Gia Lai nỗ lực tăng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm xã hội

- Thứ Hai, 13/06/2022, 06:14 - Chia sẻ

Bảo hiểm xã hội (BHXH) và bảo hiểm y tế (BHYT) là hai trụ cột trong hệ thống chính sách an sinh xã hội. Những năm gần đây, số người tham gia BHXH tự nguyện và BHYT đang tiếp tục gia tăng, giúp người dân có điều kiện chăm lo cuộc sống tốt hơn khi về già hoặc không may bị ốm đau, bệnh tật. BHXH tỉnh nỗ lực từng bước đưa chính sách vào cuộc sống nhằm phấn đấu trong năm 2022, tổng thu đạt 2.690 tỷ đồng và giảm nợ xuống dưới mức 2,5% số phải thu. Đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, tự nguyện và BHYT hoàn thành kế hoạch giao, đặc biệt tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 90% dân số toàn tỉnh.

Tích cực đưa chính sách vào cuộc sống

Theo Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Gia Lai Trần Văn Lực, ngay từ những tháng đầu năm 2022, việc triển khai chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh tiếp tục gặp khó khăn do dịch Covid-19. Việc tổ chức các hoạt động truyền thông chính sách BHXH, BHYT cũng gặp nhiều thách thức, song BHXH tỉnh nỗ lực từng bước đưa chính sách vào cuộc sống nhằm phấn đấu trong năm 2022, tổng thu đạt 2.690 tỷ đồng và giảm nợ xuống dưới mức 2,5% số phải thu. Đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, tự nguyện và BHYT hoàn thành kế hoạch giao, đặc biệt tỷ lệ bao phủ BHYT phấn đấu đạt 90% dân số toàn tỉnh.

Với chủ đề “Bảo hiểm xã hội - điểm tựa của bạn và gia đình”, BHXH tỉnh Gia Lai sẽ tập trung truyền thông, vận động trực tiếp đối với nhóm chủ thể là nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Đồng thời, truyền thông đến nhóm người lao động dừng tham gia BHXH bắt buộc đang bảo lưu thời gian để tư vấn, vận động người lao động không nhận BHXH một lần, tiếp tục chuyển sang tham gia BHXH tự nguyện. Đặc biệt, nhấn mạnh mức hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước, ngân sách địa phương khi tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình; truyền thông để người dân hiểu, cùng với việc tăng mức đóng BHXH tự nguyện tối thiểu, mức tiền Nhà nước hỗ trợ cũng tăng lên tương ứng với tỷ lệ theo quy định, và mức lương hưu cũng sẽ tăng tương ứng.

BHXH tỉnh Gia Lai tích cực triển khai các chương trình tuyên truyền lưu động trên các trục đường chính trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, tỉnh Gia Lai còn sử dụng các hình thức tuyên truyền khác như treo băng rôn, khẩu hiệu, áp phích, tranh cổ động với nội dung thiết thực về chính sách BHXH, BHYT đến người dân. Kết quả đến hết quý I, toàn tỉnh có 91.875 người tham gia BHXH, tăng 1,6% so với cuối năm 2021, đạt 14,2% lực lượng lao động trong độ tuổi. Trong đó, tham gia BHXH bắt buộc là 77.696 người (tăng 0,33%) và 14.179 người tham gia BHXH tự nguyện (giảm 8,8%). Ngoài ra, tổng số tham gia bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn tỉnh là 65.758 người, tăng 0,6% so với cuối năm 2021, đạt 11,4% lực lượng lao động trong độ tuổi. Có gần 1,2 triệu người tham gia BHYT, đạt độ bao phủ BHYT 80% dân số toàn tỉnh Gia Lai.

Quang cảnh Lễ ra quân Tháng vận động triển khai bảo hiểm xã hội toàn dân	Ảnh: Hoài Nam
Quang cảnh Lễ ra quân Tháng vận động triển khai bảo hiểm xã hội toàn dân
Ảnh: Hoài Nam

Huy động sự vào cuộc của hệ thống chính trị địa phương

Nhằm hoàn thiện mục tiêu phát triển người tham gia, mở rộng diện bao phủ BHXH, BHYT toàn tỉnh theo tinh thần các nghị quyết của Đảng, BHXH tỉnh Gia Lai tích cực, chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác BHXH, BHYT với lộ trình, giải pháp cụ thể. Đặc biệt, có các chính sách hỗ trợ mức đóng để tạo “đà” cho người tham gia, nhất là với chính sách BHXH tự nguyện.  

Với những lợi ích thiết thực của BHXH tự nguyện, mục tiêu mở rộng độ phủ của các chính sách an sinh xã hội đang từng bước được cụ thể hóa. Tuy nhiên, cần nhìn một thực tế là tỷ lệ người lao động đóng BHXH tự nguyện còn thấp so với tổng số người trong độ tuổi lao động. Không ít người ngần ngại tham gia, thậm chí một số đã dừng đóng tiếp BHXH tự nguyện khi mức đóng được điều chỉnh tăng từ đầu năm 2022. Vì vậy, việc tuyên truyền, giải thích chủ trương, chính sách mới đang được BHXH tỉnh Gia Lai thực hiện tích cực, sâu rộng hơn nữa, mang đến thông điệp dễ hiểu, dễ tiếp nhận.

BHXH tỉnh Gia Lai cũng tiếp tục nghiên cứu và đề xuất nhiều hình thức, sửa đổi, bổ sung phù hợp với thực tế, linh hoạt hơn về mức đóng, thời gian đóng, đa dạng các lựa chọn giúp người lao động dễ dàng tham gia. Đồng thời, đơn giản hóa hơn nữa thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ của bộ máy, lắng nghe và chia sẻ với tâm tư, nguyện vọng của người lao động, hướng đến xây dựng hệ thống an sinh xã hội đa dạng, đa tầng, hiện đại, không chỉ mở rộng diện bao phủ mà còn nhấn mạnh đến tính bền vững, hiệu quả, thực chất.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Thị Thanh Lịch cho biết, tỉnh sẽ tập trung bao phủ BHYT toàn dân, triển khai các giải pháp để người dân được tiếp cận chính sách BHYT - coi đây là nhiệm vụ và cần sự chung tay của cả hệ thống chính trị, chứ không chỉ riêng của ngành BHXH. Bên cạnh đó, rà soát, triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp để thực hiện nghiêm Nghị quyết số 11/2021/NQ - HĐND của HĐND tỉnh về quy định mức hỗ trợ đóng BHYT cho một số nhóm đối tượng và các chính sách khác để người dân được tiếp cận chính sách BHYT. Tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền trong việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT, xác định rõ trách nhiệm của mình trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, tích cực triển khai các nhóm giải pháp phát triển số người tham gia BHYT. Phấn đấu hoàn thành tỷ lệ tham gia BHYT đạt 90% theo Nghị quyết 73/NQ-HĐND tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.

Đồng thời, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN triển khai ứng dụng chuyển đổi số, tạo thuận lợi cho người dân khi đi khám bệnh, chữa bệnh BHYT. Đổi mới mạnh mẽ cơ chế và phương thức hoạt động của y tế cấp xã để thực hiện vai trò là tuyến đầu trong phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe, triển khai đồng bộ hệ thống công nghệ thông tin trong quản lý bệnh tật, hồ sơ sức khỏe người dân gắn với quản lý thẻ, thanh toán BHYT.

Thanh Trúc