải sinh hoạt, chất thải thực phẩm của toàn bộ 63 tỉnh, thành chúng ta cũng cần chuẩn công nghệ để xử lý và lựa chọn công nghệ nào cho phù hợp thì cũng cần bàn thảo kỹ hơn…

 15:35

GS. VS Nguyễn Quốc Sỹ, Chủ tịch Viện Công nghệ VinIT:

Có thể nói, việc xử lý rác thải ở Việt Nam là khó nhất. Khó không chỉ ở phân loại, khó không chỉ ở độ ẩm cao, nhiệt lượng thấp, giá thành xử lý trên một tấn rác thấp so với khu vực. Và một trong những bài toán khó nhất hiện nay là việc ứng dụng công nghệ tiên tiến vào xử lý rác. Các nước phát triển như Đức, Na Uy… rác thải trên 1 tấn là 50-80klo/1 tấn, hàm lượng độ ẩm 20% còn ở Việt Nam lên đến 60-70%, trong khi công nghệ không có, hệ thống thu gom không phân loại tại nguồn. 

Đang diễn ra Tọa đàm trực tuyến “Công nghệ xử lý rác - Lựa chọn nào phù hợp” -0
Chủ tịch Viện Công nghệ VinIT GS. VS Nguyễn Quốc Sỹ chia sẻ tại tọa đàm

Thứ hai, xử lý rác phải cần có công nghệ, chúng ta không thể hô khẩu hiệu, bởi lẽ các nước khác có thể thực hiện chôn lấp khi họ có diện tích đất đai lớn như sa mạc, hoặc những vùng không có người ở thì có thể thành công với công nghệ chôn lấp. Nhưng với điều kiện ở Việt Nam dân số đông, khí hậu của chúng ta về lâu dài không cho phép sử dụng công nghệ chôn lấp.

Hiện, một công nghệ đang được thế giới chú ý là công nghệ plasma. Nó cũng có những nhược điểm nhất định, nhưng bảo đảm tiêu hủy triệt để rác thải không phân loại như của Việt Nam. Nhưng về vấn đề kinh tế, chuyển giao công nghệ … thì lại phải cân nhắc. Nếu đứng thuần túy về mặt công nghệ thì đó là công nghệ mà chúng ta có thể lưu tâm.

Thứ ba, về thói quen, tác phong sinh hoạt của người Việt, việc phân loại rác, thu gom gặp khó khăn hơn rất nhiều so với các nước khác. Đây không phải là vấn đề một sớm một chiều mà chúng ta có thể thay đổi được. Tới đây, nếu người dân không thực hiện phân loại rác thì sẽ bị xử phạt. Nhưng trong quá trình chưa xử lý được chúng ta phải có những bước đệm, lộ trình.

 15:41

Ông Nguyễn Linh Ngọc, Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường:

Việc lựa chọn công nghệ phù hợp ở đây có rất nhiều tiêu chí như: đốt sạch, đốt hết, đốt không để lại rác ở môi trường; hay đốt một phần, sử dụng những phương pháp khác xử lý phần còn lại... Vì vậy, chúng ta cần phải định nghĩa và có tiêu chí rõ ràng về vấn đề này. 

Đang diễn ra Tọa đàm trực tuyến “Công nghệ xử lý rác - Lựa chọn nào phù hợp” -0
Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Linh Ngọc chia sẻ tại tọa đàm

Tôi rất đồng quan điểm với ý kiến của GS. VS Nguyễn Quốc Sỹ, vấn đề về rác của chúng ta đến thời điểm này đã đến ngưỡng báo động đỏ. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta vẫn đang rất lúng túng về công nghệ xử lý, về chính sách và về giá thành.

Theo tôi, đầu tiên, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần phải tìm hiểu, nghiên cứu chính sách rõ ràng. Trong Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã nêu rõ, việc phân loại rác tại nguồn là việc cốt yếu và căn bản để xử lý rác thải.

Chúng ta không thể đổ lỗi cho thói quen hay do chưa có hạ tầng phù hợp mà chậm lại việc phân loại rác tại nguồn. Việc này cần phải được triển khai sớm nhất có thể. Nếu rác thải không được phân loại thì sẽ không thể trở thành tài nguyên. Vì vậy, chúng ta phải cương quyết giải quyết vấn đề này ở cả việc xây dựng chính sách hay vận động, tuyên truyền cho người dân.

Hiện nay, ý thức của người dân hoàn toàn có thể thay đổi. Đơn cử, tại hai xã Dục Tú, Liên Hà huyện Đông Anh, người dân đã phân loại rác tại nguồn rất tốt. Vì vậy, tôi đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu thêm chính sách về hạ tầng cơ sở để phân loại, thu gom rác tại nguồn. Sau khi đã phân loại, rác chính là tài nguyên thì hoàn toàn có thể xử lý được.

Còn đối với rác hiện nay đang tồn đọng tại các bãi rác tập trung, chúng ta bắt buộc phải xử lý. Bộ Tài nguyên và Môi trường cần phải có chính sách phù hợp cho vấn đề này. Theo tôi, chúng ta có thể áp dụng chính sách đổi đất lấy hạ tầng, nếu doanh nghiệp nào có thể xử lý hết rác thải tại các bãi chứa mà vẫn đảm bảo các yếu tố môi trường thì có thể khai thác phần đất sau khi xử lý.

