Người khuyết tật giúp nhau sinh kế
Anh Nguyễn Hữu Hậu (Hải Phòng) với thể trạng khuyết tật vận động bẩm sinh, teo cơ, chân tay co quắp nhưng bằng khát vọng vươn lên sống tự lực đã giúp anh học và làm nghề mộc thành công, không chỉ giúp gia đình thoát nghèo mà còn đào tạo, tạo việc làm ổn định cho nhiều thế hệ học viên, gồm cả người lành và người khuyết tật.
Xưởng gỗ của anh Nguyễn Hữu Hậu không chỉ giúp bản thân và gia đình có thêm thu nhập, mà còn đào tạo, dạy nghề miễn phí cho biết bao thế hệ học trò có hoàn cảnh khó khăn, khuyết tật. Xưởng đã tạo việc làm ổn định cho rất nhiều mảnh đời kém may mắn. Cùng với sự phát triển của xã hội, anh Hậu đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng đầu tư 2 dàn máy CNC điêu khắc tự động. Nhờ có máy móc mà công việc trở nên thuận lợi và đỡ tốn sức người hơn.
Là một người khuyết tật với ý chí nghị lực vươn lên, anh Hậu được nhiều khách hàng tin yêu, công việc của anh ngày càng thuận lợi. Hiện nay, Hậu đã mở thêm 2 xưởng mộc tại huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La nhằm tìm kiếm và đào tạo nghề cho người khuyết tật ở đây, đặc biệt là các bạn trẻ dân tộc thiểu số nhằm giúp họ có được sinh kế lâu dài.
Bên cạnh đó, còn có các chương trình thiện nguyện cho người già, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn ở các tỉnh Tây Bắc, Đông Bắc, vùng sâu, vùng xa như Tuyên Quang, Hà Giang, Lai Châu, Thái Nguyên, Phú Thọ, Lào Cai...; cứu trợ thiên tai lũ lụt ở tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, cùng rất nhiều hoạt động thiện nguyện ý nghĩa khác.
Hay như Hòa thượng Thiện Chiếu, trụ trì chùa Kỳ Quang II cũng thành lập một cơ sở đào tạo nghề massage cho người khiếm thị, giúp họ có thể trang bị kỹ năng tự mưu sinh. Hòa thượng Thiện Chiếu động viên các học viên nỗ lực, vì lớp học chính là cơ hội để những người khiếm thị bước ra ánh sáng.
"Giúp đỡ người khuyết tật nói riêng và những người nghèo khó nói chung không phải chỉ cho họ miếng ăn, cứu đói mà còn phải giúp họ con đường tự lập, tự nuôi sống bản thân" - Hòa thượng Thiện Chiếu nhấn mạnh.
Châu Cao Minh - một bạn trẻ sinh năm 1987, quê Bến Tre, học Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh - cũng tham dự lễ khai giảng lớp học nghề massage cho người khiếm thị. Mẹ mất sớm, cha là người khiếm thị, ngoài học văn hóa, Minh đăng ký học massage để hiểu nghề, với mong muốn thành lập một cơ sở giúp người khiếm thị có việc làm, tự nuôi bản thân.
Minh bỏ vốn, ý tưởng, để người khiếm thị có cơ hội sử dụng kỹ thuật massage học được, làm việc và kiếm sống từ chính sức lao động của mình. Lợi nhuận từ cơ sở, Minh tái đầu tư, mở rộng, giúp nhiều người khiếm thị khác có việc làm.
Cuối tháng 11.2023 là tròn 14 năm hành trình "giúp nhau sinh kế", Minh đã mở rộng thành 2 cơ sở với hình thức công ty, tăng lên 33 giường và 43 nhân viên. Nhiều nhân viên đã gắn bó 8 - 9 năm ở cơ sở massage của anh. Nhiều người khác ra mở cơ sở cho mình và thành công, tự sống được.
Cần sự đồng hành trên con đường tìm thấy giá trị bản thân
Theo thống kê từ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, nước ta hiện có hơn 7 triệu người khuyết tật (từ 2 tuổi trở lên), chiếm hơn 7,06% dân số. Trong đó, người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng chiếm 28,9%, khoảng 10% người khuyết tật thuộc hộ nghèo và cận nghèo.
Đến nay, số người khuyết tật được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng và cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí đạt hơn 1,6 triệu. Đặc biệt, hàng năm, khoảng 19.000 người khuyết tật được dạy nghề; trên 20.000 lượt người khuyết tật được giới thiệu việc làm với tỷ lệ thành công đạt trên 50%; gần 40.000 người khuyết tật được vay vốn Quỹ quốc gia về việc làm với lãi suất ưu đãi...
Điển hình phải kể tới, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam và các tổ chức hội thành viên. Những năm qua đã luôn tích cực, chủ động, sáng tạo trong vận động, kết nối với các tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm, bảo trợ ở trong và ngoài nước. Với 49 hội thành viên cấp tỉnh, 229 hội cấp huyện, 2.045 hội cấp xã, 1.584 chi hội, gần 600 nghìn hội viên tập thể và cá nhân, Hội trở thành cầu nối, địa chỉ tin cậy của những tấm lòng nhân ái, sự yêu thương sẻ chia và đùm bọc. Từ 2017 đến nay, Trung ương Hội, các tổ chức thành viên đã huy động, quyên góp bằng tiền, hiện vật từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước được 3.943 tỷ đồng. Đặc biệt, hội cũng đẩy mạnh công tác trợ giúp sinh kế, giảm nghèo cho trên 30.000 lượt đối tượng, trong đó đã có 9.820 lượt người khuyết tật được dạy nghề, tỷ lệ có việc làm sau đào tạo là trên 70%; hỗ trợ vốn, vật nuôi cho 11.809 lượt đối tượng khác...
Đó là những kết quả từ sự chăm lo của Nhà nước đối với người khuyết tật. Tuy nhiên, vẫn cần thêm nhiều chính sách ưu tiên, giúp đỡ, chăm sóc sức khỏe; mở trường nghề, tạo cơ sở việc làm để họ có thêm cơ hội bước ra ánh sáng, tìm thấy giá trị bản thân và tự lập. Người khuyết tật có rất nhiều tấm gương đáng nể, được vinh danh ở trong, ngoài nước thông qua các thành tích trong học tập, lao động, thể thao, nghệ thuật…
Những bài học truyền cảm hứng từ chính người khuyết tật với nhau cũng là câu chuyện truyền thông cần được chú trọng. Thông qua những chương trình truyền hình thực tế, những gương sáng trong nhiều lĩnh vực là người khuyết tật, thành công nhờ rèn luyện, vươn lên trong cuộc sống, công việc có thể sẽ thắp lên niềm tin cho người cùng hoàn cảnh.
Ngoài ra, sự thành công trong các mô hình hỗ trợ, tạo việc làm cho người khuyết tật cũng cần nghiên cứu nhân rộng, để các hình mẫu ấy không chỉ là hoạt động nhỏ lẻ, phong trào của một vài cá nhân. Các doanh nghiệp cũng nên nghiên cứu tuyển dụng người khuyết tật làm việc ở những bộ phận, dây chuyền chuyên biệt, cùng Nhà nước tạo việc làm cho họ.