Chênh lệch mức sinh còn khác biệt giữa các vùng miền
Theo Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình, mức sinh của nước ta đã tiệm cận mức sinh thay thế trong thập kỷ qua, nhưng có sự khác biệt giữa các vùng miền, địa phương và các nhóm dân số khác nhau. Hiện, mức sinh của khu vực nông thôn cao hơn mức sinh thay thế và cao hơn mức sinh của khu vực thành thị.
Theo kết quả Điều tra biến động dân số năm 2021, TFR của Việt Nam bằng TFR trung bình của các nước Đông Nam Á. Năm 2021 so với 2020, TFR chung của cả nước và khu vực thành thị giảm nhẹ tương ứng với 0,01 con/phụ nữ và 0,27 con/phụ nữ, tuy nhiên ở khu vực nông thôn lại tăng 0,11 con/phụ nữ. TFR của khu vực thành thị là 1,64 con/phụ nữ thấp hơn con số 2,4 con/phụ nữ của khu vực nông thôn.
Kết quả Điều tra biến động dân số cũng cho thất, có 3 nhóm TFR gồm: nhóm 1 dưới mức sinh thay thế (TFR dưới 2,1 con/phụ nữ) có 22 tỉnh, thành phố; nhóm 2 bằng mức sinh thay thế đến dưới mức sinh 2,5 con/phụ nữ có 29 tỉnh, thành phố; nhóm 3 mức sinh cao (TFR từ 2,5 con/phụ nữ) có 12 tỉnh, thành phố.
Trung du và miền núi phía bắc và Tây Nguyên là các vùng có mức sinh cao nhất hiện nay, trong đó Tây Nguyên là vùng có mức sinh giảm nhiều nhất trong vòng 2 thập kỷ qua. Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long là hai vùng có mức sinh thấp nhất cả nước và thấp hơn mức sinh thay thế. TP. Hồ Chí Minh là địa phương có TFR thấp nhất cả nước (1,48 con/phụ nữ); Hà Tĩnh có TFR cao nhất cả nước (2,95 con/phụ nữ).
Năm 2022, số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, tổng tỷ suất sinh là 2,01 con. Thực tế, khu vực khó khăn hiện vẫn có mức sinh cao, có nơi rất cao, trong khi đó khu vực đô thị, kinh tế-xã hội phát triển hầu như đều có mức sinh thấp, thậm chí có nơi rất thấp. Theo các chuyên gia, điều này đã dẫn đến sự mất cân đối về dân số, ảnh hưởng lớn đến mục tiêu dân số, sự phát triển kinh tế-xã hội.
Ưu tiên đầu tư, hỗ trợ nguồn lực
Theo phương án dự báo trung bình của Liên Hợp Quốc, mức sinh toàn cầu sẽ đạt 2,2 con/phụ nữ năm 2050 và 1,9 con/phụ nữ năm 2100. Bên cạnh đó, trình độ phát triển kinh tế-xã hội khác nhau giữa các vùng miền, hiệu quả của công tác dân số ở các địa phương có khác nhau cũng là nguyên nhân dẫn tới sự chênh lệch này.
Việt Nam đã duy trì mức sinh thay thế hơn 15 năm qua, nhưng hiện nay đang đối mặt với thực trạng chênh lệch mức sinh đáng kể giữa các vùng, dẫn đến khó khăn trong việc thực hiện công tác dân số. Hiện có những địa phương đã giảm sâu mức sinh dưới mức thay thế, trong khi đó nhiều tỉnh, thành phố vẫn còn ở mức cao.
Theo các nhà xã hội học, một số nguyên nhân dẫn đến biến động mức sinh của các vùng kinh tế-xã hội có thể là do di cư, văn hóa vùng miền, trình độ phát triển kinh tế-xã hội của các vùng. Tình trạng này đòi hỏi chính sách dân số phải thích hợp với mức sinh của từng vùng về mục tiêu và giải pháp, phải có những giải pháp phù hợp để duy trì vững chắc mức sinh thay thế trong phạm vi cả nước.
Nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản về công tác dân số, thể hiện sự quan tâm về vấn đề điều chỉnh mức sinh, không để mức sinh tăng lên quá cao hoặc quá thấp, nhằm nâng cao chất lượng dân số, nâng cao chất lượng cuộc sống; bảo đảm nguồn nhân lực cho phát triển bền vững của đất nước.
Để làm tốt hơn nữa công tác dân số, giảm chênh lệch mức sinh giữa các vùng miền, nhiều ý kiến cho rằng, thời gian tới, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương cần tăng cường hơn nữa sự quan tâm, ưu tiên đầu tư, hỗ trợ nguồn lực kịp thời cho công tác dân số. Cùng với đó, tăng cường phối hợp, chia sẻ giữa các bộ, ban, ngành, đoàn thể với ngành dân số trong triển khai thực hiện thắng lợi các mục tiêu về công tác dân số trong tình hình mới đã đề ra.