Đi tìm một công nghệ nào để làm sạch lượng rác thải của chúng ta ngay lúc này thì cực kỳ khó khăn. Nhưng công nghệ hay chính sách phù hợp thì có thể trong thời gian ngắn giải quyết được vấn đề rác tồn đọng. Còn về tương lai lâu dài chúng ta vẫn bắt buộc phải phân loại rác tại nguồn.

15:51

Ông Nguyễn Quang Huân, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội:

Theo số liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường, 70% lượng rác ở nước ta đang xử lý theo hướng chôn lấp. Nhưng rất tiếc chỉ 2% trong số này được chôn lấp đúng cách, nghĩa là đúng tiêu chuẩn hợp vệ sinh, bãi rác phải thu được nước thải rác... Đây là một lý do mà trong Luật Bảo vệ môi trường 2020 không khuyến khích loại hình chôn lấp này nữa...

Đang diễn ra Tọa đàm trực tuyến “Công nghệ xử lý rác - Lựa chọn nào phù hợp” -0
Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Nguyễn Quang Huân chia sẻ tại tọa đàm

Thứ hai là sử dụng công nghệ xử lý rác thải để sản xuất biogas và phân bón khoáng hữu cơ như nhà máy xử lý rác thải ở Quảng Bình. Tuy nhiên, sử dụng công nghệ này đang gặp khó khăn, khó đứng vững được về tài chính và phân loại rác bằng tay nên cũng khá độc hại cho người lao động.

Công nghệ thứ ba phổ biến hơn, đó là xử lý rác hữu cơ thành phân compost, phân vi sinh. Công nghệ này cũng gặp khó bởi công tác phân loại rác chưa được thực hiện, thành ra bị lẫn kim loại nặng và chỉ phù hợp bón cho cây công nghiệp. Nếu bón cho cây nông nghiệp hoặc cây trồng bình thường có thể gây chết cây và ô nhiễm đất.

Bên cạnh đó, có một loại công nghệ nữa trong vài năm vừa qua sử dụng rất nhiều, đó là công nghệ đốt rác không phát điện. Công nghệ này rất gây ô nhiễm, tức là chỉ làm sạch rác dưới đất và xử lý cho lên không khí. Vì thế Bộ Tài nguyên và Môi trường phải ban hành Quy chuẩn Kỹ thuật Quốc gia QCVN 61-MT:2016/BTNMT về lò đốt chất thải rắn sinh hoạt, yêu cầu lò đốt rác phải đảm bảo kỹ thuật tối thiểu, loại bỏ lò đốt rác không đạt tiêu chuẩn. Tuy nhiên, quy chuẩn này cũng đang gây ra một số băn khoăn cho những công nghệ tiên tiến.

Còn công nghệ đốt rác phát điện mà các đại biểu đã đề cập, hiện có hai nhà máy ở Cần Thơ và ở Hà Nội vừa vận hành phát thử. Không biết Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có số liệu về khí thải của công nghệ này như thế nào, có đáp ứng được tiêu chuẩn của của Luật hay không?

Một công nghệ nữa là kết hợp biogas với phát điện và nguồn điện này có thể chỉ cần dùng sấy rác để tạo nguồn rác khô. Nhưng sau đó doanh nghiệp tạo ra các viên nhiệt trị để làm nguyên liệu đầu vào cho các cái dây chuyền sản xuất khác. Khí hóa các loại rác và sử dụng khí đấy làm nguyên liệu đầu vào làm nổ trực tiếp động cơ đốt trong.

Gần đây nhất Thông tư 02/2022/TT-BTNMT quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường, muốn áp dụng công nghệ đốt rác và phát điện thì phải khuyến khích phân loại được rác. Tuy nhiên, cũng có độ trễ trong quá trình triển khai truyền thông, vận động người dân thực hiện khâu phân loại ngay từ đầu nguồn.

Theo tôi được biết, một số nhà máy cũng đốt rác phát điện nhưng lượng tro xỉ chôn lấp lên tới 25%, chưa kể từ 5% khí bụi bay ra ngoài… Vậy nhà máy xử lý được bao nhiêu? Khi tỷ lệ xử lý không đáng kể sẽ ảnh hưởng đến tài chính của doanh nghiệp bởi phát ít điện quá, hoặc sản xuất được lượng phân compost ít. Khi vấn đề tài chính không bảo đảm, nhà máy đóng cửa thì rác thải lại ùn ứ, lại phải chôn lấp!?

Trong tháng 8 hoặc tháng 9 tới đây, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường sẽ chủ trì phiên giải trình chất thải rắn toàn quốc theo nhiệm vụ Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao. Hiện Ủy ban đã tiến hành khảo sát ở các địa phương, sắp tới sẽ làm việc các bộ, ban, ngành để có báo cáo cụ thể, tìm ra lý do là tại sao chúng ta chưa xử lý được rác thải triệt để và lựa chọn công gì cho phù hợp. Lúc đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ có ý kiến cụ thể hơn.

 16:01

Nhà báo Nguyễn Quốc Thắng: Từ năm 2000 đến nay đã có nhiều phương pháp, công nghệ xử lý rác thải sinh hoạt do các đơn vị trong nước và trên thế giới được áp dụng tại Việt Nam, năng lực, hiệu quả xử lý ngày càng được nâng cao, ô nhiễm môi trường do rác thải sinh hoạt ngày càng giảm. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại nhiều bất cập do điều kiện của Việt Nam có nhiều khác biệt đối với các nước trên thế giới. Vì vậy, yêu cầu về công nghệ xử lý rác thải phù hợp với điều kiện Việt Nam nhưng vẫn bảo đảm tính tiên tiến, thỏa mãn các yêu cầu về kĩ thuật công nghệ, về hiệu quả kinh tế và hiệu quả môi trường ngày càng trở nên cấp thiết. Và công nghệ có phải là “điểm nghẽn” trong xử lý rác thải hiện nay không là một câu hỏi được nhiều cử tri quan tâm?

