Xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới:

Hệ giá trị con người là trung tâm

- Thứ Sáu, 02/12/2022, 06:32 - Chia sẻ

Xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới là nhiệm vụ rất quan trọng nhằm triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021. Trong đó, xây dựng hệ giá trị con người Việt Nam trong thời kỳ hiện nay là một trong những nội dung cốt yếu.

Hệ giá trị mang tính cốt lõi

Theo PGS.TSKH Lương Đình Hải, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, trong gần 4 thập niên qua, phát triển toàn diện con người Việt Nam đã trở thành trung tâm của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội; việc xây dựng con người theo các giá trị, tiêu chí và chuẩn mực con người được nêu ở Nghị quyết Trung ương 5 Khóa VIII và Nghị quyết Trung ương 9 Khóa XII, đạt được những thành tựu nổi bật. Các giá trị, tiêu chí và chuẩn mực xây dựng và phát triển con người Việt Nam được hiện thực hóa và phát huy tác dụng rất to lớn, quyết định các thành tựu của đất nước. Chỉ số HDI và các chỉ số khác về phát triển con người không ngừng gia tăng đạt mức cao hơn so với các quốc gia có cùng mức thu nhập bình quân GDP/người/năm.

PGS.TSKH Lương Đình Hải nêu rõ, hệ giá trị con người là một cấu thành đặc biệt quan trọng trong hệ thống nhiều hệ giá trị Việt Nam khác nhau cùng tồn tại trong giai đoạn lịch sử hiện nay của đất nước. Trong quá trình hình thành, phát triển, trải qua hàng nghìn năm lịch sử, dân tộc Việt Nam đã tạo nên một hệ thống nhiều hệ giá trị khác nhau, như: hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị xã hội, hệ giá trị gia đình, hệ giá trị cộng đồng, hệ giá trị tộc người, hệ giá trị đạo đức, hệ giá trị chính trị... Tùy thuộc vào lĩnh vực, đối tượng, chủ thể, góc độ xem xét, mà mỗi một hệ giá trị đó lại bao hàm những giá trị khác nhau và có những cơ cấu, trình tự thứ bậc khác nhau. Nhưng trong hệ thống các hệ giá trị đó thì hệ giá trị con người bao giờ cũng là hệ giá trị trung tâm.

Trong mối quan hệ với các hệ giá trị cơ bản, như hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình, hệ giá trị cộng đồng… thì hệ giá trị con người còn thể hiện là hệ giá trị cốt lõi với nhiều giá trị xuyên suốt các hệ giá trị khác; ẩn chứa, kết tinh, thấm đẫm trong nhiều mặt, nhiều nội dung của các hệ giá trị khác.

Với ý nghĩa quan trọng như vậy, GS.TS Hồ Sĩ Quý - nguyên Viện trưởng Viện Thông tin khoa học xã hội khẳng định, xây dựng chuẩn mực con người Việt Nam là nhiệm vụ không tách rời với xây dựng hệ giá trị gia đình, hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị quốc gia. Về thực chất, đó là sự tìm kiếm một tổng thể các giá trị tin cậy với chuẩn mực lý tưởng về con người, nhằm khơi dậy ý chí phát triển, định hướng để từng con người và toàn xã hội phát triển lành mạnh, phát huy được tối đa tiềm năng, thu hút được ngoại lực và tinh hoa văn hóa, văn minh nhân loại, thực hiện thành công mục tiêu kỳ vọng mà Đại hội XIII của Đảng đặt ra là, phấn đấu đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, Việt Nam trở thành một quốc gia phát triển, có thu nhập cao.

Phiên thảo luận về hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam tại Hội thảo sáng 29.11
Ảnh: M. Trang

Cần có nghị quyết chuyên đề về xây dựng và phát triển con người

Hiện nay, nhiều hành vi và hiện tượng xã hội ở Việt Nam đang bị coi là lệch chuẩn, không chỉ chuẩn đạo đức, mà còn cả về chuẩn pháp lý. “Chính vì thế vấn đề xây dựng chuẩn mực con người được đặt ra một cách cấp thiết. Nếu xã hội có những hệ chuẩn mực hợp lý, đúng đắn, sáng suốt, phù hợp với mục tiêu của tiến bộ xã hội... thì hành vi và hoạt động của con người sẽ có căn cứ để điều chỉnh và tự điều chỉnh, xã hội sẽ bớt đi những hiện tượng lệch chuẩn”, GS.TS Hồ Sĩ Quý nhận định.

Một số ý kiến cũng cho rằng, chuẩn mực con người, thực chất là chuẩn mực xã hội. Ngay cả trường hợp những cá nhân tự xác định chuẩn mực cho riêng mình, chỉ một mình thực hiện, không cần đến sự can thiệp của người khác, của cộng đồng, thì trên thực tế, những chuẩn mực tự xác định đó cũng vẫn là chuẩn mực xã hội. Với những trường hợp này, cơ chế kiểm tra, đánh giá thường rất nghiêm ngặt, tưởng như chỉ có ý nghĩa cá nhân, nhưng thực tế vẫn là theo những nguyên tắc, quy tắc, luật lệ... xã hội.

Bày tỏ sự đồng tình, Phó Chủ tịch Hội Khoa học phát triển nguồn nhân lực và nhân tài TP. Hồ Chí Minh, TS. Hồ Bá Thâm lưu ý, chính các chuẩn mực sẽ điều chỉnh ý thức và hành vi của con người và qua quá trình thực hiện các chuẩn mực thì giá trị con người được củng cố bền vững hơn.

Để thực hiện chuẩn mực hệ giá trị con người hiện nay, TS. Hồ Bá Thâm cho rằng, cần tuyên truyền sâu rộng hệ chuẩn mực con người Việt Nam nói chung, để từ đó các đơn vị, cá nhân biết, cụ thể hóa, áp dụng, thực hiện cho phù hợp từng nơi, từng thời kỳ. Việc thực hiện hệ chuẩn mực con người Việt Nam hiện nay cần gắn với hệ chuẩn mực gia đình văn minh, đời sống văn hóa ở cơ sở, đơn vị, khu phố văn minh... Bên cạnh đó, tích cực nêu gương người tốt việc tốt, người tử tế, việc làm tử tế, phê bình, phê phán những ý thức và hành vi không thực hiện hoặc thực hiện lệch chuẩn, sai chuẩn.

Theo PGS.TSKH Lương Đình Hải, trong giai đoạn đổi mới, Đảng ta đã xác định con người là mục tiêu, là động lực, là trung tâm của sự phát triển; công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội đều phải do con người, vì con người. Nhưng, trong thực tế, chủ trương đó vẫn chưa được các chủ thể xã hội khác nhau thực sự xem con người, nhân lực là khâu quyết định. Đảng chưa có nghị quyết riêng về xây dựng và phát triển con người, dù tất cả các nghị quyết đều có nói về con người. “Đã đến lúc cần có một nghị quyết chuyên đề về xây dựng và phát triển con người với đầy đủ các nội dung phong phú về con người đối với phát triển bền vững đất nước đến 2030 và tầm nhìn đến 2045”, PGS.TSKH Lương Đình Hải nhấn mạnh.

Minh Trang