Hiểu rõ nhu cầu của người lao động
Để nâng cao tỷ lệ người lao động tham gia BHTN được hỗ trợ học nghề, có rất nhiều yếu tố phải xem xét. Trước hết, cần nắm bắt tình hình địa phương, biến động thị trường, xu hướng nghề nghiệp, nhu cầu thực tế của cung - cầu lao động.
Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm An Giang, những lao động mất việc chủ yếu là lao động phổ thông, phần lớn không có tích lũy về kinh tế nên không có điều kiện để học nghề mới với mức hỗ trợ học nghề hiện nay còn hạn chế. Chính sách BHTN chỉ hỗ trợ chi phí học nghề, chưa hỗ trợ các chi phí khác, khiến người lao động gặp khó khăn.
Điều kiện để hưởng trợ cấp thất nghiệp là người lao động cần nộp đủ BHTN 12 tháng trở lên, nhưng đối với người được hỗ trợ học nghề chỉ cần đóng từ đủ 9 tháng trở lên là người lao động có quyền được hỗ trợ học nghề. Đây là quyền lợi mà nhiều lao động đã bỏ quên.
“Mặc dù các cấp, các ngành đã quan tâm, có sự vào cuộc, tư vấn nhưng nhiều người vẫn chưa quan tâm hoặc ít biết đến chính sách này. Do đó, cần tăng cường công tác thông tin tuyên truyền để người lao động hiểu rõ họ có quyền lợi của mình, đặc biệt về hỗ trợ học nghề, không chỉ đến để nhận khoản tiền trợ cấp thất nghiệp nhất định” - Đại diện Trung tâm Dịch vụ việc làm An Giang nhấn mạnh.
Trong bối cảnh thị trường lao động có nhiều biến động, do tác động chung từ nền kinh tế, chính trị thế giới, ảnh hưởng nặng nề sau đại dịch Covid-19 hay tình trạng thiếu đơn hàng dẫn tới hàng trăm nghìn lao động mất việc làm từ giai đoạn cuối năm 2022 đến nay, cũng khiến người lao động không mặn mà với chính sách học nghề khi thất nghiệp. Đây là vấn đề đáng phải suy nghĩ.
Tăng sức hút đào tạo nghề
Có thể thấy, vấn đề cần chú trọng hàng đầu để thu hút người lao động quan tâm học nghề là đào tạo theo nhu cầu. Để chính sách đào tạo, hỗ trợ, duy trì việc làm cho người lao động thực sự phát huy hiệu quả, việc đào tạo cần dựa trên nhu cầu thực tế của người lao động, kết hợp với các cơ sở đào tạo, đào tạo chuyển đổi, cũng như tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp chặt chẽ hơn.
Trên cơ sở đó, Trung tâm dịch vụ việc làm An Giang thường xuyên mở các lớp dạy nghề dưới 3 tháng như kỹ thuật chế biến món ăn, may công nghiệp, trang điểm, làm móng, bím bới tóc, duỗi, nhuộm, cắt tóc nam, cắt tóc nữ... Ngoài ra, Trung tâm còn liên kết với một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp để mở thường xuyên các lớp nghề như kế toán doanh nghiệp, kỹ thuật xây dựng, công nghệ ô tô, kỹ thuật hàn, điện công nghiệp và dân dụng…
Để chính sách BHTN gắn với mục tiêu giải quyết việc làm và hỗ trợ học nghề tiếp tục phát huy hiệu quả hơn nữa, thời gian tới, Trung tâm sẽ thường xuyên thu thập, cập nhật thông tin về việc làm, theo dõi tình trạng việc làm của người lao động, các tin tức liên quan đến việc làm thị trường lao động đăng lên website Trung tâm.
Song song với đó, liên tục khảo sát, thu thập thông tin về nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp nhằm phục vụ xây dựng bản tin BHTN và việc làm; tổ chức thực hiện thu thập, cập nhật thông tin cung cầu lao động năm 2024.
Đồng thời, triển khai thực hiện các hoạt động hỗ trợ việc làm bền vững năm 2024 tiểu dự án 3 (dự án 4) thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025; tăng cường tổ chức các phiên giao dịch việc làm trực tuyến; kịp thời tư vấn, giới thiệu việc làm và hỗ trợ học nghề, nhằm giúp người lao động sớm có việc làm ổn định trở lại.
Ngoài ra, duy trì định kỳ tổ chức sinh hoạt chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ để kịp thời cập nhật những quy định chính sách mới cũng như kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác tiếp nhận và giải quyết hồ sơ, công tác tư vấn kết nối người dân thất nghiệp sớm quay lại thị trường lao động. Trung tâm cũng sẽ đồng bộ áp dụng công nghệ thông tin vào việc giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp nhằm hỗ trợ người lao động thất nghiệp thuận tiện trong quá trình hoàn thiện hồ sơ.
“Mặc dù còn nhiều khó khăn, song, sự gia tăng số lượng lao động làm đề nghị hỗ trợ học nghề và được đào tạo tăng qua từng năm cho thấy sức hút của việc học nghề và hiệu quả thực tế hoạt động của Trung tâm trong việc chủ động thực hiện, linh hoạt, đồng bộ các giải pháp và phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan, phát huy tốt vai trò cầu nối giữa người lao động - doanh nghiệp” - Đại diện Trung tâm dịch vụ việc làm An Giang cho hay.