Đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước nhằm giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, đồng thời góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và hội nhập quốc tế.
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), hiện có khoảng 650.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ với hơn 30 nhóm ngành nghề và thời hạn hợp đồng khác nhau.
Trong điều kiện bình thường, mỗi năm Việt Nam đưa gần 150.000 lao động ra nước ngoài làm việc. Cụ thể, năm 2018 là 142.860 lao động, năm 2019 là 147.387 lao động. Trong 2 năm 2020, 2021 đại dịch Covid-19 hoành hành, các thị trường tiếp nhận buộc phải đóng cửa biên giới trong khoản thời gian nhất định nhưng Việt Nam vẫn đưa tổng cộng hơn 123.000 lao động ra nước ngoài làm việc.
Bước sang năm 2022, khi đại dịch được khống chế, các nước đi lại bình thường, hoạt động xuất khẩu lao động (XKLĐ) của Việt Nam tiếp tục thích ứng với điều kiện bình thường mới và đã đưa được 142.779 lao động ra nước ngoài làm việc. Bước sang năm 2023 rất thuận lợi về nhiều mặt nên chỉ trong 11 tháng của năm 2023, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 146.156 lao động, đạt 121,8% kế hoạch năm 2023.
Đặc biệt, Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1.1.2022 là cú hích về hành lang pháp lý cho hoạt động XKLĐ. Trong đó, có nhiều chính sách đáng quan tâm với các doanh nghiệp trong lĩnh vực này. Luật đã thật sự góp phần làm minh bạch thị trường XKLĐ, đẩy mạnh vai trò của doanh nghiệp phái cử trong công tác tuyển chọn, đào tạo, phái cử và sau phái cử. Người lao động nhờ đó cũng được hưởng lợi nhiều từ việc giảm chi phí vốn là rào cản con đường ra nước ngoài làm việc của họ.
Hiện lao động Việt Nam chủ yếu đến làm việc tại các thị trường đã ký MOU như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Malaysia, Singapore, Hungari, Romania, Ba Lan, Ả rập xê út,... Hiện Bộ LĐ-TB-XH đang tích cực xúc tiến với một số thị trường chất lượng cao như Đức, CH Séc, Úc, New Zeland, Canada, Hy Lạp, Các tiểu Vương quốc Ả rập thống nhất (UAE)...
Tại 3 thị trường tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam nhất trong nhiều năm qua, người lao động Việt Nam đang giữ vai trò quan trọng trong lực lượng lao động nước ngoài tại các quốc gia và vũng lãnh thổ này. Cụ thể, tại Nhật Bản, hiện có khoảng 380.000 người Việt Nam đang sinh sống và làm việc, chiếm 18% tổng số lao động người nước ngoài tại Nhật Bản. Tại Hàn Quốc, hiện có trên 65.000 lao động Việt Nam đang làm việc, chiếm 22% trong tổng số 256.000 người Việt Nam tại Hàn Quốc. Tại Đài Loan (Trung Quốc), tính đến cuối tháng 10-2023, số lượng lao động Việt Nam đang làm việc tại đây vào khoảng trên 260.000 người, chiếm 35% tổng số lao động nước ngoài ở Đài Loan.
Theo Văn phòng quản lý lao động Việt Nam tại Hàn Quốc, hiện quốc gia này đang thiếu nhân lực trầm trọng từ nông nghiệp cho đến sản xuất chế tạo. Đơn cử như ngành đóng tàu của Hàn Quốc sẽ cần thêm 135.000 lao động vào năm 2027. Hàn Quốc cũng đang thay đổi nhiều chính sách để thu hút lao động nước ngoài.
Chính phủ Nhật Bản cũng sắp trình chương trình lao động mới thay thế chương trình thực tập sinh kỹ năng với nhiều ưu điểm vượt trội dành cho người lao động nước ngoài. Các nước như Australia, CHLB Đức, Canada,… cũng đang thiếu hụt nhân lực có tay nghề về an sinh xã hội, điều dưỡng, nông nghiệp, xây dựng, cơ khí...
Ông Himeno Masaki - Chủ tịch Công ty Keio - Denka Kogyo (Nhật Bản) cho biết: “Công ty chúng tôi từ lâu đã tuyển dụng rất nhiều thực tập sinh Việt Nam. So với các quốc gia thì lao động Việt Nam làm việc chăm chỉ hơn, về năng lực thì lao động Việt Nam ưu tú hơn và nổi trội hơn. Chính vì điều này chúng tôi cũng tự tin mở nhà máy tại Việt Nam từ năm 2014 để tiếp tục được làm việc với thực tập sinh Việt Nam về nước. Tôi khẳng định sẽ tiếp tục tin tưởng các thế hệ thực tập sinh Việt Nam trong thời gian tới. Tôi cũng kỳ vọng các doanh nghiệp phái cử thực tập sinh sang Nhật Bản tiếp tục làm tốt việc đào tạo tiếng Nhật, đào tạo các kỹ năng, tác phong làm việc và định hướng nghề nghiệp để lao động Việt Nam nhanh chóng hoà nhập và làm việc, học tập hiệu quả tại Nhật Bản hơn nữa”.
Như vậy, trong thời gian tới, cánh cửa để người lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc sẽ rộng mở hơn, với nhiều sự lựa chọn hơn, đa dạng ngành nghề hơn, thu nhập cao hơn, đời sống và quyền lợi của người lao động cũng đảm bảo hơn.
Bên cạnh những thành tích ấn tượng như trên, thực tế hoạt động đưa người lao động ra nước ngoài làm việc vẫn còn một số vấn đề tồn đọng.
Cụ thể như, tỉ lệ lao động chưa qua đào tạo ra nước ngoài làm việc còn khá lớn nên những công việc mà người lao động Việt Nam làm chủ yếu là lao động phổ thông; Chi phí mà người lao động phải đóng để tham gia XKLĐ còn chênh lệch và cao so với hoàn cảnh khiến nhiều người phải vay mượn, cầm cố tài sản; Hoạt động cho vay vốn đi XKLĐ còn một số bất cập về thủ tục và giải ngân; Đặc biệt, việc tiếp cận nguồn tin chính thống về hoạt động XKLĐ còn hạn chế dẫn đến việc nhiều người bị lừa đảo, tiền mất tật mang,...
Đây cũng là những vấn đề được chia sẻ, đóng góp và đề xuất của các cấp cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp và chuyên gia tại Hội thảo “Nâng cao hiệu quả XKLĐ, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội của đất nước”; Vinh danh doanh nghiệp XKLĐ tiêu biểu năm 2023 và phát động cuộc thi viết “nâng bước người lao động” do Báo Người lao động tổ chức sáng 27.12.2023. Nhằm góp phần nâng cao chất hoạt động XKLĐ, đưa lĩnh vực nhiều tiềm năng này ngày càng phát triển bền vững.