Sửa đổi Nghị định số 111 - tạo bệ đỡ cho CNHT
Theo Bộ Công Thương, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương đang xây dựng Nghị định sửa đổi Nghị định 111/2015/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển CNHT được ban hành từ năm 2015. Tuy nhiên, quá trình này cũng còn nhiều khó khăn, khi quan điểm của các Bộ, ngành trong nhìn nhận những vấn đề hỗ trợ cho doanh nghiệp đang còn khác nhau.
Cụ thể, bên cạnh việc mở rộng danh mục sản phẩm CNHT cho phù hợp với xu thế hiện nay, dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 111/2015/NĐ-CP đưa ra một điểm mà Bộ Công Thương đánh giá là cốt lõi của việc sửa đổi, đó là cấp bù lãi suất cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng chính sách, các cơ quan quản lý nhà nước khác cũng có lo ngại rằng chính sách này được ban hành sẽ có thể giống một số chương trình hiện nay đang được áp dụng chính sách tương tự nhưng gặp nhiều khó khăn trong triển khai thực hiện.
Liên quan đến nội dung này, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp Phạm Tuấn Anh bày tỏ, Nghị định 111/2015/NĐ-CP hướng đến là các doanh nghiệp sản xuất. “Việc nhà nước đứng ra hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn đầu của quá trình sản xuất là nuôi dưỡng nguồn thu, doanh nghiệp phải sản xuất, phải làm ra của cải cho đất nước mới có được doanh thu và mới được hưởng thuế thu nhập doanh nghiệp ở mức ưu đãi", ông Phạm Tuấn Anh phân tích, cho biết Bộ Công Thương vẫn kiên quyết và kiên trì sửa đổi, thuyết phục các cơ quan có liên quan để sớm trình lên Chính phủ trong thời gian sớm nhất.
Ngoài ra, khi Luật Công nghiệp trọng điểm được thông qua và ban hành thời gian tới, ngành công nghiệp chế biến chế tạo cũng như ngành công nghiệp hỗ trợ sẽ có được một hệ thống pháp lý vững chắc hơn để xây dựng các văn bản dưới luật phù hợp.
Bên cạnh các giải pháp chính sách, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức quốc tế và các doanh nhiệp FDI như Samsung, Toyota để triển khai các giải pháp nâng cao năng lực, mở rộng thị trường cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước, trong đó chú trọng xây dựng các khu, cụm công nghiệp liên kết ngành; tăng cường nguồn nguyên liệu trong nước phục vụ sản xuất, hạn chế phụ thuộc vào nhập khẩu; hoàn thiện các trung tâm hỗ trợ phát triển công nghiệp.
Đánh giá cao giải pháp này, bà Trương Thị Chí Bình -Tổng Thư ký Hiệp hội CNHT Việt Nam (VASI) cho rằng, những chính sách này nếu được thông qua đều rất đáng quý. Tuy nhiên, theo đại diện VASI, cần có những giải pháp về tài chính mạnh hơn nữa. “Muốn CNHT phát triển phải đầu tư mới với giá hợp lý. Lãi suất cho vay giảm nhưng vẫn còn rất cao, cộng thêm thị trường khó khăn thì dù có hỗ trợ cấp bù chênh lệch 3% cũng không có doanh nghiệp nào dám vay để đầu tư CNHT”, bà Bình nêu quan điểm và cho rằng, nếu không có giải pháp tài chính thực sự mạnh thì sẽ khó nhìn thấy sự thay đổi lớn của ngành CNHT Việt Nam.
Tuy nhiên, với những thay đổi của chính sách, cụ thể là Nghị định 111/2015/NĐ-CP của Bộ Công Thương cũng được nhiều địa phương, cộng đồng doanh nghiệp CNHT kỳ vọng sẽ tạo “cú hích” cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, tiếp cận nguồn vốn, nâng cao năng lực cạnh tranh...
Công nghiệp hỗ trợ - tạo giá trị gia tăng trực tiếp cho ngành công nghiệp
Trong tiến trình phát triển công nghiệp, nhất là đối với một quốc gia đang dịch chuyển nền kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa như Việt Nam hiện nay, công nghiệp hỗ trợ có vai trò nền tảng đối với các ngành công nghiệp nói riêng cũng như đối với cả nền kinh tế nói chung.
Trước hết, công nghiệp hỗ trợ là động lực trực tiếp tạo ra giá trị gia tăng cho ngành công nghiệp, giúp tăng sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp chính và đẩy nhanh quá trình công nghiệp hoá. Công nghiệp hỗ trợ là ‘bệ đỡ’ cho sự phát triển sản xuất công nghiệp, là nền tảng, cơ sở để sản xuất công nghiệp phát triển mạnh hơn. Chất lượng sản phẩm đầu ra cuối cùng của các sản phẩm công nghiệp phụ thuộc vào chất lượng của các sản phẩm chi tiết, linh kiện được sản xuất từ ngành công nghiệp hỗ trợ.
Nhờ công nghiệp hỗ trợ, năng lực cạnh tranh toàn cầu của ngành công nghiệp Việt Nam đã tăng 16 bậc trong vòng 10 năm, từ vị trí thứ 58 vào năm 2009 lên vị trí thứ 42 vào năm 2019 (theo xếp hạng của Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp -UNIDO), trở thành quốc gia có mức tăng hạng nhanh nhất trong các nước thuộc khu vực ASEAN, đã tiệm cận vị trí thứ 5 trong khu vực (chỉ thua Philippines 0,0015 điểm) và tiến gần hơn với nhóm 4 nước có năng lực cạnh tranh mạnh nhất trong khối ASEAN.
Ngành công nghiệp hỗ trợ được quan tâm thúc đẩy, tăng cường liên kết, đặc biệt là trong những ngành sản xuất chủ lực của Việt Nam như dệt may, da giày, điện tử, công nghiệp chế biến nông sản... Bước đầu hình thành hệ sinh thái công nghiệp hỗ trợ và gia tăng tỷ lệ nội địa hóa.
Ngành công nghiệp hỗ trợ còn có những đóng góp quan trọng trong sự ổn định kinh tế, xã hội, đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa. Khi các đơn vị sản xuất, doanh nghiệp tự sản xuất được các chi tiết, linh kiện sản phẩm, đồng nghĩa với việc không còn phải nhập khẩu để phục vụ cho xuất khẩu, từ đó sẽ có tác động hạn chế nhập siêu, tăng nguồn thu ngoại tệ, đồng thời giảm được tình trạng lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển tự động nó sẽ có tác động tăng tỷ lệ nội địa hóa, giảm giá thành sản xuất công nghiệp, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa.