Giải pháp căn cơ cho vấn đề hạn mặn ở đồng bằng sông Cửu Long

- Thứ Bảy, 20/04/2024, 07:45 - Chia sẻ

Trước tình trạng xâm nhập mặn diễn ra gay gắt tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long những ngày gần đây khiến không ít người dân ở vùng kênh, rạch chằng chịt này rơi vào tình cảnh thiếu nước ngọt sinh hoạt. Các chuyên gia cho rằng: hỗ trợ nước ngọt cho người dân chỉ là giải pháp tạm thời, về lâu dài cần có giải pháp căn cơ cho vấn đề hạn mặn của cả vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Sẻ chia dòng nước mát lành                    

Thức đêm, đi hàng mấy cây số để xin từng thùng nước ngọt từ các xe cấp nước từ thiện; gom hết xô, thau, lu, chậu trong nhà để trữ nước ngọt phục vụ tiêu dùng hàng ngày; thậm chí phải bỏ ra gần 100.000 đồng để mua một mét khối nước ngọt… là tình cảnh nhiều hộ dân ở các tỉnh Bến Tre, Cà Mau, Kiên Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Tiền Giang phải chịu đựng mấy tháng nay.

Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia Hoàng Văn Đại cho biết: từ đầu năm 2024 đến nay, xâm nhập mặn ở vùng đồng bằng sông Cửu Long ở mức cao hơn trung bình nhiều năm và đang tiếp tục gia tăng ở nhiều nơi. Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN - PTNT), toàn vùng ĐBSCL hiện còn khoảng 50.000 hộ dân nông thôn (chiếm khoảng 3,6% số hộ dân nông thôn cả nước) chưa được cung cấp nước sạch sinh hoạt. Vì thế, xâm nhập mặn trong mùa khô trở thành vấn đề đáng báo động, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, đời sống của người dân không chỉ hiện tại mà cả tương lai.

Lực lượng cảnh sát biển khu vực 4 chở nước ngọt đến cho người dân đảo Hòn Chuối, tỉnh Cà Mau trong những ngày thiếu nước gay gắt
Lực lượng cảnh sát biển khu vực 4 chở nước ngọt đến cho người dân đảo Hòn Chuối, tỉnh Cà Mau trong những ngày thiếu nước gay gắt

Trong tình cảnh nhiều địa phương vùng ĐBSCL gần như cạn kiệt nguồn nước ngọt từ các kênh, rạch, thậm chí nguồn nước ngầm cũng bị nhiễm mặn, vấn đề đặt ra hiện nay không chỉ là lo nguồn nước phục vụ sản xuất mà phải ưu tiên hàng đầu việc bảo đảm cung cấp đủ nguồn nước ngọt phục vụ nhu cầu sinh hoạt thiết yếu hằng ngày của người dân. Cùng với việc cải tạo, nâng cấp, tăng cường hoạt động của hệ thống cấp nước ngọt, nhiều nơi, các cấp chính quyền, đoàn thể, lực lượng vũ trang, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm… đã chung tay hỗ trợ nước ngọt cho người dân vùng hạn mặn.

Cụ thể, mới đây lực lượng vũ trang Quân khu 9 đã vận chuyển nước sạch từ TP. Cần Thơ đến tỉnh Cà Mau để cấp miễn phí cho người dân ở xã Biển Bạch (huyện Thới Bình). Đây là điểm đầu tiên trong kế hoạch đưa nước sạch đến người dân Cà Mau ở các xã Khánh Thuận (huyện U Minh) và Khánh Bình Đông (huyện Trần Văn Thời) của lực lượng vũ trang Quân khu 9.

Ngày 9.4, Bộ NN - PTNT, UBND tỉnh Cà Mau phối hợp với tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) triển khai chương trình hỗ trợ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở các xã Khánh An, Khánh Thuận (huyện U Minh), Khánh Hưng (huyện Trần Văn Thời) và Biển Bạch (huyện Thới Bình) gần 5,5 tỷ đồng nâng cao khả năng chống chịu và giảm thiểu tác động bởi hạn hán, xâm nhập mặn.

