Phát huy vai trò “Một cửa số” của Cổng Dịch vụ công quốc gia

TS. Ngô Hải Phan- Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC, Văn phòng Chính phủ

Cổng Dịch vụ công quốc gia được xây dựng và đưa vào vận hành chính thức từ tháng 12.2019. Sau 4 năm đưa vào triển khai hoạt động, Cổng Dịch vụ công quốc gia đã trở thành địa chỉ tập trung, duy nhất giúp công khai, minh bạch các thông tin liên quan về thủ tục hành chính (TTHC), dịch vụ công theo nhu cầu sử dụng, phù hợp với từng đối tượng; góp phần thúc đẩy số hóa hồ sơ, giấy tờ và tiếp nhận, xử lý hồ sơ trực tuyến và cung cấp dịch vụ công không phụ thuộc vào địa giới hành chính...

Giải pháp đột phá thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia

Với quan điểm lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, trong những năm qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Cùng với việc triển khai các Trung tâm hành chính công, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả để phục vụ nhân dân theo phương thức truyền thống, việc thiết lập Cổng Dịch vụ công quốc gia với vai trò là “một cửa số” quốc gia trong giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp là một giải pháp quan trọng, có tính chất đột phá trong thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, đáp ứng yêu cầu của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 theo đúng chỉ đạo tại Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Phát huy vai trò “Một cửa số” của Cổng Dịch vụ công quốc gia -2
Cổng Dịch vụ công quốc gia

Thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, trên cơ sở học tập kinh nghiệm quốc tế, sự hỗ trợ của các chuyên gia trong và ngoài nước; sự tham gia, phối hợp của các bộ, ngành, địa phương, Cổng Dịch vụ công quốc gia thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, cụ thể:

Cục trưởng Cục Kiểm soát Thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ - Ngô Hải Phan phát biểu
Cục trưởng Cục Kiểm soát Thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ - Ngô Hải Phan phát biểu

Một là, trở thành điểm “một cửa số” của quốc gia phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công trên môi trường điện tử. Cổng dịch vụ công quốc gia đã tích hợp, cung cấp 4.591 dịch vụ công trực tuyến trong tổng số 6.349 TTHC (chiếm 72,3%); có hơn 3,2 tỷ lượt truy cập tìm hiểu thông tin và thực hiện dịch vụ; hơn 273 triệu hồ sơ TTHC đồng bộ, công khai quá trình giải quyết (năm 2023 tăng hơn 1,7 lần so với cùng kỳ năm 2022); 36,8 triệu hồ sơ TTHC trực tuyến và 21,2 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến từ Cổng (năm 2023 tăng hơn 2,58 lần so với cùng kỳ năm 2022); trung bình mỗi ngày tiếp nhận hơn 106 nghìn hồ sơ trực tuyến, 50 nghìn giao dịch thanh toán trực tuyến.

Cổng Dịch vụ công quốc gia bảo đảm khả năng giám sát, kiểm tra, đánh giá của cá nhân, tổ chức và trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước trong thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công, giúp minh bạch, cắt giảm, đơn giản hóa TTHC, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Hai là, việc tích hợp, cung cấp dịch vụ công trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh tái cấu trúc quy trình, giải quyết TTHC trên môi trường điện tử trên cơ sở khai thác, tái sử dụng dữ liệu để cắt giảm, đơn giản hóa TTHC, giúp việc thực hiện TTHC của người dân, doanh nghiệp được thuận lợi, đơn giản, giảm chi phí, thời gian. Vì vậy, nhiều dịch vụ công trên Cổng phát sinh hồ sơ lớn như Thông báo khuyến mại (98%), Thông báo lưu trú (97%), Cấp điện mới từ lưới điện hạ áp (73%);…

Ba là, phát triển các nền tảng, phần mềm dùng chung của Cổng Dịch vụ công quốc gia để các bộ, ngành, địa phương áp dụng thực hiện trong tiếp nhận, giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công, giúp tiết kiệm, tránh lãng phí trong đầu tư, nâng cao hiệu quả sử dụng.