 16:03

Ông Võ Tiến Dũng, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Halcom Việt Nam:

Trả lời câu hỏi chủ đề "Công nghệ có phải điểm nghẽn trong xử lý rác không?", tôi nghĩ là không. Vì chúng ta đã có đủ các loại công nghệ để xử lý các loại rác, cho nên nếu rác không đốt được, không làm phân được, không khí hóa được, thì có thể chôn lấp. Nếu rác đó là rác hữu cơ, có thể dùng làm phân bón, biomass, nếu đốt được có thể đốt phát điện, hoặc có thể làm hạt Abs sử dụng cho các nhà máy làm xi măng hoặc các nguồn phát sinh điện thứ cấp khác.

Đang diễn ra Tọa đàm trực tuyến “Công nghệ xử lý rác - Lựa chọn nào phù hợp” -0

Trên thế giới cũng như ở Việt Nam, có nhiều công nghệ phù hợp xử lý rác. Nhưng khó khăn nhất ở đây là cơ chế và giá thành. Ở các nước châu Âu, mất khoảng 45 – 60 USD để xử lý 1 tấn rác. Ở Việt Nam hiện nay, khoảng 390 – 450 nghìn đồng (tương đương 17 - 20 USD)/ 1 tấn rác. Chúng ta phải nhập khẩu công nghệ với giá đắt hơn về logistic vì phải vận tải về Việt Nam, nhưng lại xử lý rác với giá thấp hơn. Do đó, tính hiệu quả mới là điểm nghẽn của các nhà máy xử lý rác hiện nay.

Về câu hỏi "Công nghệ nào có thể áp dụng tại Việt Nam?". Hiện, chúng tôi đang liên kết với đối tác của Đức để có thể áp dụng công nghệ tối ưu hóa năng suất, là công nghệ khá tiên tiến của Đức. Hiện tại, có khoảng 16 nhà máy khác nhau được xây dựng ở Đức, Thái Lan, Trung Quốc, Ấn Độ - những nơi có đặc điểm về rác khá giống với Việt Nam là chưa phân loại. Công nghệ này có điểm đặc biệt là, ngoài phần tạo thành biomass, nhiệt lượng biomass có thể dùng để đốt và sấy rác, để chuyển thành dạng vật liệu mới là hạt Abs. Nếu như các nhà máy này được đặt ở khu vực có nhiều nhà máy xi măng, nhà máy nhiệt điện thì vô cùng tốt, vì có thể thay thế than trong quá trình sản xuất xi măng, hay sản xuất điện. Ngoài ra, công nghệ này có thể thu hồi được hạt nhựa, kim loại lẫn trong rác, có thể làm phân bón phục vụ nông nghiệp. Đó là công nghệ mà chúng tôi nghĩ khá phù hợp với tình hình rác thải lẫn lộn ở Việt Nam.

Ngoài ra, chúng tôi cũng lưu tâm các công nghệ khác như công nghệ plasma – tiêu hủy hoàn toàn. Nếu công nghệ đó có giá thành phù hợp thì tôi cũng mong muốn hợp tác để có nghiên cứu sâu hơn trong quá trình thực hiện dự án sau này. Một số công nghệ khác của đối tác Phần Lan, Mỹ, Nhật Bản, chúng tôi cũng đang xem xét. Tuy nhiên, rác ở các nước này khác với rác ở Việt Nam, nên tôi thấy chưa thật sự phù hợp. Trong tương lai, 5 – 7 năm nữa, khi chúng ta phân loại rác triệt để thì có thể áp dụng công nghệ đó tốt hơn.

 16:18

Ông Nguyễn Quang Huân, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội:

Tôi cho rằng, Bộ Khoa học và Công nghệ kết hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường cần có những hướng dẫn cụ thể cho các địa phương về các loại tiêu chí công nghệ. Công nghệ nào áp dụng trong bối cảnh chúng ta chưa phân loại rác tại nguồn như hiện nay, hoặc là có địa phương đã phân loại rồi nhưng do điều kiện hạ tầng trong quá trình trung chuyển, vận chuyển lại phải trộn lẫn. Để xử lý được, việc đầu tiên công nghệ phải đáp ứng được, đó chính là phải phân loại được rác theo tinh thần của Thông tư 02 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Tọa đàm trực tuyến “Công nghệ xử lý rác - Lựa chọn nào phù hợp” -0

Tiêu chí thứ hai là phải chế biến thành các sản phẩm có thể tiêu thụ được trên thị trường và thân thiện với môi trường. Hoặc là bán điện, hoặc tạo ra khí gas dùng sản xuất điện, viên RDF hay tạo ra phân vi sinh... gì cũng được. Vì nếu tạo ra các sản phẩm xanh không tiêu thụ được thì sẽ gây lãng phí nguồn lực của xã hội… Không tiêu thụ được lại mang ra chôn lấp thì còn nguy hiểm vô cùng. Với doanh nghiệp, khi không tiêu thụ được thì ảnh hưởng đến khả năng đứng vững về mặt tài chính dẫn đến nhà máy phải đóng cửa, rác lại không có nơi để xử lý…

Tiêu chí thứ ba là nếu doanh nghiệp đã đốt rác mà lại làm ô nhiễm môi trường thì phải tuyệt đối cấm. Thực tế có nhà máy thu hồi được khí độc rồi nhưng không có biện pháp xử lý mà mang đi chôn lấp thì lại gây ô nhiễm sang nguồn nước ngầm, nguồn đất. Điều này cũng nguy hiểm không kém gì nước rỉ rác chảy tự do.

