Tạo đột phá phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao
Phát triển nguồn nhân lực được coi là một trong ba khâu đột phá trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của nước ta. Những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao với các chủ trương, chính sách, thể chế được quy định trong nghị quyết của Đảng, văn bản pháp luật của Nhà nước. Đặc biệt là Chỉ thị số 21-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, nhằm tạo đột phá về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, có kỹ năng nghề đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) luôn duy trì NSLĐ cao, năm 2023, NSLĐ theo doanh thu của toàn Tập đoàn là hơn 4,1 tỷ đồng/người/năm. Trong đó, tại 1 số đơn vị viễn thông, công nghệ số thì con số này là hơn 9 tỷ đồng/người/năm, tương đương với các doanh nghiệp tiên tiến trên thế giới cùng lĩnh vực. Chia sẻ một số giải pháp thúc đẩy NSLĐ của Viettel, Giám đốc nhân sự Tập đoàn Vũ Thị Mai nhấn mạnh: Viettel hiện đang sở hữu đội ngũ hàng nghìn nhân sự chất lượng cao trong các ngành viễn thông, nghiên cứu công nghệ cao, làm chủ việc thiết kế, vận hành mạng lưới trên toàn cầu, các công nghệ 4G, 5G, đội ngũ 300 chuyên gia an ninh mạng, có tuổi đời rất trẻ nhưng đã dành được nhiều giải thưởng uy tín trên thế giới.
Mở các ngành, nghề mới theo hướng công nghệ cao
Để nâng cao chất lượng đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao góp phần tăng NSLĐ, tham luận tại diễn đàn, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội Phạm Xuân Khánh kiến nghị, Chính phủ xây dựng một số cơ sở đào tạo chất lượng cao, đạt chuẩn quốc tế, thực hiện được chức năng trung tâm vùng, quốc gia. Trong đó, chú trọng đầu tư đồng bộ, mở các ngành, nghề mới theo hướng công nghệ cao, công nghiệp mũi nhọn 4.0, ngân sách hỗ trợ mở các nghề mới theo nhu cầu sử dụng lao động của xã hội. Chia sẻ dữ liệu tuyển sinh đại học, xây dựng các chương trình đào tạo cho phép liên thông giữa các trình độ, phương thức đào tạo. Thành lập Hội đồng kỹ năng ngành, nghề trong một số lĩnh vực với sự tham gia của cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp.
Chính phủ rà soát, bổ sung, điều chỉnh danh mục ngành, nghề đào tạo mới; xây dựng, ban hành các chuẩn kiến thức, kỹ năng (chuẩn đầu ra) cho các ngành, nghề tương ứng với từng cấp trình độ đào tạo với sự tham gia của doannh nghiệp, bảo đảm phù hợp với khung trình độ, tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia. Ban hành quy định sử dụng lao động qua đào tạo để thu hút người học, góp phần tăng NSLĐ. Ban hành thông tư hướng dẫn việc thu hút đầu tư cho giáo dục nghề nghiệp từ doanh nghiệp, nhằm khai thác các thiết bị, công nghệ mới trong doanh nghiệp, thu hút đầu tư theo hướng xã hội hóa, hợp tác công tư. Bố trí kinh phí cho công tác đào tạo, nâng cao năng lực, trình độ của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, đặc biệt là đối với các nghề mới, công nghệ cao.