“Mất mạng” vì rượu không rõ nguồn gốc
Sau nhiều ngày điều trị tại Bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Đức, 2 bệnh nhân trong vụ "8 người ngộ độc rượu, 2 người tử vong" ở TP. Hồ Chí Minh đã qua cơn nguy kịch và có thể xuất viện trong thời gian tới. 4 nạn nhân còn lại đang được điều trị tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định, trong đó có 1 bệnh nhân nguy kịch, tổn thương 2 bán cầu não.
Chia sẻ với giới truyền thông khi vẫn nằm trong bệnh viện Thủ Đức, bệnh nhân N.V.T (19 tuổi, quê Phú Yên) cho biết, ngày 3.8, T cùng 7 nhân viên của quán buffet trên đường Tăng Nhơn Phú, phường Phước Long B, TP. Thủ Đức nhậu tại quán sau giờ làm. Can rượu đựng trong bình nước suối 5 lít có sẵn trên bàn, T không biết rượu này mua hay lấy từ đâu.
Thấy rượu khó uống, mọi người mua thêm nước ngọt màu đỏ pha vào cho dễ uống. Được một lúc, T thấy chóng mặt, mệt rồi ngủ thiếp đi. Tỉnh dậy thì một bạn nhậu cùng đã tử vong, còn T vẫn mệt nên nhờ bạn đưa vào cấp cứu. Đến giờ - dù đã thoát khỏi cửa tử, bệnh nhân này vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại chuyện đã xảy ra.
Đáng chú ý là ngay sau vụ việc nghiêm trọng này, Bệnh viện Nhân dân Gia Định tiếp tục tiếp nhận thêm 5 trường hợp nhập viện sau khi uống rượu pha cồn methanol.
Theo Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP. Hồ Chí Minh, liên tiếp các vụ ngộ độc rượu xảy ra trong thời gian ngắn là hồi chuông cảnh báo về việc sử dụng rượu không đảm bảo an toàn dẫn đến ngộ độc rượu.
Bên cạnh đó, các vụ ngộ độc methanol cho thấy tình trạng rượu lẫn cồn công nghiệp trước đây chỉ xảy ra ở các tỉnh biên giới phía Bắc nay đã xuất hiện ở phía Nam. Mới đây, 3 người phụ nữ tại Cà Mau cũng đã tử vong vì nhậu suốt 2 ngày và nghi ngộ độc methanol.
Trước diễn biến này, Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP. Hồ Chí Minh khuyến cáo người dân “không uống rượu khi không biết đó là rượu gì, rượu không có nguồn gốc”.
Tương tự, TS. Lâm Quốc Hùng, chuyên gia của Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế khuyến cáo người dân không uống các loại rượu không có nhãn mác; rượu tự pha chế không có chứng nhận công bố tiêu chuẩn sản phẩm; rượu sản xuất ở các cơ sở không có Giấy phép sản xuất, kinh doanh.
Đồng thời, không tự mua thuốc Bắc, tự mua hay sưu tầm cây, con theo kinh nghiệm về ngâm để uống. Tuyệt đối không dùng rượu quá liều lượng, quá mức độ như uống say, quá say. Nếu có dấu hiệu bất thường liên quan đến uống rượu cần đến ngay cơ sở y tế để được kiểm tra phát hiện nguyên nhân và xử lý kịp thời, ông nhấn mạnh.
Phải dẹp được "rượu 3 không"
Tuy vậy, nỗ lực của người tiêu dùng là chưa đủ khi mà mỗi năm Việt Nam có tới gần 300 triệu lít rượu thủ công được đưa ra thị trường với tình trạng “3 không” - không nguồn gốc xuất xứ, không tem nhãn, không công bố chất lượng, theo số liệu của Bộ Công thương. “Điều này vừa ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, làm tăng chi phí chăm sóc y tế, vừa gây thiệt hại kinh tế cho Nhà nước”, ông Ludovic Ledru, đồng Chủ tịch Diễn đàn uống có trách nhiệm bình luận.
Theo nghiên cứu mới công bố của Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM, lượng cồn nguyên chất tiêu thụ ở nước ta trong năm 2016 của khu vực phi chính thức ước đạt trên 385,4 triệu lít, chiếm 63% tổng lượng tiêu thụ toàn thị trường. Trong đó, sản lượng rượu thủ công chiếm 70 - 90%, ước tính 308 triệu lít cồn nguyên chất, với giá trị tiêu thụ là 1.156 triệu USD. Tổn thất về thuế đối với khu vực này khoảng 751 triệu USD, tương đương 17 nghìn tỷ đồng.
Lượng rượu tiêu thụ mỗi năm rất lớn, trong đó nhiều loại rượu giả, rượu lậu, rượu tự pha không công bố tiêu chuẩn sản phẩm đang được lưu hành tự do trên thị trường dẫn đến tình trạng ngộ độc rượu có xu hướng gia tăng.
Theo số liệu của Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP. Hồ Chí Minh, từ năm 2017 đến tháng 6.2022, trên địa bàn thành phố xảy ra 12 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 185 người mắc và 7 người tử vong. Cả 7 trường hợp tử vong vào cuối năm 2021, có điểm chung là trước đó đều ăn nhậu và được cơ quan chức năng nhận định có độc tính từ methanol tác động.
Còn tại Hà Nội, trong 7 tháng đầu năm 2022 cũng xảy ra 2 trường hợp ngộ độc methanol.
Những con số nêu trên và liên tiếp các vụ ngộ độc rượu gần đây là hồi chuông báo động, đòi hỏi Chính phủ quan tâm hơn tới quản lý rượu phi chính thức. Theo các chuyên gia, quản lý tốt sẽ giúp bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, tránh thất thu thuế và tăng thu ngân sách.
Đề xuất giải pháp, ông Ludovic Ledru, đồng Chủ tịch Diễn đàn uống có trách nhiệm, cho rằng các địa phương cần thống kê các cơ sở sản xuất rượu thủ công và xác định rõ đối tượng thuộc diện phải quản lý, cấp phép. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, xử lý trường hợp sản xuất số lượng lớn nhưng lại đăng ký không nhằm mục đích kinh doanh hoặc không có giấy phép.
Cùng với đó, giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình đăng ký Giấy phép sản xuất và truyền thông nâng cao nhận thức cho hộ sản xuất rượu thủ công.
Ở cấp độ Trung ương, các chuyên gia cho rằng cần ban hành Quy chuẩn kỹ thuật về rượu thủ công; đơn giản hóa thủ tục cấp phép sản xuất và kinh doanh để khuyến khích người dân đăng ký hoạt động. Việc rà soát các quy định để hạn chế những lỗ hổng pháp lý như thiếu quy định pháp luật về rượu ngâm, tăng chế tài xử phạt việc không tuân thủ kê khai, đăng ký cũng rất cần thiết.