Còn tiêu chí nữa là lượng tro xỉ mang chôn lấp cần phải giới hạn khối lượng, chứ không thể lên tới 25-30% thì không còn gì xử lý. Rác chúng ta độ ẩm đến 70%, cho bay hơi 50%, còn 50% mà lại mang chôn lấp 30% thì xử lý thực chất còn được 20% là không đúng với tinh thần Nghị quyết 55 - biến rác thành tài nguyên. Nếu lượng rác chôn rác lớn quá thì có thể phải giới hạn, mà giới hạn bao nhiêu là việc mà các cơ quan chức năng phải nghiên cứu thêm. 

Về nước rỉ rác, việc chôn lấp hợp vệ sinh chúng ta phải xử lý. Nhưng hiện nay khi lưu trữ rác mà không xử lý được ngay thì lượng nước rỉ rác lại phát sinh. Thí dụ có những công nghệ mà tôi biết phải ủ 7 ngày, 10 ngày trước khi đưa vào lò đốt thì tiếp tục sinh ra nước rỉ rác, vậy thì công nghệ có thu được triệt để và xử lý triệt để hay không? Chưa kể tính hiệu quả trong quá trình xử lý, ví dụ nhiệt trong lò cao như thế nhưng mà lại không thu hồi được mà để tỏa ra tự do thì điều này cũng gây lãng phí.

Vừa rồi Quốc hội đã ban hành hai Nghị quyết 16 và Nghị quyết 32, dựa trên Tờ trình của Chính phủ và căn cứ vào tình hình thực tế, đã đưa ra một tiêu chí là thu gom và xử lý. Nhưng thực tế chúng ta mới đề cập  nhiều về vấn đề thu gom, còn xử lý hợp vệ sinh còn cả một quá trình.

Gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 888 về đạt chỉ tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, đây là thách thức rất lớn. Nhưng nếu chúng ta không làm thì cũng ảnh hưởng đến chỉ tiêu chung phát thải ròng bằng 0 hay là thu gom và xử lý 90% rác thải vào năm 2025… Quy hoạch tổng thể quốc gia 2021-2030 cũng đưa ra chỉ tiêu là đến 2025 chúng ta sẽ giảm số lượng rác chôn lấp chỉ còn xuống 30% từ tỷ lệ hiện nay đang 70%. Để thực hiện được các chỉ tiêu này, cùng với Quốc hội, Chính phủ, người dân cũng phải quyết tâm thì mới làm được. Nếu chúng ta còn bị nghẽn ở việc chọn công nghệ nào, chính sách chưa rõ ràng thì việc thu hút đầu tư của tư nhân tham gia vào xử lý vấn đề này sẽ rất khó khăn.

 16:28

Ông Nguyễn Thượng Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường:

Về cơ bản, hiện nay hệ thống các văn bản pháp luật, quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn, tiêu chí về phân loại, vận chuyển và xử lý rác đã khá đầy đủ.

Tọa đàm trực tuyến “Công nghệ xử lý rác - Lựa chọn nào phù hợp” -0

Trên cơ sở quy định của Luật Bảo vệ môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cơ bản đã ban hành đầy đủ các văn bản pháp luật như: Trình Chính phủ ban hành Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, trong đó có các quy định về xử lý chất thải; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã ban hành các văn bản như tiêu chí về công nghệ xử lý rác thải sinh hoạt…

Nghị định số 08/2022/NĐ-CP đã quy định rất rõ về cơ chế, ưu đãi đối với các nhà đầu tư tham gia vào công tác bảo vệ môi trường nói chung và xử lý rác thải nói riêng. Trong đó, các danh mục về đầu tư, tái chế chất thải rắn, chất thải nguy hại, chất thải sinh hoạt, chất thải công nghiệp thông thường, chất thải công nghiệp cần kiểm soát…

Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đang thực hiện và dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ để tháng 11. 2022 có thể ban hành Quy hoạch về bảo vệ môi trường quốc gia. Trong đó, Quy hoạch cũng có những quy định về nội dung quản lý chất thải trong quy hoạch của các tỉnh, thành. Chúng ta đang bàn về vấn đề lựa chọn công nghệ xử lý rác thải, thì trước hết chúng ta cũng cần có quy hoạch về các điểm thu gom, tập kết, trung chuyển, vận chuyển rác thải,… và vị trí đặt các nhà máy xử lý rác thải. Đây cũng là các vấn đề quyết định trong việc lựa chọn công nghệ xử lý rác thải cho phù hợp.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đang tiến hành lấy ý kiến các Bộ, ngành để ban hành Bộ tiêu chí phân loạt chất thải tại nguồn. Dựa trên các quy định hiện hành và điều kiện tự nhiên, kinh tế cùng Bộ tiêu chí này, các địa phương có thể đưa ra sự lựa chọn công nghệ xử lý rác thải phù hợp. Các tỉnh, thành sẽ là đơn vị quyết định lựa chọn công nghệ nào cho việc xử lý rác ở địa phương mình…

Hiện nay đã có các quy chuẩn về xử lý rác thải, nước rỉ rác đã có quy định được ban hành từ năm 2009 đối với bãi chôn lấp rác thải hợp vệ sinh. Việc đốt chất thải rắn sinh hoạt đang được áp dụng theo Quy chuẩn 61, hiện nay Bộ Tài nguyên và Môi trường đang có những sửa đổi, bổ sung cho phù hợp điều kiện hiện tại.