Ở tỉnh Tiền Giang, Chủ tịch UBND tỉnh đã ký quyết định công bố tình huống khẩn cấp về thiếu nước sinh hoạt. Theo đó, Sở NN - PTNT được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với UBND huyện Tân Phú Đông tổ chức vận chuyển nước ngọt về các ao chứa nước tại huyện để phục vụ người dân. Trước đó, UBND tỉnh cũng đã phê duyệt phương án vận chuyển nước ngọt bằng xà lan từ thượng nguồn về các ao trữ ở các xã Phú Thạnh, Tân Thới (huyện Tân Phú Đông) để bảo đảm khả năng sản xuất nước sạch... Mới đây, tỉnh Cà Mau cũng công bố tình huống khẩn cấp hạn hán cấp 2 tại huyện Trần Văn Thời và U Minh.

Trong Chương trình “Cộng đồng chung tay hướng về bà con nông dân vùng hạn mặn ở đồng bằng sông Cửu Long”, ngày 11.4, Tổng Công ty Lương thực miền Nam vừa hỗ trợ cho bà con vùng hạn mặn xã Mỹ Thạnh (huyện Ba Tri) và Đại Hòa Lộc (huyện Bình Đại) 300 bình nước khoáng thiên nhiên Suối Xanh... Đặc biệt, mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam cũng đã ký ban hành công văn về chủ trương giảm 10% giá nước sạch sinh hoạt trong 2 kỳ hóa đơn tháng 4 và 5.2024.

Ở tỉnh Sóc Trăng, công an các đơn vị, địa phương trong tỉnh đã vận động cán bộ, chiến sĩ tự nguyện đóng góp trên 4.000 thùng nước lọc, trị giá hàng trăm triệu đồng và kêu gọi các nguồn xã hội hóa để vận chuyển nước ngọt đến hỗ trợ người dân ở những địa phương đang chịu hạn mặn gay gắt.

Để vùng sông nước không còn “khát nước”

Theo dự báo của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, xâm nhập mặn ở vùng ĐBSCL trong mùa khô sẽ còn tiếp diễn trong những năm tới. Đây là hậu quả tất yếu từ những tác động của tình trạng biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng, và cả do chính con người gây ra. Xâm nhập mặn đã trở thành vấn đề đáng báo động mà người dân ở vùng ĐBSCL đã, đang và sẽ phải đối mặt. Tương lai ĐBSCL sẽ là một vùng “khát nước” nếu không có tầm nhìn dài hạn với chiến lược chủ động thích ứng, đối phó; không có quy hoạch tài nguyên nước với những giải pháp bảo vệ, sử dụng nguồn nước hợp lý, hài hòa.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, nhà khoa học, để chống hạn, mặn cho ĐBSCL một cách căn cơ, cần tiến hành cả giải pháp công trình và phi công trình. Trong đó, giải pháp hồ chứa để giữ nước ngọt từ nước mưa, nhất là ở khu vực bán đảo Cà Mau là giải pháp khả thi, ít tốn kém chi phí. Cần quy hoạch số lượng hồ chứa nước ngọt từ nước mưa để sử dụng cho tiêu dùng, sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy hải sản với quy mô từ hộ gia đình tới cấp xã, cấp huyện.

Ở các khu vực khác, cần linh hoạt tạo ra các hồ chứa nội đồng trên các kênh mương nhánh và hạn chế việc xây thêm các đập ngăn mặn ở các sông lớn dễ ảnh hưởng xấu đến môi trường, hệ sinh thái. Đồng thời, thực hiện dự án đường cấp nước liên vùng để đưa nước ngọt từ “túi nước” tự nhiên ở vùng Tứ giác Long Xuyên về các tỉnh vùng hạ lưu sông Mê Công trong những tháng mùa khô.

Ngoài ra, cần tính đến giải pháp phát triển mạnh các dạng năng lượng tái tạo, năng lượng gió, mặt trời... phục vụ việc lọc nước nhiễm mặn. Đây cũng là cách mà Israel đã thực hiện hiệu quả, khắc phục được tình trạng thiếu nước ngọt và phát triển thành một quốc gia có nền nông nghiệp tiên tiến trên thế giới.

Bài: Vũ Châu. Ảnh: Khánh Nhân
#