35 trường đào tạo công nghiệp bán dẫn
Việt Nam đặt mục tiêu trở thành trung tâm thiết kế vi mạch của khu vực và thế giới, lọt top 5 thế giới vào năm 2030 với nhu cầu nhân lực cho ngành này khoảng 50.000 kĩ sư; riêng TP. Hồ Chí Minh cần đào tạo nâng cao kỹ năng cho khoảng 40.000 kĩ sư từ nay đến năm 2030, tức khoảng 6.000 kĩ sư/năm. Hiện nay, các sở, ngành cũng đang tham mưu đề xuất cơ chế, chính sách đào tạo và phát triển nguồn nhân lực một cách hiệu quả, chất lượng để xây dựng chính sách riêng cho lĩnh vực đầy tiềm năng và triển vọng này...
Theo đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện nay, có 35 cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam đang trực tiếp đào tạo lĩnh vực này, hoặc gần với ngành công nghệ bán dẫn. Dự báo trong 5 năm tới, mỗi năm cần khoảng 20.000 kĩ sư và 10 năm tới, mỗi năm cần khoảng 50.000 nhân lực có trình độ đại học trở lên. Chính vì vậy, để đón đầu nhu cầu thị trường, nhiều trường đại học đã mở thêm ngành học mới, tăng quy mô tuyển sinh, nâng cao chất lượng đào tạo ngành này.
Ông Nguyễn Đức Minh, Trưởng khoa Điện tử, Đại học Bách khoa Hà Nội chia sẻ, hiện trường có 2 chuyên ngành đào tạo trực tiếp và 7 ngành đào tạo gần về thiết kế, sản xuất, đóng gói và kiểm thử, hỗ trợ ứng dụng chip bán dẫn. Lộ trình đào tạo các cử nhân, kĩ sư trong lĩnh vực này của trường tại doanh nghiệp đã được rút ngắn từ 6 - 9 tháng xuống 3 - 6 tháng. Hàng năm, có khoảng 300 sinh viên tốt nghiệp có thể làm thiết kế sản xuất vi mạch; nhiều sinh viên sau khi ra trường được tuyển dụng trong các công ty vi mạch lớn tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh và ở Đài Loan (Trung Quốc), Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản.
Trong năm học 2024 - 2025, Trường Đại học Phenikaa cũng công bố tuyển sinh mới hai chương trình đào tạo thuộc lĩnh vực vi mạch bán dẫn gồm: "Thiết kế vi mạch bán dẫn", "Chip bán dẫn và công nghệ đóng gói".
Theo như Tập đoàn FPT, mức lương của kĩ sư trong ngành bán dẫn tương đối cao, khởi điểm thường dao động từ 15 - 20 triệu đồng/tháng và có thể tăng lên 50 - 70 triệu đồng/tháng sau 5 - 10 năm kinh nghiệm.
Nhiều doanh nghiệp tham gia đào tạo
Thời gian qua, để đào tạo nhân lực đạt chuẩn kỹ năng quốc tế, Việt Nam đã tăng cường hợp tác với các công ty công nghệ toàn cầu như Tập đoàn Synopsys, Intel, Cadence...
Theo đó, tháng 6 vừa qua, Trường Đại học Phenikaa phối hợp cùng Synopsys tổ chức khai giảng khóa đào tạo "Train the Trainers" về thiết kế vi mạch bán dẫn dành cho giảng viên đại học, kĩ sư và sinh viên. Trong tháng 3, Tập đoàn Synopsys cũng đã ký kết hợp tác với Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh phát triển nhân lực lĩnh vực thiết kế vi mạch.
Ngoài ra, Tập đoàn Intel cũng cam kết hỗ trợ Trung tâm nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng (DSAC) tổ chức các lớp đào tạo giảng viên trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.
Chuỗi cung ứng vi mạch bán dẫn trên thế giới có thể được chia thành 4 nhóm: Thiết kế vi mạch, sản xuất vi mạch, đóng gói - kiểm tra vi mạch và chế tạo thiết bị. Ở Việt Nam, các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh lĩnh vực bán dẫn vẫn đang phụ thuộc 100% vào nguồn cung chip bán dẫn từ nước ngoài. Hiện mới chỉ có Tổng Công ty công nghiệp Công nghệ cao Viettel và Công ty CP Bán dẫn FPT tham gia công đoạn thiết kế chip bán dẫn. Các công ty có vốn đầu tư nước ngoài đa phần thực hiện các công đoạn gia công thiết kế vi mạch, lắp ráp, kiểm định vi mạch và chế tạo thiết bị. Điều này đồng nghĩa, nhân lực ngành bán dẫn hiện có ở Việt Nam chủ yếu tập trung vào thiết kế vi mạch, còn lại ở các công đoạn khác còn rất thiếu.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, với quyết tâm tham gia sâu vào chuỗi bán dẫn toàn cầu, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã và đang đầu tư nguồn lực. Thực tế cho thấy, Việt Nam có nhiều cơ hội lớn trong hợp tác phát triển các lĩnh vực công nghệ cao nhưng khi triển khai lại gặp không ít thách thức do sự thiếu hụt nguồn nhân lực, cả về số lượng và chất lượng. Nhân lực ngành bán dẫn tại Việt Nam vẫn đang nằm trong mức "báo động đỏ" dù đã đón nhận những bước tiến lớn trong công tác kêu gọi, thu hút vốn đầu tư, chuyển giao khoa học và công nghệ. Nguyên nhân chủ yếu nằm ở bất cập giữa hệ thống giáo dục đào tạo và thị trường lao động.
Điều này đòi hỏi sự nỗ lực đồng bộ, từ Nhà nước đến nhà đầu tư, nhà trường, nhà sản xuất. Bên cạnh sự định hướng rõ ràng về cơ chế, chính sách, các nguồn lực hỗ trợ hiệu quả của Nhà nước, rất cần sự chủ động vào cuộc, liên kết hành động của các cơ sở giáo dục đại học khi tập trung vào việc xây dựng chương trình đào tạo chuẩn, kết hợp cùng các doanh nghiệp, nhằm liên kết đào tạo nhân lực chất lượng cao, làm tiền đề cho việc thu hút đầu tư, phát triển thị trường lao động.