Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô

- Thứ Tư, 17/08/2022, 06:28 - Chia sẻ

Là địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển công nghiệp văn hóa thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô trong việc tiên phong phát triển công nghiệp văn hóa. Thành phố Hà Nội đặt mục tiêu phát triển toàn diện ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô cả về quy mô, chất lượng sản phẩm, dịch vụ và thị trường, bảo đảm phát triển bền vững, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Thủ đô.

Cụ thể hóa các mục tiêu theo từng giai đoạn

Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội vừa tổ chức hội nghị trực tuyến nghiên cứu, quán triệt, học tập, tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TU về “Phát triển công nghiệp văn hóa (CNVH) trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045”. Phát biểu tại Hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho biết, việc xây dựng và ban hành Nghị quyết 09-NQ/TU được Thành ủy Hà Nội chuẩn bị, thu thập tài liệu, nghiên cứu rất kỹ lưỡng, khoa học với 2 hội thảo khoa học và 4 cuộc tọa đàm thu hút sự tham gia của các nhà khoa học, chuyên gia về lĩnh vực văn hóa cả trong nước và quốc tế.

Nghị quyết đặt ra mục tiêu đến năm 2025, ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô trở thành ngành kinh tế quan trọng, tạo động lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; hoàn thành rà soát, tích hợp quy hoạch phát triển công nghiệp văn hóa vào Quy hoạch Hà Nội đến 2030, tầm nhìn đến năm 2045; cải thiện hạ tầng tương đối đồng bộ, hiện đại, ưu tiên bố trí quỹ đất theo quy hoạch phân khu 2 bên bờ sông Hồng để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa gắn với phát triển du lịch. 

Đến năm 2030, ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô cơ bản trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác. Hà Nội nằm trong nhóm các thành phố có ngành công nghiệp văn hóa phát triển hàng đầu có thương hiệu, sản phẩm uy tín, khả năng cạnh tranh cao với các thành phố trong khu vực; là “Thành phố sáng tạo” có sức ảnh hưởng ở khu vực Đông Nam Á. Phấn đấu doanh thu từ các ngành công nghiệp văn hóa tăng dần qua từng năm, đóng góp khoảng 8% GRDP của thành phố.

Mục tiêu đến năm 2045, ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô là ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển toàn diện, là động lực phát triển các ngành, lĩnh vực khác, là tiền đề để xây dựng Hà Nội có chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, bền vững; trở thành “Thành phố sáng tạo” của khu vực châu Á, thành phố kết nối toàn cầu, trung tâm văn hóa, du lịch lớn đặc sắc, có sức cạnh tranh quốc tế. Hình thành một số công trình văn hóa mới cho Thủ đô và Việt Nam, mang tính biểu tượng văn hóa có tầm cỡ khu vực và thế giới; phấn đấu đóng góp khoảng 10% GRDP của thành phố.

Để đạt được mục tiêu trên, Hà Nội xác định đổi mới tư duy, nhận thức về phát triển công nghiệp văn hóa là một quá trình thường xuyên, liên tục, lâu dài và không ngừng được bổ sung, hoàn thiện trong quá trình phát triển. Công nghiệp văn hóa là ngành kinh tế mới, đòi hỏi phải có bước đi phù hợp, với cơ chế, chính sách đặc thù mang tính đột phá, đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố.

Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô -0
Toàn cảnh hội nghị

Phát triển thị trường công nghiệp văn hóa

Tại Hội nghị, các đại biểu tham luận làm rõ những giải pháp, kiến nghị cũng như đề cập đến các cơ hội, tiềm năng để Thủ đô phát triển ngành công nghiệp văn hóa theo tinh thần Nghị quyết số 09-NQ/TU. 

Tham luận tại hội nghị, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng cho rằng, tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO là bước đi đầu tiên nhưng rất quan trọng đối với mục tiêu nâng cao vị thế và tạo dựng hình ảnh mới, hấp dẫn cho Hà Nội. Đặc biệt, tầm nhìn và thương hiệu của một “Thành phố sáng tạo” sẽ tạo điều kiện để Hà Nội có thể thúc đẩy cạnh tranh trong thu hút đầu tư quy mô lớn, kích thích tái tạo đô thị và tập trung các chương trình phát triển kinh tế - xã hội.

Bí thư Huyện ủy Gia Lâm Lê Anh Quân khẳng định, đây là một nghị quyết rất quan trọng, mang tính định hướng, khoa học, phù hợp với chiến lược phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Cùng với đó là tiếp tục góp phần với cả nước thực hiện tốt một trong các khâu đột phá để phát triển văn hóa, phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam nhằm thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Nghị quyết là cơ sở lý luận và cẩm nang để tiếp tục xây dựng các cơ chế, chính sách phát triển ngành công nghiệp văn hóa, phát huy tối đa nguồn lực văn hóa, con người, tạo nên sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng quyết định phát triển bền vững Thủ đô.

Nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Trung Hiếu, Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội tham luận với chủ đề “Công nghiệp văn hóa thúc đẩy phát triển ngành nghệ thuật biểu diễn Thủ đô đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế”. Theo ông Nguyễn Trung Hiếu, để phát triển nền công nghiệp văn hóa Việt Nam, thứ nhất cần sự đồng bộ và chuyên nghiệp hóa. Thứ hai, sự kết hợp giữa nghệ thuật và khoa học công nghệ tân tiến. Thứ ba là nhân sự - yếu tố con người luôn là yếu tố quan trọng nhất. Thứ tư là cơ chế phù hợp cho các đơn vị nghệ thuật. Thứ nữa là cần xác nhận đúng đối tượng khán giả hướng đến, đối tượng cần được định hướng và tạo nguồn cho tương lai cũng như tìm hiểu rõ thị hiếu và những yêu cầu của việc hội nhập quốc tế.

Đại diện Quận ủy Hoàn Kiếm cho rằng, việc tái thiết các di sản công nghiệp thành các không gian sáng tạo không chỉ góp phần tích cực thúc đẩy, hỗ trợ nền kinh tế sáng tạo khởi nghiệp, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống mà còn tạo ra các nền tảng để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, phát triển du lịch. Quận Hoàn Kiếm cũng đã đề xuất năm nhóm giải pháp cần tập trung thực hiện Chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa trong thời gian tới.

Văn Anh