Kinh nghiệm thoát nghèo

Quan trọng là có quyết tâm!

- Thứ Ba, 22/11/2022, 15:56 - Chia sẻ

“Vốn, khoa học kỹ thuật, thị trường tiêu thụ là điều kiện quan trọng để chúng ta có công ăn việc làm, có thu nhập. Nhưng nếu thiếu lòng kiên trì và quyết tâm vượt qua đói nghèo thì các điều kiện mạnh đến đâu cũng khó vươn lên…” - chị Hồ Thị Danh, dân tộc Ca Dong ở xã Trà Đốc, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam chia sẻ.

Từ ngôi nhà tình thương

Chị Hồ Thị Danh có duyên với Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) từ năm 2010 với khoản vay đầu tiên là Chương trình cho vay nhà ở hộ nghèo theo Quyết định 167/2008/QĐ-TTg. Khoản vay chỉ 8 triệu đồng nhưng đã giúp đôi vợ chồng trẻ có riêng một tổ ấm đủ che mưa nắng và bắt đầu hành trình thoát nghèo.

Sau khoản vay ưu đãi về nhà ở, được sự động viên của Hội Phụ nữ xã Trà Đốc, vợ chồng chị Danh mạnh dạn vay 25 triệu đồng từ Chương trình hộ nghèo để chăn nuôi bò và trồng keo. Chị Danh vẫn không quên cảm giác lo lắng, hồi hộp của những ngày đầu khởi nghiệp. Sợ việc chăn nuôi không thành công, sợ không trả nổi tiền cho ngân hàng… “Nhưng rồi, so với việc phải lo chạy ăn từng bữa và luôn đối mặt với cái đói, chúng tôi chỉ còn một lựa chọn: Phải làm bằng được!”.

Việc chăn nuôi vốn vẫn là việc chị Danh thường làm khi ở với cha mẹ. Nhưng nuôi thế nào để bò khỏe mạnh, chóng lớn; trồng ra sao để keo xanh tốt lại là chuyện khác. Ngoài vệ sinh chuồng trại, tiêm phòng dịch đầy đủ, trồng cỏ voi xung quanh vườn, vợ chồng chị Danh còn tận dụng các phụ phẩm từ nông nghiệp như: rơm, lá mía, ngô, đậu… làm thức ăn cho bò. “Trồng keo cũng phải tuân thủ đúng hướng dẫn của cán bộ. Chúng tôi chỉ rời rẫy khi trời đã tối. Tất cả thời gian đều dành cho cho keo và bò” - chị Hồ Thị Danh nhớ lại. 

Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và Vay vốn Hồ Thị Mãi (trái) trao đổi tình hình hộ vay với cán bộ NHCSXH huyện Bắc Trà My
Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và Vay vốn Hồ Thị Mãi (trái) trao đổi tình hình hộ vay với cán bộ NHCSXH huyện Bắc Trà My

Nỗ lực của vợ chồng chị Danh được đền đáp khi năm 2017 anh chị chính thức ra khỏi danh sách hộ nghèo. Cũng từ đây, người phụ nữ Ca Dong cùng chồng bước vào một chặng đường mới, với khối tài sản đã tích lũy sau 7 năm nỗ lực: 4ha keo, đàn bò 4 con đều đã trưởng thành và những dự dịnh đang ấp ủ….

Đến giấc mơ làm giàu

Mô hình vườn - ao - chuồng của gia đình chị Hồ Thị Danh được hình thành với sự hỗ trợ của các cấp chính quyền và đoàn thể huyện Bắc Trà My. Và tất nhiên, không thể thiếu 50 triệu đồng nguồn vốn vay hỗ trợ dành cho hộ mới thoát nghèo của NHCSXH huyện.

Đến nay, khi bước sang 33 tuổi nhưng vợ chồng chị Danh đã sở hữu khối tài sản đáng nể: 1 Hợp tác xã nông, lâm nghiệp và thương mại dịch vụ Thiên Danh chuyên sản xuất cửa, khung nhôm kính phục vụ nhu cầu của bà con trong xã, huyện; 4ha keo đang chuẩn bị thu hoạch; đàn lợn rừng, gà lai chọi cả trăm con và hàng trăm giò lan các loại… “Tất cả là của cán bộ đấy chị!”, chị Danh hóm hỉnh chỉ tay vào cán bộ NHCSXH huyện Bắc Trà My khoe.

Được biết, ngoài các khoản vay hỗ trợ trên, gia đình chị Danh còn được vay Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường. Cuộc sống hiện tại của gia đình chị Danh là niềm mơ ước của bà con Ca Dong trên địa bàn: Có của ăn, của để; có đầy đủ vật dụng hiện đại trong sinh hoạt; có ô tô tải chuyên vận chuyển hàng hóa và đặc biệt, hai vợ chồng còn tạo công ăn việc làm ổn định cho 5 thanh niên trong xã với mức lương 7 - 8 triệu đồng/người/tháng; gần chục công nhân thời vụ với mức lương 5 - 6 triệu đồng/người/tháng.

Cuộc sống ổn định, chị Danh lại bắt đầu cho một kế hoạch mới. Theo chị Danh, khí hậu của Trà Đốc ôn hòa, đất đai trù phú, cây cối ở vùng núi này quanh năm tươi tốt và thích hợp trồng nhiều loại dược liệu quý, trong đó có nấm linh chi. “Tôi nhận thấy nấm linh chi có thị trường tiêu thụ rất tốt; gia đình lại sẵn đất đai để nuôi trồng. Đặc biệt, đây cũng là nghề tôi rất thích, nên cứ mạnh dạn làm thôi” - chị Danh tự tin nói.

Chị Hồ Thị Danh (trái) giới thiệu về dự án nuôi trồng nấm linh chi
Chị Hồ Thị Danh (trái) giới thiệu về dự án nuôi trồng nấm linh chi

Chia sẻ thêm về chị Danh và những thành viên trong tổ vay vốn, Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và Vay vốn Hồ Thị Mãi cho biết, bà con Ca Dong bây giờ đã biết cách làm ăn và rất chí thú tăng gia sản xuất. Tổ do chị Hồ Thị Mãi quản lý có 49 hội viên, chủ yếu là chị em người Ca Dong và 100% xuất phát điểm đều là hộ nghèo; hiện tại, 46 hộ đã thoát nghèo. Dư nợ của tổ hiện là 2,6 tỷ đồng và nguồn vốn được đầu tư nuôi bò, trồng keo. Bản thân chị Mãi cũng đang vay vốn của NHCSXH theo chương trình giải quyết việc làm vùng khó khăn.

“Tôi mừng lắm khi thấy đồng bào mình tiến bộ. Bà con biết cách làm ăn, biết phấn đấu vươn lên để theo kịp các chị em thành phố. Đây là mơ ước không chỉ của riêng tôi hay cán bộ tín dụng, mà tôi tin Chính phủ hỗ trợ vốn cho chúng tôi cũng là vì mục tiêu này”, chị Mãi khẳng định.

Bài và ảnh: Đức Kiên