Đối với một số công nghệ mà Việt Nam chưa từng có, chưa áp dụng thì chúng ta áp dụng đúng theo quy định của nước đang phát triển, khi đưa công nghệ đó vào Việt Nam. Do đó chúng ta không lo về việc không có quy định, quy chuẩn phù hợp cho các công nghệ mới.

Tiếp đó, đối với tiêu chí về các công nghệ xử lý rác, chúng ta cần tuân thủ nghiêm các quy định của Luật Bảo vệ môi trường và Thông tư 02 của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Hiện nay, để áp dụng công nghệ xử lý rác ở Việt Nam cần bảo đảm 3 nội dung là bảo đảm về công nghệ, môi trường, xã hội (đáp ứng được các tiêu chuẩn, quy chuẩn, sự hài lòng của người dân...) và kinh tế (giá thành phù hợp). Công nghệ xử lý phù hợp cần đáp ứng đầy đủ 3 nội dung nói trên. Nếu chúng ta xử dụng công nghệ chỉ đáp ứng được một hoặc 2 nội dung thì công nghệ đó chưa phải tối ưu. Ví dụ, công nghệ xử lý tốt, bảo đảm yếu tố về môi trường, xã hội nhưng địa phương không chi trả nổi chi phí thì công nghệ đó cũng là “thất bại”. Hay công nghệ đó rẻ, môi trường tốt nhưng không phù hợp với phân loại rác thải ở địa phương đó thì chúng ta cũng không thể lựa chọn áp dụng… Do đó, công nghệ áp dụng phải có giá phù hợp, đáp ứng được các tiêu chuẩn, quy chuẩn, sự hài lòng của người dân và đúng ứng được các điều kiện tự nhiên của chính địa phương áp dụng công nghệ đó.

Mặt khác, các công nghệ xử lý rác được áp dụng cũng cần tuân thủ đúng quy định pháp luật về chuyển giao công nghệ. Theo đó, cũng có các quy định rõ về trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương hữu quan… Riêng với công nghệ xử rác thải sinh hoạt, hiện nay chủ yếu thuộc thẩm quyền của UBND các tỉnh, thành phố, Sở Khoa học và Công nghệ các tỉnh, thành phố sẽ đánh giá về tiêu chí pháp luật về chuyển giao công nghệ.

Đối với việc phân cấp quản lý về bảo vệ môi trường, chúng ta cũng đã có các quy định rõ ràng, 500 nghìn tấn/ngày thuộc thẩm quyền phê duyệt đánh giá tác động môi trường thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, dưới 500 nghìn tấn/ngày thì đánh giá tác động môi trường thuộc thẩm quyền phê duyệt của UBND các tỉnh, thành…

Rõ ràng, vướng mắc ở đây không phải vấn đề công nghệ mà vấn đề là chúng ta lựa chọn công nghệ nào cho phù hợp với điều kiện kinh tế, tự nhiên, môi trường từng địa phương. Trong đó, vấn đề đặc biệt được quan tâm là lượng tài chính chi trả cho công nghệ, khả năng triển khai ứng dụng có khả quan, hiệu quả không,…

 16:40

Ông Nguyễn Cao Trí, Giám đốc Phát triển Dự án, Công ty WELLE Việt Nam:

Trước hết, tôi xin được giới thiệu công nghệ MYT là công nghệ từ Đức, vùng Kahlenberg, đặc điểm của công nghệ này là áp dụng cho rác thải không phân loại. Họ làm tốt đến mức, cư dân tại vùng Kahlenberg được cơ chế ưu đãi đặc biệt của Chính phủ là không cần phải phân loại rác và các nhà máy này đã hoạt động trên 15 năm. Nhà máy thí điểm 300 tấn/năm và sau đó là đã mở rộng rất nhanh, lên 20.000 tấn và nhà máy thực tế là 120.000 tấn/năm, hiện tại vẫn đang hoạt động.

Tọa đàm trực tuyến “Công nghệ xử lý rác - Lựa chọn nào phù hợp” -0

Tiếp theo, những dự án đã được sử dụng công nghệ MYT ở Đức, Pháp, Thái Lan và Trung Quốc. Dự án mới nhất năm 2021 ở Indonesia với công suất là 2.400 tấn/ngày. Dự án này đang triển khai xây dựng và được Tập đoàn WELLE thắng thầu trực tiếp thông qua đấu thầu quốc tế với Chính phủ Indonesia.

Hiện tại, trên thế giới, khi phân loại công nghệ xử lý rác, công nghệ MYT đang nằm ở cấp độ bốn, cấp độ từ trên xuống dưới. Thứ nhất là chôn lấp, bỏ hoàn toàn, không có tái sử dụng; tiếp theo là tiêu hủy, công nghệ thiêu đốt ở Việt Nam trong giai đoạn từ cấp độ 2 - cấp độ 3. Trước khi đốt trực tiếp, cũng có một giai đoạn phân loại sơ bộ bằng tay để lọc ra những vật liệu có thể tái chế được để đem bán; cấp độ cao nhất là công nghệ hiện nay. Đây không phải là công nghệ độc quyền trên thế giới mà có những công nghệ khác tương tự.

