1.628 người hiến máu, tiểu cầu trong 7 ngày nghỉ Tết
Còn nhớ, vào cuối tháng 1.2024, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đã đưa ra thông điệp kêu gọi hiến máu trước Tết khi lượng máu dự trữ giảm nghiêm trọng, ước tính thiếu khoảng 10.000 đơn vị máu cho Tết. Song, chỉ sau một tuần, nhờ sự chung tay kêu gọi của cộng đồng, lan tỏa hành động nhân văn và sẵn sàng dành thời gian bận rộn của những ngày giáp Tết đến hiến máu, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đã khắc phục được đáng kể tình trạng khan hiếm máu dự trữ Tết.
Trong 6 ngày cao điểm sau kêu gọi (từ 2.2 - 7.2), Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đã tiếp nhận gần 8.300 đơn vị máu; cao nhất là ngày Chủ nhật 4.2 (25 tháng Chạp) đã tiếp nhận 2.162 đơn vị máu. Trong đó, riêng điểm tại Viện đã đón tiếp 5.725 người đến hiến máu thành công trong 6 ngày, cao gấp gần 4 lần so với dự kiến trước đó.
Thống kê từ Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương cũng cho thấy, riêng trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán từ 8.2 đến hết 14.2 (tức 29 tháng Chạp đến mùng 5 Tết), đã có 1.628 người đến Viện tham gia hiến máu và hiến tiểu cầu; trong đó, 1.269 người tham gia hiến máu và 359 người hiến tiểu cầu. Kết quả này cao hơn so với các năm trước đây. Trung bình mỗi ngày có hơn 230 người đến Viện hiến máu, hiến tiểu cầu và cao nhất là ngày mùng 5 Tết, Viện đón tiếp 312 người đến hiến máu và 100 người hiến tiểu cầu. Ngày 29 tháng Chạp, Viện cũng tiếp nhận 298 đơn vị máu và 55 đơn vị tiểu cầu.
Khác với hơn chục năm về trước, nhiều người còn e ngại việc "cho đi" bởi sẽ mất đi may mắn nên tình trạng khan hiếm máu điều trị sau Tết thường kéo dài. Năm nay, nhiều người còn đặt lịch sớm từ trước Tết, căn thời gian để đủ điều kiện hiến máu vào mùng 1 Tết và được là người xông đất "Viện Máu".
Là một trong những người có "duyên hiến máu" vào mùng 1 Tết, bác sĩ Nguyễn Ngọc Dũng, Trưởng khoa Tế bào - Tổ chức học thuộc Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương chia sẻ, 1/3 trong gần 70 lần hiến máu của ông thực hiện vào dịp Tết. Trong 25 năm làm bác sĩ, hiến máu đã thành thói quen, gần như Tết năm nào bác sĩ Dũng cũng tham gia. Có nhiều năm, bác sĩ Dũng là người "xông đất" phòng hiến máu của Viện. Đặc biệt, bác sĩ có hẳn một "nhiệm kỳ" liên tục 5 năm hiến máu sáng mùng 1.
Tiếp tục lan tỏa hành động ý nghĩa
Nhằm đáp ứng nhu cầu máu điều trị cho người bệnh trong thời điểm sau Tết Nguyên đán (thời điểm khan hiếm máu nhất trong năm), Lễ hội Xuân hồng lần thứ 17 năm 2024 chính thức được khởi động rất sớm từ 18.2 (tức mùng 9 Tết). Chương trình sẽ kéo dài liên tục trong 8 ngày và diễn ra tại 3 địa điểm tại Hà Nội, gồm: Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, Trường THCS Trâu Quỳ, Trung tâm Thương mại AEON Mall Hà Đông.
Được khởi xướng từ năm 2008, "Lễ hội Xuân hồng" đã góp phần quan trọng trong việc đáp ứng lượng máu thường thiếu hụt ngay sau Tết Nguyên đán, góp phần tạo dựng và duy trì thói quen hiến máu đầu xuân của nhiều người dân. Trải qua 16 kỳ tổ chức, Lễ Hội Xuân hồng đã trở thành điểm đến hấp dẫn của hàng vạn tấm lòng nhân ái mỗi dịp đầu Xuân.
Chị Nguyễn Thị Việt Hà, tuyên truyền viên Hội Thanh niên vận động hiến máu Hà Nội rất vui khi được tham gia hiến máu bởi, mỗi lần hiến máu, chị đã góp một phần nhỏ bé trong việc đáp ứng lượng máu thường thiếu hụt ngay sau Tết Nguyên đán. Hơn hết, hoạt động hiến máu cứu người không chỉ mang lại cuộc sống, niềm hy vọng cho bệnh nhân và gia đình mà còn đem đến hạnh phúc cho chính những người đã cho đi giọt hồng tình nghĩa.
Không chỉ có Lễ hội Xuân hồng, nhiều lễ hội hiến máu đầu Xuân cũng được lan tỏa và triển khai rộng khắp trên cả nước; trong đó phải kể tới "Giọt hồng Blouse trắng". Với ý nghĩa "Một giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại", trong 2 ngày 15 và 16.2 vừa qua, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức lễ hội hiến máu.
Hiểu được ý nghĩa của việc hiến máu, nhằm bảo đảm nhu cầu máu trong điều trị và cấp cứu người bệnh, đặc biệt trong giai đoạn thiếu hụt lượng máu dự trữ sau Tết, rất đông cán bộ, nhân viên của Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa đã đến đăng ký, tham gia hiến máu. Đây là hoạt động có ý nghĩa, thể hiện tinh thần trách nhiệm của những người thầy thuốc "Lương y như từ mẫu".
Ước tính trong 2 ngày 15 và 16.2, Ban Tổ chức chương trình thu về khoảng 500 đơn vị máu, góp phần tạo nguồn máu cứu sống người bệnh, đem lại nguồn sống, niềm hy vọng cho người bệnh đang cần máu tại các cơ sở điều trị, giúp sẻ chia sự sống để gắn kết yêu thương vì một cộng đồng khỏe mạnh.