Bốn là, điểm điều phối, kết nối, chia sẻ, tái sử dụng kết quả số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC. Cổng Dịch vụ công quốc gia đã kết nối, tích hợp với 150 hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các cơ quan, đơn vị.

Năm là, công khai, minh bạch các thông tin trong giải quyết TTHC trên cả nước; tạo thuận lợi cho người dân thực hiện theo dõi, giám sát, đánh giá chất lượng, trong đó Hệ thống đánh giá Bộ chỉ số phục vụ người dân và doanh nghiệp giúp kiểm soát quá trình giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công bằng dữ liệu theo thời gian thực (đây là “điểm nghẽn" lớn nhất hiện nay); tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, trách nhiệm giải trình, cá thể hóa trách nhiệm đến từng cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.

Vẫn còn những khó khăn, bất cập

Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia cũng cho thấy còn một số vấn đề đặt ra.

Đó là, việc tăng số lượng hồ sơ trực tuyến ở một số cơ quan, đơn vị chưa thực chất: nhiều dịch vụ công trực tuyến không đảm bảo mức độ dịch vụ, chưa quan tâm tái cấu trúc quy trình, trải nghiệm của người dùng nên chưa thực sự thuận lợi, đơn giản, thậm chí còn gây mất thời gian, phức tạp hơn so với thực hiện trực tiếp; chưa thiết kế các biểu mẫu tương tác, hỗ trợ điền các thông tin sẵn có.

Việc số hóa, làm giàu, làm sạch dữ liệu ở một số bộ, ngành, địa phương còn chậm, chưa có lộ trình, kế hoạch rõ ràng. Thậm chí, ở một số cơ quan, đơn vị việc số hóa chủ yếu mới chỉ dừng lại ở sao chụp chuyển từ bản giấy sang bản điện tử nên không đảm bảo giá trị pháp lý, không thể tái sử dụng, mà còn lãng phí nguồn lực số hóa, tốn kém tài nguyên lưu trữ. Công tác kết nối, chia sẻ, liên thông dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương còn rất hạn chế.

Việc công khai, minh bạch, nhất là công khai, minh bạch quá trình giải TTHC ở một số cơ quan, đơn vị còn hạn chế. Tính chung cả nước, việc công khai, minh bạch quá trình tiếp nhận, giải quyết TTHC tại địa phương mới đạt 43%, bộ, ngành đạt 66% trong tổng số hồ sơ TTHC.

Chất lượng giải quyết TTHC đã có sự cải thiện so với năm 2022, tuy nhiên tỷ lệ giải quyết hồ sơ TTHC đúng hoặc sớm hạn ở một số bộ, địa phương vẫn còn thấp, nhất là các bộ, ngành năm 2023 tỷ lệ này mới chỉ đạt 52,5% (trong khi yêu cầu Chính phủ tối thiểu từ 90% trở lên).

Việc hỗ trợ người dân, doanh nghiệp của một số cơ quan, đơn vị còn chậm; còn có tình trạng làm thay, làm hộ người dân để đạt chỉ tiêu. Thói quen, tâm lý, kỹ năng số của một số người dân còn chưa đáp ứng được yêu cầu. Các hệ thống CNTT, an ninh, an toàn thông tin chưa được quan tâm đầu tư, đồng bộ, hiệu quả ở một số bộ, ngành, địa phương.

Tháo gỡ “nút thắt” về kết nối, chia sẻ, tái sử dụng, liên thông dữ liệu

Để tiếp tục nâng cao chất lượng phục vụ, phát huy vai trò của Cổng Dịch vụ công quốc gia là điểm “một cửa số” của quốc gia, thời gian tới, cần tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ:

Phát huy vai trò “Một cửa số” của Cổng Dịch vụ công quốc gia -1
Kết quả đánh giá chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính được công khai trên Cổng Dịch vụ công quốc gia