Về độ phù hợp cho Việt Nam, tôi cho rằng công nghệ này khá phù hợp. Ngoài ra, nếu sử dụng công nghệ MYT không đốt trực tiếp, mà đốt khí ga nên hoàn toàn không có tro bay và tro đáy. Về vấn đề kiểm soát mùi hôi, phụ thuộc vào kỹ sư. Nếu như nhà máy được kiểm soát tốt, có che chắn, có hệ thống hút mùi, khử mùi thì hầu như mùi hôi được kiểm soát một cách triệt để. Về xử lý nước rỉ rác và tuần hoàn nước thải thì cần rất nhiều tiền đầu tư để xử lý nước và nước rỉ rác,...

Đối với công nghệ MYT, nước rỉ rác lại được xem là nguồn tài nguyên để tái sử dụng. Lý do là trong nước rỉ rác thì có rất nhiều thành phần dinh dưỡng. Đây là quá trình bắt chước quá trình tiêu hủy rác ở tự nhiên nhưng được kiểm soát về độ ẩm và nhiệt trị.

Về chỉ số hoàn vốn của các dự án, công nghệ thông thường nhỏ hơn 15%, lý do là chi phí đầu tư của công nghệ đốt khá cao, đặc biệt chi phí về chôn lấp và tiền xử lý, trong khi công nghệ MYT những dự án mà chúng tôi đã đầu tư thì đều phải trên 14% mới được xác định là hiệu quả về công nghệ để đầu tư. Về phần diện tích đất sử dụng tổng thể của công nghệ đốt cao là do tỷ lệ chôn lấp cao, các nhà máy chỉ cần 2ha – 3ha là đã đủ xây dựng rồi. Nhưng do một dự án hoạt động 20 năm thì phải cần rất nhiều đất để lưu trữ những tro xỉ này. Công nghệ MYT không có chôn lấp gì cả.

Hiện tại, toàn bộ quy trình MYT gồm 5 bước, nhưng tùy vào điều kiện của khu vực dự án có nghĩa là diện tích hiện hữu, tính chất rác, khả năng chi trả của chính quyền địa phương cũng như là các đối tác mà có thể tùy biến quy trình này thành ba bước hoặc bốn bước.

Bước đầu tiên, rác không phân lại sẽ được chuyển đến và được phân loại sơ bộ để tách ra những rác có khối lượng lớn giống như rác thải xây dựng (gạch, đá, cát) mà không có giá trị, sau đó rác thải được xử lý bằng quá trình cơ học và sinh học để nhằm mục tiêu phân loại rác và tạo ra những vật liệu có thể tái sử dụng được giống như kim loại, rồi những chất hữu cơ, những thành phần hữu cơ sẽ được xử lý bằng quá trình phân hủy tự nhiên để tạo ra khí Biogas - sử dụng để phát điện. Bước cuối cùng là sấy khô sinh học. Đây là quá trình bắt chước tự nhiên để làm khô rác thải, để tạo ra những viên nén RĐF.

Như Dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại Trung tâm quản lý chất thải rắn On – nut, Thái Lan. Thành phần rác của Thái Lan khá tương đồng với ở Việt Nam. Họ cũng có khoảng 50% là rác thải hữu cơ. Thành phần nhựa và giấy của họ chiếm khoảng là 30% - 35%. Ngoài ra, cũng có một phần lớn những thành phần mà không thể đốt được.

Theo bảng mô tả cân bằng khối lượng của các dự án, thứ nhất nó tạo ra 800 tấn thì nó tạo khoảng 300 tấn nhiên liệu thay thế được bán trực tiếp cho một công ty Xi- măng. Ngoài ra, khí Biogas tạo ra khoảng 4.45/ngày để thứ nhất là vừa sử dụng; Thứ hai là bán lên lưới điện cho Thái Lan; Thứ ba là những kim loại cũng được tách ra hoàn toàn khoảng 12 tấn/ ngày.

Qua đó có thể thấy nguồn thu của dự án gồm 3 nguồn chính:  Thứ nhất là điện - được bán cho Nhà nước để thu tiền về. Thứ hai là nhiên liệu RĐF, bán trực tiếp cho công ty Xi- măng hoặc nhiệt điện thì RĐF hiện tại để sử dụng thay thế cho than đá. Thứ ba là nguồn thu từ việc xử lý chất thải hỗ trợ từ Nhà nước. Ba nguồn thu đó sẽ giúp cho dự án được hoạt động ổn định. Như vậy, với góc nhìn của nhà đầu tư, điều này khá là rủi ro.

 16:53

GS. VS Nguyễn Quốc Sỹ, Chủ tịch Viện Công nghệ VinIT:

Về công nghệ MYT, thực tế nhiệt trị thấp hơn 3 lần so với số liệu mà ông Nguyễn Cao Trí đưa ra. Thứ hai, về mặt công nghệ thì vi sinh phân hủy rất chậm ảnh hưởng đến quá trình phát điện công nghiệp.

Tọa đàm trực tuyến “Công nghệ xử lý rác - Lựa chọn nào phù hợp” -0

Còn về công nghệ plasma, những băn khoăn của các đại biểu hôm nay là sử dụng công nghệ cao tuy xử lý triệt để nhưng giá thành rất cao. Trong khi hiện nay công nghệ chúng ta chưa có gì. Vậy, với giá thành cao như hiện nay chúng ta có thể tiếp cận được công nghệ plasma hay không?

