Phát huy vai trò "cầu nối" pháp luật
Tại nhiều địa phương, việc đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền PBGDPL được đặc biệt chú trọng trên cơ sở phát huy vai trò là "cầu nối" chuyển tải pháp luật của các tổ hòa giải và hòa giải viên ở cơ sở.
Đơn cử như tại Thanh Hóa, toàn tỉnh có 4.183 tổ hòa giải ở cơ sở với 26.733 hòa giải viên. Mỗi tổ hòa giải có từ 4 - 7 hòa giải viên, đa số các tổ trưởng tổ hòa giải do trưởng thôn, bản, khối phố đảm nhận, các thành viên khác gồm trưởng các đoàn thể như Mặt trận, Thanh niên, Phụ nữ, Cựu chiến binh, Nông dân, Người cao tuổi…
Qua thực tế hoạt động, chính quyền các cấp tiếp tục lựa chọn, nhân rộng, số lượng tổ hòa giải điển hình tiên tiến qua từng năm. Các tổ hòa giải điển hình tiên tiến được lựa chọn từ các tổ hòa giải có cách làm hay, hiệu quả; am hiểu về pháp luật, khéo léo thuyết phục vận động các bên tranh chấp hóa giải mâu thuẫn, đồng thời vận động nhân dân chấp hành pháp luật, bảo đảm hoạt động hòa giải đạt hiệu quả cao với tỷ lệ hòa giải thành đạt trên 90%.
Hay tại Lạng Sơn, với tinh thần trách nhiệm cao cùng khả năng thuyết phục vận động, các tổ hòa giải điển hình tiên tiến trên địa bàn đã phát huy vai trò, hòa giải thành công mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư. Ở thôn Phạ Thác, xã Ái Quốc, huyện Lộc Bình - nơi có 58 hộ dân, với hơn 200 nhân khẩu, 100% là người dân tộc Dao, cũng có 1 Tổ hòa giải như thế. Chỉ vỏn vẹn 6 người nhưng các thành viên trong Tổ đều kiên trì vận động, dùng lý lẽ và quy định pháp luật để hòa giải mâu thuẫn giữa các hộ dân. Nhiều năm qua, tỷ lệ hòa giải thành công trung bình của tổ đạt gần 95%.
Hay tại thôn Hồng Minh, xã Chiến Thắng, huyện Bắc Sơn (tỉnh Lạng Sơn) với hơn 150 hộ dân và 300 nhân khẩu; người dân trong thôn thường nảy sinh mâu thuẫn như về đất đai, tranh chấp lối đi chung, hôn nhân và gia đình… Tổ hòa giải thôn Hồng Minh cũng thường xuyên tuyên truyền pháp luật, vận dụng linh hoạt tình làng nghĩa xóm với các quy định của pháp luật để hòa giải. Nhờ đó mỗi năm, tổ hòa giải thành trên 90% các vụ việc, thôn nhiều năm là thôn văn hóa, trên 98% hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa.
Theo Sở Tư pháp tỉnh Lạng Sơn, hoạt động của các tổ hòa giải điển hình tiên tiến đã góp phần nâng cao chất lượng công tác hòa giải trên địa bàn. Năm 2023, các tổ hòa giải trên địa bàn tỉnh đã hòa giải thành 2.747/3.506 vụ việc, đạt 78,3% (tăng hơn 5,3% so với năm 2022).
Nhân rộng những mô hình hiệu quả
Nhằm triển khai thực hiện Luật PBGDPL, các địa phương cũng xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình điểm, góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong công tác phòng ngừa và đấu tranh với tội phạm, các hành vi vi phạm pháp luật. Mô hình "Dòng họ Giàng tự quản về an ninh trật tự" tại bản Pu Hao, xã Mường Lạn, huyện Sốp Cộp (Sơn La) là một điển hình.
Được thành lập từ tháng 2.2023, qua 1 năm triển khai, mô hình này mang lại nhiều hiệu quả thiết thực, góp phần quan trọng vào việc bảo đảm an ninh trật tự, bảo vệ an ninh tổ quốc trong thời kỳ mới ở cơ sở, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Hiện nay, Dòng họ Giàng có 62 hộ, hơn 369 nhân khẩu, là một dòng họ lớn và có uy tín trong bản; sau khi triển khai mô hình, 100% hộ dân trong dòng họ Giàng đã ký cam kết chấp hành quy định của pháp luật, không tin, không nghe luận điệu tuyên truyền của kẻ xấu; duy trì tốt sinh hoạt định kỳ hàng tháng, kịp thời phổ biến các quy định của pháp luật cho thành viên trong dòng họ. Năm 2023, dòng họ đã phối hợp với cơ quan chức năng tuyên truyền, vận động 2 trường hợp đi cai nghiện bắt buộc, quản lý, giáo dục 3 trường hợp sử dụng chất ma túy và 1 trường hợp giáo dục tại xã; cùng ban quản lý bản Pu Hao giải quyết 1 vụ việc mẫu thuẫn liên quan đến tranh chấp nguồn nước.
Theo UBND xã Mường Lạn, huyện Sốp Cộp, khi chưa có "Dòng họ Giàng tự quản", trên địa bàn xã Mường Lạn nói chung và xã Mường Lạn nói riêng vẫn còn xảy ra một số vụ việc người dân vi phạm pháp luật. Sau khi có mô hình này, nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, số người trong dòng họ vi phạm pháp luật và mắc tệ nạn xã hội đã giảm đáng kể; mâu thuẫn, tranh chấp giữa các hộ đều được trưởng dòng họ và những người có uy tín trong dòng họ giải quyết, góp phần bảo đảm an ninh trật tự.
"Câu lạc bộ PBGDPL" cũng là mô hình tuyên truyền pháp luật hiệu quả, đã được Công an phường Cẩm Thạch (TP. Cẩm Phả, Quảng Ninh) và Công an phường Quang Trung (TP. Uông Bí, Quảng Ninh) cho ra mắt từ tháng 6.2022. Thành viên của các mô hình này đều là những quần chúng tốt, nhân tố tích cực, cốt cán, có ảnh hưởng lớn trong nhân dân, cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường, đồng nghiệp, bạn bè, người thân… Họ là những tuyên truyền viên trực tiếp truyền tải nhanh nhất những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Đến nay, Câu lạc bộ đã phối hợp tổ chức hàng chục buổi tuyên truyền với hàng nghìn lượt người tham gia; các thành viên trực tiếp xuống phổ biến nội dung, lấy dẫn chứng về hành vi vi phạm pháp luật, đưa ra giải pháp để tổ chức triển khai tại các khu phố. Thông qua những buổi tuyên truyền đó, người dân hiểu thêm về chính sách pháp luật của Nhà nước, nhất là về Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Cư trú, Bộ luật Hình sự và tổ chức thực hiện, chấp hành tương đối nghiêm.
Trong năm 2023, căn cứ kết quả tổ chức xây dựng mô hình tại phường Quang Trung và phường Cẩm Thạch,Công an tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo nhân rộng mô hình tại 3 địa bàn phường Cao Xanh (TP. Hạ Long), phường Minh Thành (thị xã Quảng Yên), xã Đông Xá (huyện Vân Đồn). Đến nay, 3 mô hình điểm PBGDPL tại 3 địa bàn trên đã được xây dựng và đi vào hoạt động; góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các tầng lớp nhân dân.