Thứ nhất, tiếp tục bám sát nguyên tắc “lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm”, phát huy nhân tố con người, cải cách dẫn dắt và công nghệ hỗ trợ, thúc đẩy trong quá trình phối hợp và tham gia quản lý, phát triển, vận hành Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Thứ hai, tập trung rà soát, cấu trúc lại quy trình, cắt giảm, đơn giản hóa TTHC trên cơ sở liên thông điện tử và tái sử dụng dữ liệu để xây dựng, hoàn thiện, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Trong đó năm 2024, tập trung thực hiện đối với các nhóm dịch vụ công trực tuyến liên thông giữa nhiều cơ quan, đơn vị, có đối tượng, tần suất thực hiện lớn thúc đẩy tháo gỡ các “nút thắt” trong vấn đề kết nối, chia sẻ, tái sử dụng, liên thông dữ liệu phục vụ giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp, giúp giảm thực chất các thủ tục, thời gian, chi phí thực hiện.

Thứ ba, tập trung số hóa, làm sạch dữ liệu, gắn việc số hóa với việc thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình tiếp nhận, giải quyết TTHC. Đẩy mạnh tái sử dụng tài liệu, kết quả giải quyết TTHC đã được số hóa giữa các bộ, ngành, địa phương thông qua kết nối, chia sẻ dữ liệu với Kho quản lý dữ liệu cá nhân, tổ chức trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Hoàn thành việc kết nối, chia sẻ, đồng bộ dữ liệu giữa các CSDL quốc gia, chuyên ngành, hệ thống thông tin cung cấp dịch vụ công tập trung do bộ, ngành quản lý với Cổng dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh phục vụ giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công.

Thứ tư, tăng cường công khai, minh bạch, 100% hồ sơ TTHC của bộ, ngành, địa phương phải được tiếp nhận, giải quyết trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC và phải đồng bộ với Cổng dịch vụ công quốc gia để người dân, doanh nghiệp theo dõi, đánh giá quá trình thực hiện.

Thứ năm, tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị; thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính. Căn cứ kết quả đánh giá theo Bộ chỉ số phục vụ người dân và doanh nghiệp trong thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công để xem xét, đánh giá, xếp loại chất lượng và mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức.

Thứ sáu, tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân nâng cao kỹ năng số và có chính sách khuyến khích người dân, doanh nghiệp chủ động thực hiện có hiệu quả các dịch vụ công trực tuyến.

Xã hội

Hà Nội: Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá vận hành thử nghiệm từ 1.12.2024
Môi trường

Hà Nội: Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá vận hành thử nghiệm từ 1.12.2024

Thông tin từ Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp thành phố Hà Nội cho biết, gói thầu số 1 xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá và gói thầu số 2 xây dựng hệ thống cống bao cho sông Tô Lịch và cống chính cơ bản đã hoàn thành và đưa vào vận hành thử vào ngày 1.12 tới.

Các đại biểu tham dự chương trình. Ảnh: Lăng Dành
Xã hội

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin nắm bắt tình hình

Trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã thành lập trên 2.100 Tổ Dân vận cộng đồng ở 100% thôn, bản, tổ dân phố, trong đó có vùng đồng bào dân tộc thiểu số để nắm tình hình và đề xuất các cấp ủy Đảng, chính quyền giải quyết những vấn đề liên quan đến người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Các tổ dân vận đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong nắm bắt tình hình thông qua thành lập các nhóm Zalo “Tổ Dân vận nòng cốt vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”.

Tổng kết dự án tăng cường khả năng chống chịu rủi ro thiên tai cho đồng bào dân tộc thiểu số
Xã hội

Tổng kết dự án tăng cường khả năng chống chịu rủi ro thiên tai cho đồng bào dân tộc thiểu số

Ngày 22.11, tại Thành phố Điện Biên Phủ, World Vision International tại Việt Nam đã tổ chức hội thảo tổng kết dự án "Tăng cường khả năng chống chịu rủi ro thiên tai cho đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Điện Biên" (IREM). Dự án do Liên minh cứu trợ Đức (ADH) tài trợ và được triển khai bởi World Vision trong 14 tháng (10.2023-11.2024).