Về xử lý rác thải chúng tôi tập trung nghiên cứu, ứng dụng dựa trên những nền công nghệ mà chúng tôi đang có để phát triển tiếp tại Việt Nam. Cốt lõi của công nghệ này là dùng một dòng plasma nhiệt ở nhiệt độ cao để đáp ứng được các yêu cầu tiêu chí về môi trường. Và làm thế nào để có tính thương mại, có lợi nhuận cho các nhà đầu tư.

Tôi xin giới thiệu 2 công nghệ đó là công nghệ khí hóa plasma và công nghệ thiêu kết plasma. Với công nghệ khí hóa plasma là công nghệ biến carbon hidro trong chất thải thành khí tổng hợp. Chúng tôi tạo ra khí này rất nhanh mà không phải dùng vi sinh.

Thực chất ở Việt Nam không có công nghệ plasma, công nghệ plasma của thế giới hiện đại là chưa hoàn thiện. Lý do thứ nhất hệ thống đầu phát của công nghệ plasma mà thế giới hiện nay đang dùng là đầu DiC, có tuổi thọ nhỏ, hệ số kém. Còn đầu chúng tôi đang dùng là đầu IC 3 pha, thời gian làm việc cao hơn.

Về thuận lợi của công nghệ này đó là công nghệ khí hóa ở nhiệt độ cao (T> 1.700°C) giúp phân hủy triệt để các chất thải hữu cơ và vô cơ, không thải ra các chất độc hại như Dioxin và Furans; Công nghệ kỵ khí (nghèo oxy) trong đó năng lượng sử dụng cho phản ứng không dựa trên quá trình oxy hóa C và H thông thường mà từ dòng plasma;  Hệ số khí hóa lớn (lên đến 93% -95%); Hàm lượng tro, xỉ thải ra môi trường thấp. Các thành phần thủy tinh hóa có thể được sử dụng để sản xuất tấm bê tông tường chắn sóng; Là công nghệ duy nhất có khả năng xử lý triệt để chất thải nhựa, nylon, lưu huỳnh và các tạp chất nhiễm độc (thủy ngân, cadimi, chì, xenon, cyan, rác thải điện tử,…) do không có khả năng phân loại thành chất thải rắn sinh hoạt tại Việt Nam. Đảm bảo tất cả các chỉ tiêu môi trường nghiêm ngặt nhất như G7, EURO6; Không cần phân loại chất thải, chỉ cần phân loại trước để loại bỏ các mảnh vụn, gạch, đá, kim loại.

Về công nghệ thiêu kết plasma có thuận lợi là hệ thống đèn pin Plasma của VinIT có nguồn nhiệt tập trung với nhiệt độ lên tới 7000-10000 K giúp phân tách các phân tử phức tạp và độc hại thành các phân tử đơn giản, không độc hại, không sinh Dioxin và Furan; Nguồn nhiệt plasma cho phép thủy tinh hóa các hóa chất độc hại và chất thải; Hàm lượng tro, xỉ thải ra môi trường thấp. Thành phần xỉ ở dạng thủy tinh có thể chôn lấp và lưu giữ lâu dài mà không ảnh hưởng đến môi trường; Công nghệ tiên tiến xử lý chất thải độc hại, chất thải nguy hại, chất thải y tế, chất thải công nghiệp, chất thải nhiễm kim loại nặng như Thủy ngân, Cadmium, Chì, Xenon, Cyan, rác thải điện tử v.v... VinIT sở hữu toàn bộ quy trình công nghệ từ nghiên cứu, thiết kế đến chế tạo, lắp ráp, vận hành và đào tạo, cung cấp dịch vụ bảo dưỡng, suất đầu tư thấp, thời gian thu hồi vốn nhanh từ 5-7 năm, phù hợp với điều kiện Việt Nam.

 17:15Nhà báo Nguyễn Quốc Thắng: Thưa ông Nguyễn Văn Thiền, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Nước - Môi trường Bình Dương, là doanh nghiệp trong lĩnh vực xử lý rác thải tại Bình Dương, ông có thể cho biết đã gặp phải những khó khăn, vướng mắc nào trong quá trình hoạt động kinh doanh ?

Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Nước - Môi trường Bình Dương Nguyễn Văn Thiền:

Công ty Cổ phần Nước - Môi trường Bình Dương được UBND tỉnh Bình Dương giao nhiệm vụ xử lý rác thải cho địa phương từ năm 2004.

Tọa đàm trực tuyến “Công nghệ xử lý rác - Lựa chọn nào phù hợp” -0
Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Nước - Môi trường Bình Dương Nguyễn Văn Thiền chia sẻ tại tọa đàm

Công nghệ xử lý rác đã thay đổi theo thời thời gian. Đặc biệt là trong 2 năm gần đây, đơn vị đã đầu tư công nghệ xử lý rác thải thành phân hữu cơ. Đơn vị đã đốt rác thải và tách các chất hữu cơ trở thành phân. Tro xỉ trong quá trình xử lý được sử dụng sản xuất thành sản xuất gạch và bê tông. Tuy nhiên, với dây chuyền của đơn vị hiện hiệu suất sản xuất chỉ đạt 30%. Phân thành phẩm phải đăng ký qua Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để đưa ra thị trường. Hiện nay, nhiều diện tích lúa hữu cơ và cây ăn trái tại địa phương đã chấp nhận sử dụng sản phẩm phân hữu cơ. Có thể thấy việc xử lý rác thải thành phân bón hữu cơ đã giảm thiểu tối đa thời gian chôn lấp. Đặc biệt là giải quyết được mùn hữu cơ trong nhà máy xử lý rác thải. Tuy nhiên, việc cạnh tranh với phân bón vô cơ cũng như các loại phân bón hữu cơ khác trên thị trường hiện gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt là việc cạnh tranh về giá bán, do đó tôi đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần nghiên cứu ra cơ chế chính sách đặc biệt hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư nhà máy xử lý rác thải thành phân hữu cơ cũng như giá bán khi đưa ra thị trường. Đồng thời, có khung giá và ưu đãi điện thành phẩm của việc xử lý rác thải giống như điện mặt trời.

