Kiểm soát ô nhiễm, chất thải từ hoạt động thủy sản

- Thứ Năm, 01/12/2022, 05:42 - Chia sẻ

Ngành thủy sản chịu tác động mạnh mẽ của ô nhiễm môi trường song cũng là tác nhân gây ô nhiễm môi trường. Ước tính, chất thải rắn từ nuôi tôm là 123 tấn/vụ/ha; sản xuất 1 tấn cá tươi tạo ra 33,3 tấn bùn thải; rác thải nhựa của tàu trên 6m khoảng 64.143 tấn/năm và 5,6% thất thoát ra biển...

Mỗi hécta nuôi tôm phát sinh 123 tấn chất thải rắn

Ngành thủy sản đã dần trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, là một trong 5 ngành kinh tế biển then chốt trong Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2030. Tổng cục Thủy sản cho biết, đến tháng 11.2022, tổng sản lượng thủy sản ước đạt 8,2 triệu tấn, đạt 94,3% so với kế hoạch cả năm (8,7 triệu tấn). Tính chung 10 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 9,4 tỷ USD, tăng 32,7% so với cùng kỳ năm 2021; chiếm trên 7% thị phần giao thương thủy sản toàn cầu.

Ưu tiên, coi trọng vấn đề bảo vệ môi trường trong nuôi trồng thủy sản
Ưu tiên, coi trọng vấn đề bảo vệ môi trường trong nuôi trồng thủy sản. Nguồn: ITN

Tuy nhiên, việc mở rộng ngành công nghiệp thủy sản đã góp phần làm môi trường xuống cấp, và trở thành mối đe dọa tiềm ẩn trong việc phát triển ngành một cách bền vững. Ước tính lượng chất thải rắn từ nuôi tôm là 123 tấn/vụ/ha, nước thải hơn 5.000m3; sản xuất 1 tấn cá tra tươi tạo ra 33,3 tấn bùn thải. Tổng lượng rác thải nhựa phát sinh do tàu khai thác thủy sản có chiều dài từ 6m trở lên của cả nước khoảng 64.143 tấn/năm, trong đó lượng rác nhựa thất thoát ra biển khoảng 3.814 tấn (chiếm 5,6%). Thải lượng phát sinh từ nước vệ sinh, sửa chữa tàu cá năm 2020 với 94.572 tàu cá là khoảng 3,7 triệu lít mỗi ngày… Trong khi đó, nguồn lực cho hoạt động bảo vệ môi trường thủy sản (gồm cả tài chính và nhân lực) còn rất hạn chế.

Ở một số địa phương, bảo vệ môi trường trong nuôi trồng thủy sản luôn là vấn đề bức xúc. Đơn cử, tại Cà Mau, do quá trình phát triển sử dụng đất đai để nuôi tôm lâu, môi trường đất, môi trường nước và các hệ sinh thái trong vùng nuôi trồng thủy sản bị biến đổi gây suy thoái, ô nhiễm môi trường, năng suất sinh học ngày càng giảm. Diện tích rừng ngập mặn ven biển suy giảm do chuyển đổi sang nuôi tôm từ những năm đầu và ảnh hưởng đến các hệ sinh thái rừng ngập mặn.

Bên cạnh đó, nguồn thải ra sông rạch đã tác động làm cho môi trường nước ở Cà Mau bị biến đổi, gây ô nhiễm. Chất lượng nước trong các ao nuôi thủy sản đặc biệt là trong các mô hình nuôi công nghiệp và nước thải từ các nhà máy chế biến thủy sản đã cho thấy dấu hiệu ô nhiễm hữu cơ. Có sự xuất hiện các thành phần độc hại như H2S, NH3+,… và chỉ số vi sinh Coliforms, đã cho thấy nguồn nước thải này chưa được xử lý triệt để trước lúc thải ra sông rạch... Đáng chú ý là ý thức chấp hành của nhiều người dân chưa cao, chưa thu gom, phân loại, xử lý chất thải trong hoạt động nuôi trồng thủy sản.

Chấm dứt sử dụng các hóa chất độc hại

Mới đây, Chính phủ phê duyệt Đề án bảo vệ môi trường trong hoạt động thủy sản giai đoạn 2021 - 2030. Đề án đặt mục tiêu đến năm 2030 nguồn ô nhiễm, chất thải từ các hoạt động thủy sản được điều tra, đánh giá, quản lý và kiểm soát; chấm dứt việc sử dụng các loại hóa chất độc hại trong nuôi trồng thủy sản gây ô nhiễm nguồn nước và làm suy giảm đa dạng sinh học. Nguồn vốn tự nhiên thủy sản phục vụ phát triển kinh tế - xã hội từng bước được nghiên cứu, kiểm kê, đánh giá. Xây dựng, áp dụng dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên và đầu tư phát triển nguồn vốn tự nhiên thủy sản...

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đà Nẵng Phan Văn Mỹ cho biết, để đạt được các mục tiêu trên, địa phương sẽ tập trung phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá và công nghiệp chế biến thủy, hải sản; tăng cường bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản; nhân rộng mô hình thu gom chất thải sinh hoạt (toilet) lắp đặt trên tàu cá; tập trung phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng chất lượng cao...

Ông Mỹ cho biết thêm, năm 2022, Ban quản lý Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang đã phối hợp với Tổng cục Thủy sản, tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới tại Việt Nam (WWF) thực hiện mô hình thí điểm thu gom rác thải nhựa phát sinh trong quá trình khai thác thủy sản của 25 tàu cá, lắp đặt 6 thùng rác 3 ngăn phục vụ phân loại rác thải tại nguồn. Sau những chuyến đi biển, ngư dân thu gom rác thải nhựa phát sinh trong quá trình khai thác mang về cảng giao cho Ban Quản lý. Kết quả sau 6 tháng thực hiện thí điểm thu gom được 570kg rác thải gồm ngư lưới cụ hỏng, túi ni lông, thùng xốp, chai lọ, vỏ lon bia...

Hiện tại, Cần Thơ cũng đẩy mạnh phát triển thủy sản theo hướng hiện đại, áp dụng công nghệ thông minh, công nghệ tuần hoàn, xanh sạch nhằm giảm thiểu tác động môi trường và tạo ra các sản phẩm sạch, hữu cơ có giá trị cao. Đồng thời, tăng cường công tác quan trắc và cảnh báo môi trường...

Theo yêu cầu của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến, Tổng cục Thủy sản cần khẩn trương hoàn thiện trình ban hành Kế hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thực hiện Đề án. Trong quá trình này, phải tổ chức điều tra, khảo sát để xác định rõ các vấn đề môi trường trọng tâm của ngành, từ đó xác định được các nhiệm vụ, đề xuất được các chính sách cần xây dựng và áp dụng ngay nhằm khuyến khích các bên liên quan cùng tham gia bảo vệ môi trường.

Hạnh Nhung