Nhu cầu lớn từ việc làm xanh
Bà Nguyễn Thanh Hương, Giám đốc Nhân sự toàn quốc (ManpowerGroup Việt Nam) cho biết, nhu cầu việc làm xanh ngày càng nhiều, kéo theo sự xuất hiện rất nhiều vị trí mới liên quan đến ESG (phát triển bền vững và ảnh hưởng của doanh nghiệp đến cộng đồng). Số lượng việc làm xanh ngày càng gia tăng, tương ứng với sự ra đời của rất nhiều vị trí mới.
Trong cẩm nang Hướng dẫn Lương 2024 dành cho các doanh nghiệp vừa được Manpower Group Việt Nam công bố, đáng ghi nhận là xu hướng việc làm xanh được dự báo tiếp tục gia tăng. Trong đó, các vị trí việc làm liên quan đến phát triển bền vững có mức lương, thưởng hấp dẫn. Chẳng hạn, vị trí chuyên viên an toàn lao động được trả mức lương từ 1.200 - 2.000 USD/tháng; mức lương của nhân sự quản lý như vị trí giám đốc an toàn lao động có thể lên đến 9.000 USD/tháng...
Với nhận định các doanh nghiệp đang tích cực tìm kiếm lao động có kỹ năng, đóng góp nhiều sáng kiến giúp doanh nghiệp tiến gần hơn với các mục tiêu phát triển bền vững, ông Simon Matthews - Giám đốc Khu vực Đông Nam Á của Manpower Group cho hay, khoảng 70% doanh nghiệp trên toàn cầu đã và đang tích cực tuyển dụng các vị trí và kỹ năng xanh.
Theo nghiên cứu của World Bank và Tổng cục Thống kê về việc làm xanh, hiện tại, Việt Nam có 39 ngành nghề có việc làm xanh. Các ngành có mức độ tập trung việc làm xanh cao nhất hiện nay là điện, khí đốt và cấp nước (23%), khai mỏ (5%), dịch vụ thị trường (5%).
Cam kết Net-Zero và nhiều cơ hội cho lao động
Việt Nam đang xanh hóa nền kinh tế nên tương lai có thêm 88 nghề khác có tiềm năng có việc làm xanh. Dự báo số lượng việc làm xanh có thể chiếm tới 41% tổng số việc làm trên thị trường tương lai.
Kinh tế xanh, việc làm xanh đã và đang được cụ thể hóa thành các tiêu chuẩn, được đề cập trong các cam kết thương mại quốc tế. Đơn cử như quy định về biên giới carbon đã có hiệu lực từ 1.10.2023, quy định về chống mất rừng sẽ có hiệu lực từ 1.1.2025... Theo đó, việc đáp ứng các tiêu chuẩn của chuỗi cung ứng toàn cầu đối với hàng hóa xuất khẩu từ các thị trường là yêu cầu bắt buộc.
Tại Việt Nam, các quy định trong Luật Bảo vệ môi trường, từ năm 2023, các doanh nghiệp phải có nghĩa vụ kiểm kê phát thải khí nhà kính tự nguyện. Đến năm 2025, kiểm kê phát thải khí nhà kính sẽ là bắt buộc với các doanh nghiệp.
Mới đây, tại Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển Việt Nam 2024 lần thứ 4, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã có những chia sẻ về kinh tế tuần hoàn và việc làm xanh. Theo Phó Thủ tướng, Việt Nam đã lựa chọn cùng với nhiều quốc gia trên thế giới chuyển đổi mạnh mẽ từ nền kinh tế "nâu" sang nền kinh tế "xanh" với trọng tâm chuyển đổi tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng, phát thải carbon thấp, bảo đảm tăng trưởng xanh, hướng tới thực hiện thành công cam kết Net-Zero vào năm 2050 và phát triển bền vững. Đây được xem là xu thế tất yếu không thể đảo ngược trong tiến trình phát triển của thế giới. Bên cạnh đó, Việt Nam đã có khung pháp lý căn bản và Chính phủ cam kết sẽ tiếp tục hoàn thiện, thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế xanh, trong đó có lĩnh vực năng lượng tái tạo…
Theo đánh giá gần đây của Ủy ban châu Âu (EC) về quy mô thị trường toàn cầu hiện nay, các sản phẩm và dịch vụ xanh ước tính đạt trên 5.000 tỷ USD và có thể tốc độ tăng trưởng cao hơn nhiều so với các thị trường truyền thống. Dự báo đến năm 2030, nền kinh tế xanh sẽ tạo ra khoảng 24 triệu việc làm mới trên toàn cầu. Kinh tế xanh còn tạo ra cơ hội để thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư vào nhiều lĩnh vực mới như năng lượng tái tạo, giao thông thông minh, nông nghiệp thông minh, đô thị xanh, công trình xanh, tài chính xanh. Trên bình diện quốc gia, chiến lược về tăng trưởng xanh còn thể hiện quyết tâm và khát vọng phát triển đất nước hùng cường, thịnh vượng và bền vững.