Tình trạng cắt giảm lao động do thiếu đơn hàng có thể tiếp tục lan rộng

- Thứ Bảy, 27/05/2023, 16:49 - Chia sẻ

Nội dung này được đề cập trong báo cáo vừa được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội gửi Chính phủ, về tình hình cắt giảm lao động tại Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam. 

Không chỉ riêng Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam, thời gian qua, hàng loạt doanh nghiệp khác cũng phải cắt giảm lao động. 

Làn sóng cắt giảm lao động có thể tiếp tục lan rộng -0
Các ngành như dệt may, da giày đang phải chịu áp lực lớn do tình trạng thiếu đơn hàng vẫn tiếp diễn. Ảnh minh hoạ (Nguồn: ITN)

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nhận định, trong thời gian tới, các vấn đề về kinh tế, lạm phát, giá năng lượng, xung đột Nga - Ukraine... không được cải thiện thì nguy cơ cắt giảm lao động số lượng lớn sẽ tiếp tục diễn ra ở nhiều doanh nghiệp.

Mới đây, Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (hay còn gọi là Ban IV) thuộc Hội Đồng Tư vấn Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng vừa có báo cáo về kết quả khảo sát tình hình doanh nghiệp (ngày 26.5). Nghiên cứu cho thấy, có trên 71% doanh nghiệp dự kiến giảm quy mô lao động, trong đó có 22,2% dự kiến giảm trên 50% và TP Hồ Chí Minh, Bình Dương là 2 địa phương dự kiến giảm nhiều nhất.

Kết quả khảo sát cho thấy, doanh nghiệp đang trải qua bối cảnh đặc biệt khó khăn. Trong tổng số 9.556 doanh nghiệp tham gia khảo sát, có 82,3% doanh nghiệp dự kiến giảm quy mô, tạm ngừng kinh doanh hoặc ngừng kinh doanh trong các tháng còn lại của năm. Đáng chú ý, tỉ lệ doanh nghiệp ngừng kinh doanh, chờ giải thể là 10,9%, tỉ lệ tạm ngừng kinh doanh là 12,4%. Chỉ có 13,5% doanh nghiệp cho biết sẽ giữ nguyên quy mô.

Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân cho rằng, đây là con số đáng báo động và tương đồng với báo cáo của Tổng cục Thống kê khi 4 tháng đầu năm cả nước có có 77.000 doanh nghiệp rút khỏi thị trường, tăng 25.1% so với cùng kỳ 2022. Bình quân mỗi tháng có trên 19.000 doanh nghiệp rút khỏi thị trường.

Theo cơ quan nghiên cứu của Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân, các khó khăn, thách thức lớn nhất doanh nghiệp đang phải đối mặt là: Khó khăn về đơn hàng (59%); khó khăn trong tiếp cận vốn vay (51%); Thực hiện thủ tục hành chính và đáp ứng các quy định của pháp luật (45%); Nguy cơ hình sự hóa các giao dịch kinh tế (31%).

Trong số 7.333/9.556 doanh nghiệp còn hoạt động năm, cơ quan nghiên cứu cho biết có 71,2% dự kiến giảm quy mô lao động trên 5%, trong đó có 22,2% dự kiến giảm trên 50%. Tính theo địa phương, TP HCM có tỉ lệ doanh nghiệp dự kiến giảm trên 50% lao động cao nhất (25,8%), sau đó đến Bình Dương (24%). Bên cạnh đó, có 80,7% doanh nghiệp dự kiến giảm doanh thu trên 5%, trong đó tỉ lệ giảm trên 50% doanh thu là 29,4%.

Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân nhận định, có thể làn sóng sa thải người lao động sẽ tiếp diễn ở các tháng cuối năm 2023 do những khó khăn vĩ mô và nội tại của doanh nghiệp.

Trong bối cảnh khó khăn đó, doanh nghiệp cho biết sự hỗ trợ của chính quyền địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn khi có đến 84% doanh nghiệp đánh giá hiệu quả điều hành và hỗ trợ của chính quyền địa phương ở mức kém hiệu quả.

Trước thực trạng trên của doanh nghiệp, Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân đề xuất Thủ tướng chỉ đạo kéo dài thời hạn các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, bao gồm việc giảm 2% thuế giá trị gia tăng đến hết năm 2025 thay vì chỉ hết năm 2023.

Đồng thời, đẩy nhanh việc hoàn thuế cho doanh nghiệp tránh kéo dài như hiện nay. Một số cơ chế đặc biệt như cho phép doanh nghiệp được hoàn thuế trong vòng 3 tháng sau khi hoàn thành xuất khẩu đơn hàng...

Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân cũng đề xuất Thủ tướng nghiên cứu gói tín dụng ưu đãi cho các ngành, lĩnh vực sản xuất chủ lực, trong đó có những khoản mục dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Không siết tín dụng với các nhóm bất động sản liên quan đến xây dựng nhà ở xã hội, bệnh viện, trường học, hạ tầng sản xuất... Đồng thời, hạ lãi xuất cho vay để cứu cánh cho các doanh nghiệp đang gặp khó khăn

Tùng Dương
#