Giải bài toán áp lực phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường

- Thứ Năm, 25/05/2023, 19:23 - Chia sẻ

Đoàn khảo sát của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường vừa có cuộc giám sát việc thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Qua khảo sát thực tế và làm việc với địa phương, Đoàn khảo sát ghi nhận khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp cơ sở, đặc biệt trong bối cảnh tốc độ phát triển nhanh, nhưng Thanh Hóa vẫn giữ vững quan điểm vừa phát triển kinh tế, vừa bảo vệ môi trường.

Không đầu tư dự án mới không có hệ thống xử lý nước thải

Theo đánh giá của Đoàn khảo sát, thời gian qua, công tác bảo vệ môi trường đã được cấp ủy, chính quyền tỉnh Thanh Hóa quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển theo hướng bền vững. Tín hiệu tích cực là trong năm 2022, đã có 62/82 cơ sở, khu vực đã được xử lý triệt để ô nhiễm và rút khỏi danh mục các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.          

Giải bài toán áp lực phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường -0
Đoàn công tác của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường khảo sát thực tế tại Mỏ khai thác đá vôi làm VLXD thông thường tại xã Hà Sơn, huyện Hà Trung của Công ty TNHH MTV Tân Thành 2

Tại cuộc làm việc với UBND tỉnh, Đoàn đã chỉ rõ những mặt hạn chế, bất cập hiện hữu mà tỉnh và các đơn vị, doanh nghiệp cần sớm có phương án khắc phục. Điển hình như, hiện nay, trên địa bàn Thanh Hóa có 8 khu công nghiệp (KCN), trong đó có 4 KCN đang hoạt động và hiện có 2 KCN chưa có hệ thống xử lý nước thải. Như vậy, Thanh Hóa sẽ rất khó đạt được các chỉ tiêu về môi trường theo Nghị quyết số 16/2021/QH15 của Quốc hội về “Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025”. Do đó, đối với các KCN chưa có hệ thống xử lý nước thải, Đoàn đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa kiên quyết không cho tiếp tục đầu tư thêm các dự án mới và các dự án nâng công suất nếu có nước thải.

Bên cạnh đó, theo Điều 49 của Nghị định 08 hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường, đến 31.12.2024, tất cả các cơ sở thứ cấp phải đấu nối nước mưa và nước thải riêng rẽ và đấu nối vào hệ thống xử lý nước thải tập trung của KCN. Như vậy, nếu đến năm 2024 mà các KCN này vẫn chưa có hệ thống xử lý nước thải thì các doanh nghiệp sẽ đấu nối như thế nào? Đoàn khảo sát đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa quan tâm hướng dẫn, hỗ trợ để các doanh nghiệp thực hiện đúng quy định pháp luật.

Đối với các cụm công nghiệp (CCN), hiện Thanh Hóa có 44 CCN được thành lập, trong đó có 5 CCN cơ bản hoàn thành hạ tầng. Đây cũng là con số đáng lo ngại khi mà theo Luật Bảo vệ môi trường, đến năm 2025 về cơ bản các CCN đi vào hoạt động phải có hạ tầng bảo vệ môi trường. Cùng với đó, theo Quyết định 491 của Thủ tướng Chính phủ, thì việc thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt phải đạt 90%. Trong khi đó, hiện nay tỷ lệ chôn lấp rác thải vẫn còn trên 60%. Vì vậy, Đoàn đề nghị UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo đầu tư hạ tầng CCN và đẩy mạnh thu gom, phân loại, xử lý rác thải đúng quy định pháp luật.

Tăng cường xã hội hóa hạ tầng bảo vệ môi trường

Thêm một khó khăn Đoàn khảo sát nhận thấy, đó là tiến độ đầu tư hạ tầng bảo vệ môi trường rất chậm, gây ảnh hưởng đến công tác bảo vệ môi trường chung của Thanh Hóa. Điển hình như, KCN Đình Hương - Tây Bắc Ga đang “sở hữu” hệ thống xử lý nước thải cho toàn bộ KCN với một số hạng mục dở dang. Hệ thống này chưa hoàn chỉnh, chưa từng vận hành thử, chưa nghiệm thu và thiết bị công nghệ đến nay đã “lạc hậu”, không thể sử dụng được.

Phó Trưởng ban quản lý khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp Trần Chí Thanh chia sẻ: “Hệ thống xử lý nước thải chưa được vận hành đã gây rất nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp tại KCN Đình Hương - Tây Bắc Ga, nước thải không thể xử lý triệt để, rất khó để bảo đảm đúng theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường. Hiện nay, UBND tỉnh đang yêu cầu chủ đầu tư là công ty Bình Minh phải thuê một đơn vị độc lập để đánh giá lại toàn bộ hạ tầng công trình này và xây dựng báo cáo chi tiết. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh sẽ xem xét điều chỉnh lại quy hoạch cũng như các nội dung liên quan đến việc xây dựng trạm xử lý nước thải để bảo đảm thực hiện đúng quy định của pháp luật về công tác bảo vệ môi trường tại KCN Đình Hương - Tây Bắc Ga”.

Không chỉ ở các KCN, việc thu gom, xử lý chất thải sinh hoạt cũng là một vấn đề khó khăn của Thanh Hóa do lượng rác thải phát sinh ngày càng nhiều, trong khi đó, hạ tầng xử lý rác thải ở nhiều địa phương còn thiếu, chưa đồng bộ, nhiều bãi rác quá tải so với công suất thiết kế ban đầu; tiến độ thực hiện dự án trọng điểm để xử lý rác thải còn chậm, một số dự án chưa triển khai… Theo đó, Đoàn đề nghị, UBND tỉnh Thanh Hóa cần tính toán đến phương án tăng cường xã hội hóa để sử dụng nguồn kinh phí từ khối tư nhân trong việc tham gia phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải. Luật Bảo vệ môi trường hiện nay khuyến khích xã hội hóa, ưu đãi, hỗ trợ tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng bảo vệ môi trường. Do đó, nếu Thanh Hóa thực hiện tốt phương án xã hội hóa sẽ tháo gỡ được nhiều điểm nghẽn trong thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh.

Trao đổi tại cuộc làm việc với UBND tỉnh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Tuấn Anh chia sẻ: “Theo quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh có 115 CCN và hiện nay đã thành lập được 44 CCN; do đó, trong thời gian tới, áp lực phát triển kinh tế và bài toán bảo vệ môi trường đối với tỉnh là rất lớn”.

Đánh giá cao nỗ lực của tỉnh trong công tác bảo vệ môi trường và quan điểm nhất quán “quyết tâm không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Tuấn Anh đề nghị Thanh Hóa sớm di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường ra xa khu dân cư. Cùng với đó, cần tăng cường phương án xã hội hóa để đầu tư tốt hệ thống hạ tầng bảo vệ môi trường. Chỉ đạo xử lý dứt điểm những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường tại các KCN, đặc biệt là KCN Đình Hương - Tây Bắc Ga.

Đối với hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Tuấn Anh đề nghị, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Công thương tăng cường cập nhật giải quyết khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, trách nhiệm cấp phép của chính quyền địa phương; rà soát lại việc cấp phép bảo vệ môi trường theo đúng quy định của Luật Bảo vệ môi trường cho các mỏ khai thác khoáng sản. Đối với các vấn đề khó khăn, kiến nghị thuộc thẩm quyền Trung ương, Đoàn sẽ tổng hợp, báo cáo kiến nghị với các bộ, ngành để có phương án phối hợp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và các địa phương.

Đào Cảnh