Khuyến khích các nước trao đổi thông tin
Theo Tổng cục Hải quan, Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan ASEAN lần thứ 33 với chương trình nghị sự gồm 12 nội dung, các Tổng cục trưởng Hải quan ASEAN cùng nhau thảo luận những nội dung mang tính kế thừa, tiếp nối thành quả của Hội nghị lần thứ 32 tổ chức tại Thái Lan; quyết định phương hướng hợp tác hải quan, đặc biệt là thông qua Kế hoạch Chiến lược Phát triển Hải quan (SPCD) giai đoạn 2026 - 2030.
Trên cơ sở xem xét các xu hướng phát triển hải quan gần đây trong Tổ chức Hải quan Thế giới (WCO) và các tổ chức quốc tế liên quan, cùng với các sáng kiến Hải quan khu vực ASEAN, khuyến nghị của khu vực tư nhân, để đưa vào các yếu tố mới như số hóa, tự động hóa hải quan, nền kinh tế tuần hoàn, trung hòa carbon, tính bền vững... trong chu kỳ mới của các SPCD.
Hội nghị cũng quyết định phương hướng tiếp tục triển khai Danh mục Biểu thuế chung ASEAN, Cơ chế Một cửa ASEAN, Hệ thống Quá cảnh Hải quan ASEAN, Thỏa thuận công nhận lẫn nhau (MRA) về doanh nghiệp ưu tiên (AEO) trong ASEAN và các chiến dịch, sáng kiến hợp tác đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại chung của ASEAN.Các chương trình hành động và kế hoạch chiến lược phát triển hải quan nhằm từng bước hiện thực hóa mục tiêu của Khu vực mậu dịch tự do ASEAN về luân chuyển hàng hóa tự do trong nội khối ASEAN và thúc đẩy thương mại giữa ASEAN với các đối tác.
Mặt khác, cập nhật những tiến bộ gần đây trong hội nhập hải quan ASEAN, bao gồm việc ký Thỏa thuận công nhận lẫn nhau về Doanh nghiệp ưu tiên (AAMRA) phù hợp với các nguyên tắc và tiêu chuẩn của Khung tiêu chuẩn SAFE của Tổ chức Hải quan Thế giới (WCO)... Thông qua Hội nghị, Hải quan ASEAN khuyến khích tất cả các nước thành viên tăng cường nhận thức, sự tham gia của công chúng để thu hút nhiều hơn nữa doanh nghiệp sử dụng ACTS.
Bên cạnh hoạt động bàn thảo các nội dung hợp tác hải quan, cơ chế tham vấn các đối tác đối thoại với các cơ quan hải quan trong khu vực và khu vực tư nhân đã trở thành một phần quan trọng trong Chương trình nghị sự của Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan ASEAN hàng năm.
Tại các Phiên tham vấn này, Hải quan ASEAN và các đối tác đối thoại cùng nhau trao đổi, chia sẻ về những thông lệ tốt nhất cho công tác quản lý hải quan và tạo thuận lợi thương mại; tìm kiếm cơ hội hợp tác trong lĩnh vực hải quan, đặc biệt là các vấn đề mới nổi liên quan đến tính bền vững, hải quan xanh, thương mại điện tử xuyên biên giới, thỏa thuận công nhận lẫn nhau về doanh nghiệp ưu tiên, đấu tranh chống thương mại bất hợp pháp, kiểm soát rác thải nhựa và sự luân chuyển các sản phẩm của nền kinh tế tuần hoàn...
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Thọ cho biết, việc đăng cai tổ chức và chủ trì Hội nghị này có ý nghĩa lớn đối với Hải quan Việt Nam. Ý nghĩa đầu tiên là thực hiện đúng tinh thần Chỉ thị số 25-CT/TW của Bộ Chính trị về chủ động tham gia và phát huy vai trò của Việt Nam tại các cơ chế đa phương, trong đó có ASEAN. Sau đó, thể hiện Hải quan Việt Nam là thành viên có trách nhiệm và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trong ASEAN; qua đó, nâng cao vị thế, vai trò của Hải quan Việt Nam trong cơ chế hợp tác ASEAN và trên thế giới.
Thúc đẩy hội nhập hải quan khu vực
Ông Satvinder Singh, Phó Tổng Thư ký ASEAN cho biết, những năm qua, Việt Nam đã đóng vai trò rất tích cực trong thúc đẩy hội nhập hải quan khu vực. Đầu tiên, có thể kể đến Thỏa thuận công nhận lẫn nhau về Doanh nghiệp ưu tiên, đây là một trong những sáng kiến quan trọng trong nội khối ASEAN, nhằm giảm gánh nặng cho doanh nghiệp, thúc đẩy lưu thông hàng hóa. Sự tham gia của Việt Nam vào thỏa thuận này là rất quan trọng.
Ngoài ra, trong Hệ thống quá cảnh hải quan ASEAN, Việt Nam cùng 5 nước thành viên tham gia sáng kiến về giấy phép phương tiện vận chuyển hàng hóa quá cảnh, cho phép 1 xe chở hàng sử dụng 1 giấy phép để đi qua nhiều quốc gia trong thời gian quá cảnh. Bên cạnh đó, việc Việt Nam tham gia sáng kiến về Nhà vận chuyển được cấp phép trong ACTS cùng các nước thành viên khác đã thể hiện sự tích cực đi đầu trong chống thương mại bất hợp pháp. Cùng với đó, Việt Nam cũng nghiên cứu, áp dụng những thông lệ tốt nhất của Hải quan ASEAN, trong những lĩnh vực như đơn giản hóa thủ tục hải quan, thương mại điện tử…
Theo Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Thọ, với vai trò là Chủ tịch Hải quan ASEAN nhiệm kỳ 2024 - 2025, Hải quan Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy, nâng tầm trách nhiệm để điều phối các cơ quan hải quan thành viên ASEAN; thúc đẩy việc triển khai các Kế hoạch Chiến lược Phát triển Hải quan (SPCD) đúng tiến độ. Đồng thời, khuyến khích các nước tăng cường trao đổi, cập nhật thông tin, chia sẻ kinh nghiệm và bài học trong quá trình triển khai thực tế, thu hẹp khoảng cách giữa các cơ quan hải quan thành viên; tích cực phối hợp với Ban Thư ký ASEAN tham vấn với các đối tác, tìm kiếm nguồn lực hỗ trợ phù hợp để triển khai sáng kiến của Hải quan ASEAN, đặc biệt là đối với những nội dung mới nổi liên quan đến quản lý hải quan.
Hải quan Việt Nam cũng thể hiện vai trò chủ động trong đề xuất các sáng kiến hải quan xanh, tăng cường kết nối, chia sẻ thông tin về kiểm soát hải quan, góp phần xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN thịnh vượng, bền vững; hiện thực hóa tầm nhìn của ASEAN về "Một khu vực phát triển và thịnh vượng cho tất cả người dân".
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Thọ nhấn mạnh, Hải quan Việt Nam mong muốn và hy vọng với sự đóng góp trong phạm vi, khả năng của mình, cùng Hải quan ASEAN hướng đến một mục tiêu chung trong tiến trình hội nhập của Hải quan ASEAN, góp phần xây dựng thành công Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025.