Đối với việc xử lý rác thải thành gạch, việc bền màu các loại gạch này đã gây bất cập cho hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. Các đơn vị phải lựa chọn nghiên cứu màu sử dụng ổn định trong nhiều năm. Do đó đã kéo giá thành sản phẩm cao hơn với gạch nung thông thường. Hiện doanh nghiệp đang đau đầu với bài toán cạnh tranh sản phẩm khi chưa có thuyết phục người tiêu dùng được về giá bán sản phẩm. Tôi đề nghị cơ quan chức năng cần nghiên cứu cơ chế hỗ trợ công nghệ cũng như giá bán của sản phẩm.

Về vấn đề vốn, hiện tại chúng ta đã hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp tham gia xử lý rác thải. Tuy nhiên việc vay nguồn vốn chỉ hạn chế định mức 50 tỷ. Nhiều dự án đầu tư hiện nay cần kinh phí thực hiện ít nhất 300 tỷ. Các ngân hàng hiện nay đều đỏi hỏi các nguồn tài sản thế chấp nhưng việc đáp ứng rất là khó khăn. Bên cạnh đó, các địa phương thường trả tiền xử lý rác vào cuối năm. Việc này rất bất cập, doanh nghiệp phải thực hiện hoạt động từ đầu năm nhưng đến cuối năm mới nhận được tiền. Do đó, doanh nghiệp không có tiền để trả tiền lương cho nhân viên dẫn tới tình trạng nợ lương 2-3 tháng, doanh nghiệp rơi vào tình trạng không có nguồn để trả lương. Do vậy, cần có sự nghiên cứu sâu về cơ chế thanh toán hợp đồng để hỗ trợ hoạt động sản xuất của doanh nghiệp xử lý rác thải.

 17:30Nhà báo Nguyễn Quốc Thắng: Thưa ông Indronil Sengupta, Chủ tịch Việt Nam của Hội đồng kinh doanh ASEAN - Ấn Độ, ông có chia sẻ gì về việc lựa chọn công nghệ xử lý rác tại Việt Nam, hướng tới mục tiêu phát triển xanh, bền vững?

Chủ tịch Việt Nam của Hội đồng kinh doanh ASEAN - Ấn Độ Indronil Sengupta:

Công ty Cổ phần Nước - Môi trường Bình Dương được UBND tỉnh Bình Dương giao nhiệm vụ xử lý rác thải cho địa phương từ năm 2004.

Tọa đàm trực tuyến “Công nghệ xử lý rác - Lựa chọn nào phù hợp” -0
Chủ tịch Việt Nam của Hội đồng kinh doanh ASEAN - Ấn Độ Indronil Sengupta chia sẻ tại tọa đàm

Hiện tại ở Việt Nam mới có bước đầu tiên công nghệ xử lý rác. Chính vì vậy, chúng ta cần có những hoạt động đầu tư công nghệ xử lý rác hợp lý. Tôi cho rằng, Việt Nam nên lựa chọn công nghệ đơn giản, điều này sẽ giúp giảm thiểu thời gian thích ứng nghiên cứu và sử dụng công nghệ. Việt Nam hiện đang gặp vướng mắc đó là chưa có việc phân thải rác tại nguồn. Điều này có nguyên nhân từ việc chưa truyền thông để thay đổi nhận thức từ người dân. Chúng ta cần có những hành động cụ thể để thay đổi nhận thức người dân trong việc phân loại rác thải từ nguồn, sau đó đầu tư thay đổi cơ sở hạ tầng xử lý rác.

Hiện nay, chưa có giải pháp xử lý rác thải bền vững. Trong vấn đề xử lý rác thải thành điện, trong quá trình hoạt động sẽ phát sinh ra những chất hóa học có thể ăn mòn hệ thống, đồng thời giảm hiệu suất của việc phát điện của máy móc. Bên cạnh đó, chúng ta không kỳ vọng việc xử lý rác thải biến thành điện để bán điện ra thị trường. Tuy nhiên, chúng ta có thể sử dụng điện để phục vụ sản xuất vật liệu cho lò xi măng, lò nung vôi. Đồng thời, không nhất thiết sử dụng một công nghệ để xử lý nhiều loại rác khác nhau. Cần lựa chọn loại công nghệ linh hoạt đặc biệt có công năng xử lý rác thải tại nguồn. Điện đầu ra trong quá trình xử lý rác thải có thể sử dụng phục vụ cho các loại hình xe công cộng tại các thành phố lớn, các địa phương có hệ thống giao thông phát triển. Tôi cũng đề xuất Việt Nam nên tập trung nghiên cứu 2 - 3 công nghệ và nội địa hóa đầu tư công nghệ trong tương lai để phục vụ việc xử lý rác thải.

ĐBND
#