Thời gian gần đây, thế giới liên tục chứng kiến những kỷ lục mới về thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra. Vấn đề này đồng thời tác động trực tiếp đến an ninh và thịnh vượng của mỗi quốc gia cũng như việc thụ hưởng đầy đủ các quyền con người của mỗi công dân.
Ai cũng biết, nhưng...
Việt Nam là một trong những quốc gia chịu nhiều tác động nhất của biến đổi khí hậu với mức thiệt hại ước tính khoảng 3,2% GDP năm 2020 và hơn 74% dân số bị ảnh hưởng. Theo ông Đỗ Hùng Việt, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, với chủ trương lấy “Nhân dân làm trung tâm, chủ thể”, Đảng, Nhà nước ta đã dành sự quan tâm đặc biệt đến vấn đề bảo đảm quyền con người trong ứng phó với biến đổi khí hậu. Các nội dung về bảo đảm quyền con người trong chính sách, pháp luật về biến đổi khí hậu cũng đã được xây dựng trên cơ sở nội luật hóa các điều ước quốc tế liên quan đến biến đổi khí hậu mà Việt Nam là thành viên.
Tác hại của biến đổi khí hậu ngày càng hiện hữu. Nguồn: ITN
Tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, Việt Nam tham gia Nhóm Nòng cốt thúc đẩy các Nghị quyết hàng năm về biến đổi khí hậu và quyền con người, với trọng tâm mỗi năm tập trung vào quyền của từng nhóm cụ thể như quyền trẻ em, quyền phụ nữ, quyền người cao tuổi, quyền của người di cư... Mới đây nhất, tại Phiên họp lần thứ 50 vào tháng 7.2022, Hội đồng Nhân quyền đã thông qua Nghị quyết năm 2022 về biến đổi khí hậu và quyền con người, tập trung vào quyền lương thực.
Song phải thẳng thắn nhìn nhận, không phải mọi người dân đều đã nhận thức đầy đủ về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với việc bảo đảm các quyền con người, trong khi biến đổi khí hậu có tác động lớn đến hầu hết các quyền này. Đơn cử, biến đổi khí hậu đe dọa trực tiếp đến tính mạng và sự an toàn của con người (quyền sống) cũng như làm tổn hại nghiêm trọng đến tuổi thọ và chất lượng cuộc sống. Theo một số liệu nghiên cứu, tính đến năm 2050, khoảng nửa triệu người trên thế giới có thể chết vì tác động của biến đổi khí hậu. Về quyền có lương thực thỏa đáng, ước tính biến đổi khí hậu sẽ làm sản lượng lương thực toàn cầu giảm khoảng 3,2% và dẫn đến 30.000 trường hợp tử vong do thiếu cân vào năm 2050.
Đối với các nhóm dễ bị tổn thương, tác động của biến đổi khí hậu đến việc bảo đảm các quyền con người lại càng lớn. Cụ thể, biến đổi khí hậu có ảnh hưởng rõ rệt đến tình trạng mất chỗ ở và di cư của con người, từ đó tác động nghiêm trọng đến sức khỏe, ổn định chính trị và an ninh quốc gia. Hầu hết các nhóm di cư đều phải đối diện với tình trạng phân biệt đối xử về việc làm, thu nhập, tiếp cận giáo dục, chăm sóc y tế, an sinh xã hội. Ở khía cạnh giới, biến đổi khí hậu cũng làm cho phụ nữ dễ tổn thương hơn nam giới cả trong công việc hay khả năng ứng phó; trẻ em có nguy cơ cao về suy dinh dưỡng, bệnh tật và cơ hội học tập…
Có phương pháp tiếp cận phù hợp
Theo bà Pauline Tamesis, Điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, biến đổi khí hậu là một vấn đề nhân quyền và do đó cách tiếp cận dựa trên quyền con người phải là trung tâm của mọi giải pháp. Theo đó, cần bảo vệ, thúc đẩy và thực hiện tất cả các quyền con người cho tất cả mọi người thông qua lồng ghép quyền con người và quản trị hiệu quả vào các hành động và chính sách về khí hậu, cho phép cho các chủ thể thụ hưởng quyền tham gia đối thoại và xây dựng chính sách, đồng thời bảo đảm trách nhiệm giải trình của những người có nghĩa vụ.
“Việc tăng cường nhận thức, giáo dục về quyền con người và mối liên hệ của chúng trên tất cả các lĩnh vực phát triển ngay từ lứa tuổi học đường sớm nhất là rất quan trọng. Việc này có nghĩa là phải thúc đẩy các giá trị nhân quyền phổ quát, khuyến khích mọi cá nhân bảo vệ không chỉ quyền của chính mình mà còn của cả cộng đồng. Điều đó cũng có nghĩa là cần nâng cao nhận thức chung rằng mọi người đều có trách nhiệm thúc đẩy nhân quyền trong xã hội”, bà Pauline Tamesis nhấn mạnh.
Cùng quan điểm, theo PGS.TS. Tường Duy Kiên, Viện trưởng Viện Quyền con người, tác động của biến đổi khí hậu sẽ trầm trọng hơn nếu áp dụng các biện pháp không phù hợp với chuẩn mực, nguyên tắc về quyền con người. Ngược lại, bảo vệ hiệu quả quyền con người sẽ giúp nâng cao năng lực của người dân, các cộng đồng trong ứng phó với biến đổi khí hậu. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 1309/QĐ-TTg ngày 5.9.2017 ban hành Đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân. Theo đó đặt mục tiêu đến năm 2025, 100% các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân tổ chức giáo dục quyền con người cho người học.
Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng đã đặt ra nhiệm vụ, giải pháp về nâng cao nhận thức, kiến thức về biến đổi khí hậu và thiên tai của các cấp chính quyền, tổ chức xã hội và cộng đồng. Vì vậy, cần đẩy mạnh, tăng cường giáo dục quyền con người nhằm nâng cao nhận thức về mối quan hệ giữa quyền con người và biến đổi khí hậu thông qua nghiên cứu, xây dựng nội dung và đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với từng đối tượng từ cán bộ lãnh đạo, quản lý; cán bộ thực thi pháp luật đến sinh viên, học sinh các cấp - những chủ nhân tương lai của đất nước.